Viện trưởng VKSND Tối cao: Giữ nguyên biên chế mới giảm áp lực chống oan, sai

0:00 / 0:00
0:00
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí
TPO - “Nếu không được tăng biên chế, ngành Kiểm sát đề nghị giữ nguyên biên chế ban đầu thì mới giảm áp lực quá lớn về trách nhiệm chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm hiện nay của đội ngũ kiểm sát viên”, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho hay.

Ngày 25/3, báo cáo công tác nhiệm kỳ, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết, ngành luôn coi trọng công tác cán bộ, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong suốt nhiệm kỳ.

Theo ông Trí, từ đầu nhiệm kỳ, Ban Cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác cán bộ. Chủ động rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý, nhất là lãnh đạo cấp chiến lược của ngành theo phương châm “động và mở”. Đồng thời, chú trọng luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ từ VKSND tối cao về địa phương và ngược lại nhằm đào tạo nguồn cán bộ cho Viện kiểm sát các cấp.

Ngành cũng yêu cầu người đứng đầu Viện kiểm sát các cấp phải thực sự “công bằng, trách nhiệm, gương mẫu” và cấp dưới phải “trung thực, tận tụy, trách nhiệm” trong công việc. Ông Trí cho biết, trong nhiệm kỳ, toàn ngành đã giảm 171 đơn vị cấp phòng, sắp xếp bố trí hợp lý để bảo đảm tính hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ ở Viện kiểm sát các cấp; kiện toàn các đơn vị thanh tra ở 63 Viện kiểm sát cấp tỉnh và thanh tra VKSND tối cao; đồng thời, tinh giản 1.032 biên chế theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.

Bên cạnh đó, ngành kiểm sát cũng tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp trong công tác nghiệp vụ, bảo đảm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tham nhũng, chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm. Viện trưởng VKSND Tối cao xác định chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của các đơn vị nghiệp vụ.

Theo đó, trong các chỉ thị công tác hàng năm và các chỉ thị chuyên đề của Viện trưởng VKSND Tối cao đều quán triệt, chỉ đạo toàn Ngành thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp cụ thể, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm. Đồng thời tập trung chỉ đạo tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết các vụ án ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm và trong suốt quá trình điều tra

Ngành cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, TAND Tối cao, Ban Nội chính Trung ương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo; tăng cường các biện pháp nhằm thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án. Yêu cầu khẩn trương bồi thường, khắc phục hậu quả đối với các trường hợp bị oan thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Viện trưởng Lê Minh Trí cũng thừa nhận, còn trường hợp bắt, tạm giữ, tạm giam sau phải trả tự do không xử lý hình sự; còn để xảy ra một số trường hợp oan và trả hồ sơ để điều tra bổ sung do vi phạm tố tụng; chất lượng kháng nghị các vụ án hành chính và tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội.

Theo ông Trí, tình hình tội phạm ngày càng tăng nhanh, yêu cầu về nhiệm vụ, trách nhiệm của Viện kiểm sát theo quy định của các đạo luật tư pháp mới tăng nhiều hơn so với trước, kỷ luật Đảng đối với cán bộ tư pháp có vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ rất nghiêm khắc nên đã tạo áp lực trách nhiệm nặng nề đối với ngành Kiểm sát.

“Nếu không được tăng biên chế, ngành Kiểm sát đề nghị giữ nguyên biên chế ban đầu thì mới giảm áp lực quá lớn về trách nhiệm chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm hiện nay của đội ngũ Kiểm sát viên. Tuy nhiên, thời gian qua ngành Kiểm sát đã chấp hành nghiêm việc tinh giản biên chế, nhưng do thực tiễn công việc của Ngành hiện nay thấy việc thiếu biên chế là vấn đề hết sức khó khăn nên vẫn kiến nghị”, ông Trí cho hay.

MỚI - NÓNG