KỊCH BẢN “SỐNG”
Sản xuất một bộ phim phản ánh gần nhất, chân thực và sinh động nhất cuộc sống chiến đấu hai bên vĩ tuyến 17 là một điều tưởng chừng không thể, vì hoàn cảnh đất nước bị chia cắt. Ngành điện ảnh Việt Nam đã cố gắng và tập trung tối đa cho bộ phim truyện. Kịch bản bộ phim được viết và hoàn thành với thời gian 5 năm trong điều kiện chiến tranh ác liệt.
Các tác giả Hải Ninh và Hoàng Tích Chỉ đã nhiều lần vào giới tuyến để tìm kiếm tư liệu và nhân vật “từ phía bên kia vĩ tuyến 17”. Lực lượng cách mạng cả “hai miền” đã giúp các đạo diễn, biên kịch hoàn thành tác phẩm bằng cách bí mật đưa các nhân vật sống và chiến đấu bên kia vĩ tuyến, vượt sông Bến Hải sang gặp Hải Ninh và Hoàng Tích Chỉ. Số phận thật, cuộc chiến đấu, những hy sinh và tâm sự chân thật giúp cho kịch bản bộ phim dần được hoàn thiện.
NSND Trà Giang kể: “Anh Hải Ninh và Hoàng Tích Chỉ nhiều lần vào Vĩnh Linh, được gặp các nhân vật nguyên mẫu, ghi chép và sáng tác. Không những thế, hai anh còn cầm kịch bản vào giới tuyến để đọc cho các anh bộ đội, công an vũ trang nghe, để họ nhận xét, góp ý, sao cho sát với thực tế nhất”.
Theo tác giả Hoàng Tích Chỉ kể lại với báo chí thì nhân vật nguyên mẫu trong phim, người nữ chiến sĩ từ bên kia giới tuyến đã giấu tên họ của mình, chị chỉ nói rằng: “Khi nào đất nước thống nhất sẽ cho biết tên”. Sự giản dị hay nguyên tắc bí mật đã khiến sau này, khi đất nước thống nhất, đoàn làm phim không tìm lại được người nữ nguyên mẫu ấy, và có thể chị đã hy sinh.
NSND Trà Giang cho biết: “Anh Hải Ninh và Hoàng Tích Chỉ đã đưa kịch bản cho tôi từ rất sớm, để tôi đọc, suy ngẫm, chuẩn bị cho vai của mình. Nhưng, hai anh cứ nhiều lần vào giới tuyến, chỉnh sửa, hoàn thiện và lại đưa ra các kịch bản được sửa chữa cho tôi!”.
DIỄN VIÊN ĐỐI THOẠI VỚI NGUYÊN MẪU
Để nữ diễn viên chính là Trà Giang hiểu, cảm nhận và đồng cảm với vai diễn của mình là một nữ bí thư chi bộ bên kia sông Bến Hải (tên là Dịu), đoàn làm phim đã đưa diễn viên Trà Giang vào vĩ tuyến 17.
Dĩ nhiên, Trà Giang không thể vượt qua sông Bến Hải để thâm nhập thực tế. Vì bờ Nam sông Bến Hải đang tạm thời do chính quyền miền Nam kiểm soát. Một lần nữa, tổ chức lại bí mật đưa nguyên mẫu là nữ cán bộ hoạt động bên bờ Nam sang bờ Bắc để Trà Giang gặp mặt, trò chuyện, tìm hiểu.
“Nguyên mẫu mà tôi được gặp là o Thảo. Tôi được gặp, nghe o kể chuyện. Tôi xúc động, khóc giàn giụa. Tôi biết rằng cuộc sống chiến đấu ở bờ Nam vô cùng gian khổ, nhưng những gì o Thảo kể cho tôi còn hơn cả sức tưởng tượng của tôi”. Bùi ngùi, NSND Trà Giang kể: “Câu chuyện o Thảo kể cho tôi, theo năm tháng, tôi không thể nhớ chi tiết. Nhưng tôi không bao giờ quên những hình ảnh mãi ám ảnh tôi, đó là chuyện mẹ của o Thảo bị địch bắn khi o Thảo vẫn còn là đứa nhỏ bò trên bụng mẹ. Đó là câu chuyện o Thảo chứng kiến anh trai của mình bị địch bắt và bắn chết ngay trước mắt em gái mình. Những đau thương mất mát ấy là động lực để o Thảo đứng lên tham gia cách mạng, chiến đấu thống nhất nước nhà”.
NSND Trà Giang tâm sự: “Tôi là con em tập kết, ra Bắc học hành từ lúc còn nhỏ, nay được vào giới tuyến gặp gỡ đồng bào của mình, cảm xúc dâng trào. Khi được nghe kể về câu chuyện hy sinh chiến đấu gian khổ bên bờ Nam, tôi cố kìm nén xúc động, nhưng nước cứ mắt tuôn rơi”.
Việc tham gia đóng phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm có lẽ còn hơn việc để lại một vai diễn cho đời mà còn giúp thay đổi một con người. NSND Trà Giang chia sẻ: “Dù đã đóng mấy bộ phim trước đó, nhưng tôi vẫn còn cảm xúc của một cô bé sinh viên mới ra trường, cảm xúc của một nghệ sĩ khá trẻ. Chính những câu chuyện tại vĩ tuyến 17 đã giúp tôi trưởng thành hơn. Trong đau thương mất mát mà tôi tận mắt được nghe, tôi thấy mình lớn lên, trong tôi dâng lên tình cảm yêu đất nước, yêu quê hương hơn bao giờ hết. Tôi cũng muốn noi gương những người như o Thảo, muốn làm một điều gì đó cho đất nước, dù khó khăn gian khổ đến như thế nào”.
QUAY PHIM TRONG BOM ĐẠN
Đoàn làm phim đi thực tế tại Vĩnh Linh, đã chứng kiến nhiều trận bom khốc liệt. “Chúng tôi vừa quay phim, vừa sinh hoạt như những người lính nơi chiến trường, nhiều khi thời gian nằm dưới hầm nhiều hơn thời gian trên mặt đất”. Nữ diễn viên Trà Giang kể: “Bất chấp nguy hiểm, chúng tôi đã quay được một số cảnh ngay tại vĩ tuyến 17, sau đó, do chiến trường quá khốc liệt, chúng tôi buộc phải quay ra Hà Nội để quay tiếp những cảnh sau”.
Nguyên mẫu o Thảo (phải) và nghệ sĩ Trà Giang trên vĩ tuyến 17. ẢNH TƯ LIỆU |
Dường như, vĩ tuyến 17 đã tôi rèn ý chí sắt đá cho đoàn làm phim. Khi đoàn phim về tới Hà Nội làm hậu kỳ thì Mỹ đánh phá thủ đô. Cả Hãng phim truyện Việt Nam sơ tán, riêng đoàn làm phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm đào hầm ven Hồ Tây, tiếp tục bám trụ để hoàn thiện bộ phim của mình.
Dường như, vĩ tuyến 17 đã tôi rèn ý chí sắt đá cho đoàn làm phim. Khi đoàn phim về tới Hà Nội làm hậu kỳ thì Mỹ đánh phá Thủ đô. Cả Hãng phim truyện Việt Nam sơ tán, riêng đoàn làm phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm đào hầm ven Hồ Tây, tiếp tục bám trụ để hoàn thiện bộ phim của mình.
NSND Trà Giang nói rằng “cấp trên” tức lãnh đạo ngành điện ảnh muốn bộ phim phản ánh chân thực nhất cuộc chiến đấu bên bờ Nam. Bộ Quốc phòng đã cấp cho đoàn làm phim một chiếc xe thiết giáp chiến lợi phẩm mà bộ đội ta thu được ở chiến trường đường 9 làm “đạo cụ”.
“Ban đầu chúng tôi quay chiếc xe thiết giáp ấy tại vùng biển Nam Định. Đang quay dở thì địch ném bom, nên Bộ Quốc Phòng không đồng ý để xe ở vùng biển mà đem chiếc xe lên vùng núi giáp với tỉnh Hòa Bình. Thế là đoàn làm phim chúng tôi khăn gói di chuyển theo chiếc xe thiết giáp để quay tiếp”. Vừa kể vừa tủm tỉm cười, “chị Dịu”, tên nhân vật chính trong phim, tiết lộ: “Nhờ đạo diễn, quay phim và họa sĩ khéo léo, tinh tế nên khi xem phim khán giả không thể phát hiện ra chiếc xe thiết giáp của địch đã di chuyển từ biển lên rừng!”.
Trường đoạn phim kinh điển mô tả người dân bờ Nam xuống đường chống Mỹ Ngụy khi họ không một tấc sắt trong tay, phải đối phó với lực lượng địch đông đảo tàn nhẫn lại có cả thiết giáp, nhưng chị Dịu và đồng bào vẫn một lòng quyết tâm, không chùn bước. Hình ảnh ấy còn đọng lại mãi trong tâm trí người xem.
NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM TRONG CHIẾN TRANH
“Bộ phim được làm rất công phu, chúng tôi thường quay 7-8 lần khác nhau và chọn những cảnh tốt nhất để dựng phim”- NSND Trà Giang nói với phóng viên.
Vai mà NSND Trà Giang đóng là chị Dịu, một phụ nữ trong tay không tấc sắt, “vũ khí” của chị không gì khác đó là tình yêu quê hương đất nước, tha thiết đấu tranh vì đồng bào của mình. Chính tình yêu quê hương là sức mạnh giúp một người phụ nữ với chiếc nón lá trong tay dám đứng lên chống lại kẻ thù được trang bị vũ khí tối tân. Lòng kiên định và sự dũng cảm của chị Dịu và những người phụ nữ cách mạng đã khiến kẻ thù phải kinh sợ. Chị Dịu, cũng là hiện thân của một đất nước Việt Nam nhỏ bé, đẹp đẽ, luôn yêu chuộng hòa bình, nhưng buộc phải đứng lên để chống lại những kẻ thù hung bạo, bảo vệ quê hương làng xóm của mình. Đó là cuộc đấu tranh vì phẩm giá con người.
NSND Trà Giang kể: “Khi bộ phim được chiếu tại Liên hoan phim quốc tế ở Liên Xô năm 1973, các nhà điện ảnh Liên Xô nói với tôi: Trong cuộc kháng chiến vệ quốc, chúng tôi chỉ làm được phim tài liệu thôi, còn các đồng chí làm được phim truyện, đó là điều mà chúng tôi không làm được. Những lời khen của đồng nghiệp Liên Xô khiến tôi cảm thấy rất đỗi tự hào về điện ảnh Việt Nam”.
Nhiều năm sau khi đất nước hòa bình thống nhất, NSND Trà Giang đi tìm lại o Thảo, với suy nghĩ sẽ cùng nhau chia sẻ những kỷ niệm, những vui buồn của hai người phụ nữ với nhau trong thời bình. Nhưng khi về tới vùng giới tuyến xưa, cô mới biết o Thảo đã hy sinh.
Tại Liên hoan phim Quốc tế Moskva năm 1973, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm đã giành được giải của Hội đồng hòa bình Thế giới và Giải nữ diễn viên xuất sắc đã dành cho Trà Giang.
NSND Trà Giang chia sẻ: “Tôi rất vinh dự được đóng hai vai là những người phụ nữ miền Nam, đó là vai Tư Hậu trong phim Chị Tư Hậu và vai Dịu trong phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm. Khoảng cách giữa 2 bộ phim là 10 năm. Nhưng tôi nghĩ tôi cũng cần có 10 năm như vậy để đảm đương vai Dịu. Tư Hậu là một cô gái vì hoàn cảnh mà đứng lên đấu tranh, còn Dịu là một người ý thức rất rõ công việc của mình, cô ấy tự nguyện và chịu trách nhiệm trong cuộc đấu tranh với kẻ thù”.
Cảnh trong phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm sử dụng xe bọc thép thu được từ chiến thắng Ðường 9 – Nam Lào |
“Tôi muốn dành tặng vai diễn Dịu của tôi cho các mẹ các chị các bạn các em ở miền Nam, nhưng cũng là dành tặng cho tất cả chị em phụ nữ trên đất nước Việt Nam trong cuộc chiến đấu gian khổ. Tôi đã cố gắng hết sức mình trong bộ phim. Thực sự tôi không diễn vai diễn của mình mà tôi đặt mình như một người trong cuộc, như o Thảo và biết bao người khác ở bờ Nam. Tôi thường tự hỏi: Nếu tôi là Dịu, trong hoàn cảnh ấy, tôi sẽ phải làm gì?”.
Nhiều năm sau khi đất nước hòa bình thống nhất, NSND Trà Giang đi tìm lại o Thảo, với suy nghĩ sẽ cùng nhau chia sẻ những kỷ niệm những vui buồn của hai người phụ nữ với nhau trong thời bình. Nhưng khi về tới vùng giới tuyến xưa, cô mới biết o Thảo đã hi sinh.
“Thế mà bao nhiêu năm tôi cứ nghĩ o Thảo đã xem bộ phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm và hài lòng về những gì tôi thể hiện trong phim!” - NSND Trà Giang bùi ngùi. “Trong cuộc chiến đấu ấy, không chỉ tôi là người tập kết mong trở về Nam quê hương mình mà những anh chị bộ đội miền Bắc cũng mong hòa bình để trở về nhà, còn o Thảo thì mong hai bờ sông Hiền Lương nối liền. Hòa bình, thống nhất, đó là khát vọng cháy bỏng của cả thế hệ chúng tôi”.
4/2021