Mới đây, Sputnik dẫn báo cáo của một nhóm chuyên gia quân sự Trung Quốc cho hay kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền, Bắc Kinh đã thay đổi chiến lược vũ khí hạt nhân của mình, từ phòng thủ bị động sang trạng thái báo động chiến đấu cao, sẵn sàng khai hỏa tên lửa hạt nhân nếu phát hiện một cuộc tấn công phủ đầu đang diễn ra.
Theo Ankit Panda, chuyên gia về an ninh quốc phòng của Diplomat, Trung Quốc có một kho vũ khí hạt nhân chiến lược khá khiêm tốn. Báo cáo hồi tháng 1/2015 của Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho biết tổng số đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc chỉ là 260, quá ít ỏi nếu so với 7.500 đầu đạn của Nga và 7.260 đầu đạn hạt nhân của Mỹ, trong đó mỗi nước có hơn 1.000 đầu đạn hạt nhân đã được triển khai.
Với số lượng vũ khí hạt nhân khiêm tốn như vậy, từ trước đến nay, Trung Quốc luôn theo đuổi chính sách răn đe hạt nhân ở mức tin cậy tối thiểu, chỉ đủ để đảm bảo khả năng trả đũa hạt nhân trong trường hợp bị tấn công trước, và không đặt các lực lượng hạt nhân trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao.
Trạng thái này nghĩa là đưa đầu đạn hạt nhân lên các thiết bị phóng, thường là tên lửa đạn đạo liên lục địa, sẵn sàng khai hỏa khi cần. Chẳng hạn, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, chính sách đảm bảo hủy diệt lẫn nhau (MAD) được Mỹ và Liên Xô áp dụng để có thể ra đòn trả đũa chiến lược trong vài phút sau khi phát hiện dấu hiệu cảnh báo sớm về một vụ tấn công hạt nhân.
Gregory Kulacki, chuyên gia về chính sách quản lý Trung Quốc ở Hội liên hiệp Các nhà khoa học Quan tâm (UCS), cho rằng các lãnh đạo chính trị trước đây của nước này luôn tỏ ra thận trọng với vũ khí hạt nhân, bởi họ tin rằng cần kiên nhẫn và phòng tránh một cuộc tấn công hạt nhân trước khi nó xảy ra, và tấn công trả đũa chỉ là lựa chọn cuối cùng.
Sự kiên nhẫn chiến lược của họ đã được ca ngợi cả trong và ngoài nước, như là một thái độ có trách nhiệm với niềm tin rằng điều này sẽ khiến mọi đối thủ, kể cả Mỹ, không muốn phát động một cuộc tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang mới của Trung Quốc dường như không kế thừa sự kiên nhẫn này, theo Kulacki. Ông Tập muốn quân đội Trung Quốc có sự chuẩn bị tốt hơn để sẵn sàng chiến đấu và giành chiến thắng trong chiến tranh, chứ không đơn thuần là ngăn chặn nó xảy ra, chuyên gia này nhận định, và kết quả là lực lượng tên lửa hạt nhân của nước này luôn được đặt trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao.
Nỗi lo sợ không kịp tấn công trả đũa
Theo Kulacki, nguyên nhân khiến Trung Quốc thay đổi chiến lược răn đe hạt nhân dưới thời của ông Tập là do nước này lo ngại rằng họ không có đủ khả năng trả đũa hạt nhân tin cậy để đối phó với các vũ khí hạt nhân, vũ khí thông thường và các hệ thống phòng thủ tên lửa có độ chính xác cao của Mỹ.
Trong một báo cáo năm 2013, các chiến lược gia quân sự Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại rằng kho vũ khí hạt nhân của nước này có thể bị vô hiệu hóa và xóa sổ nếu Mỹ tấn công phủ đầu bằng khoảng 150 tên lửa hạt nhân và các vũ khí thông thường.
Các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) sử dụng nhiên liệu lỏng của Trung Quốc được đặt cố định trong các hầm chứa dễ nhận biết và mất thời gian để chuẩn bị phóng. Quân đội Trung Quốc cũng có các tên lửa ICBM nhiên liệu rắn đặt trên xe di động, song các chiến lược gia Bắc Kinh lo ngại các xe tên lửa này khó có thể giấu mình trước những phương tiện trinh sát tối tân của Mỹ.
Bởi vậy, các chiến lược gia này muốn tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc phải luôn nằm trên bệ phóng, sẵn sàng khai hỏa khi phát hiện đối phương vừa phóng tên lửa. Trong lúc tên lửa đối phương bay tới, tên lửa hạt nhân của Trung Quốc cũng đã rời khỏi bệ phóng, đảm bảo không bị xóa sổ trong cuộc tấn công phủ đầu.
Qủa bom hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc phát nổ trong cuộc thử nghiệm. Ảnh:YouTube
Ngoài ra, các chiến lược gia Trung Quốc cũng tin rằng Mỹ và Nga đều đặt các tên lửa hạt nhân của mình trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao thì Trung Quốc cũng cần làm tương tự.
Quân đội Mỹ hiện duy trì 450 tên lửa ICBM trên bộ ở mức sẵn sàng chiến đấu cao đủ khả năng tấn công nhanh, dù họ có các tên lửa tầm xa phóng từ tàu ngầm tạo ra một lực lượng có khả năng sống sót cao sau đòn tấn công phủ đầu để trả đũa đối phương.
Theo các chuyên gia phân tích, việc các cường quốc cùng đặt tay vào nút phóng tên lửa hạt nhân như vậy sẽ gia tăng nguy cơ đẩy thế giới vào một cuộc chiến hủy diệt, nhất là khi xảy ra sự nhầm lẫn về vụ phóng tên lửa của một quốc gia nào đó.
Để giảm bớt nguy cơ này, theo giới quan sát, Mỹ và Trung Quốc cần thực hiện tốt cơ chế đối thoại song phương, giống như những gì ông Tập Cận Bình và người đồng cấp Barack Obama đã thực hiện trong hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân diễn ra ở Washington vừa qua.
Bên cạnh đó, Mỹ cần phải giảm bớt cường độ sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng tên lửa hạt nhân, tạo tiền đề để Trung Quốc có hành động tương tự. Nếu không, khi quan hệ Mỹ - Trung ngày càng trở nên phức tạp trong thời gian tới, nguy cơ nổ ra chiến tranh hạt nhân giữa hai cường quốc sẽ tăng lên đáng kể, ông Kulacki nhấn mạnh.