Vì sao tốc độ tăng trưởng kinh tế của Cần Thơ chậm lại?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ông Lê Thanh Tâm - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Cần Thơ nêu 5 nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế thành phố chậm lại trong 6 tháng đầu năm.

Sáng 6/7, tại ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp HĐND TP. Cần Thơ, các đại biểu thảo luận trực tiếp tại hội trường.

Ông Lê Thanh Tâm – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Cần Thơ trình bày một số nội dung liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; công tác giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm 2023; công tác Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo ông Tâm, có 5 nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,71% so với cùng kỳ, mức thấp so với Nghị quyết HĐND thành phố đề ra.

Vì sao tốc độ tăng trưởng kinh tế của Cần Thơ chậm lại? ảnh 1

Ông Lê Thanh Tâm – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Cần Thơ. Ảnh: Nhật Huy.

Nguyên nhân thứ nhất, theo ông Tâm, do lạm phát tăng ở một số thị trường nhập khẩu trên thế giới, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng thắt chặt hơn.

Sự phục hồi chậm của các đối tác thương mại nhập các mặt hàng của Việt Nam trong đó có Cần Thơ (thủy hải sản, dệt, may mặc, giày da, sắt thép...) đã tác động đến doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp; ảnh hưởng đến cơ hội xuất khẩu và khai thác thị trường của DN.

DN gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới và tiêu thụ sản phẩm; ảnh hưởng giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chỉ tăng 1,22% so với cùng kỳ năm 2022.

Thứ hai, giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm chưa được cải thiện đáng kể, tỷ lệ giải ngân đạt 37,04%. Các công trình thuộc vốn đầu tư công trên địa bàn đang gấp rút triển khai, tuy nhiên vẫn còn gặp những khó khăn, triển khai khá chậm.

Cùng với đó, các công trình xây dựng nhà ở chưa có nhiều dự án mới được khởi công. Thị trường bất động sản trầm lắng trong thời gian qua cũng ảnh hưởng đến sự tăng trưởng trong lĩnh vực xây dựng.

Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 32% trong cơ cấu kinh tế thành phố, với mức tăng trưởng khiêm tốn chỉ ở mức 1,06% ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng chung của 6 tháng đầu năm 2023.

Nguyên nhân thứ 3, theo ông Tâm, một số lĩnh vực tăng trưởng chậm hoặc giảm so cùng kỳ, như: hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 4,46%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 3,75%. Khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong kinh tế thành phố (với 52,85%) tuy nhiên chỉ tăng trưởng 5,95%, ảnh hưởng đến mức tăng chung của 6 tháng đầu năm 2023.

Thứ tư, sản xuất nông nghiệp ổn định, thời tiết thuận lợi, nhưng sản lượng lúa Đông Xuân ước giảm 0,76% so cùng kỳ, do diện tích giảm 1.011 ha chuyển sang trồng các loại cây khác, trong khi giá lúa đang có xu hướng tăng do nhu cầu xuất khẩu.

Thứ năm, dù có những chỉ đạo quyết liệt trong việc thu ngân sách, tuy nhiên, thu từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh giảm 4,50% so cùng kỳ, do những khó khăn tại các DN, nhất là DN trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xây dựng.

Bên cạnh đó, qua số liệu cho thấy, số liệu DN đăng ký mới và DN quay trở lại hoạt động không bù đắp được cho số DN rời khỏi thị trường. Đa số DN trên địa bàn là DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ; DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xây dựng chỉ đạt 30% trong khi đây là lĩnh vực tạo ra nhiều giá trị mới, việc làm, thu ngân sách.

Theo ông Tâm, trong 6 tháng cuối năm, dự báo khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Do đó, cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo động lực cho tăng trưởng; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện tốt hơn về cải cách hành chính, hỗ trợ DN trong thủ tục hành chính; tăng cường kết nối chuỗi sản xuất – tiêu thụ đa dạng hoá thị trường và sản xuất – tiêu thụ, đa dạng hoá thị trường và sản phẩm xuất khẩu…

MỚI - NÓNG