Mới đây, trong bản báo cáo về "Những chương trình quốc phòng lãng phí nhất của Mỹ", Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện John McCain đã đưa ra kiến nghị gây xôn xao dư luận, đó là Mỹ cần phải ngừng chương trình đóng tàu sân bay, bởi chi phí chế tạo và vận hành của tàu sân bay quá cao, trong khi những quả tên lửa giá rẻ của Trung Quốc có thể biến chúng thành đống sắt vụn.
Mối đe dọa từ tên lửa Trung Quốc
Báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết chi phí chế tạo một chiếc tàu sân bay lớp Ford của Mỹ hiện nay là 12,9 tỷ USD. Đây là những chiếc "siêu tàu sân bay" đang được Mỹ đóng mới để thay thế cho những tàu sân bay lớp Nimitz đã cũ. Chi phí hoạt động, bảo dưỡng cho những chiếc tàu sân bay này vào khoảng 400 triệu USD mỗi năm.
Theo thượng nghị sĩ McCain và nhiều quan chức Mỹ, mức chi phí này là một gánh nặng quá lớn cho ngân sách quốc phòng vốn đang bị cắt giảm nặng nề của Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc vừa trình làng một loại tên lửa diệt hạm giá rẻ mới, có thể đánh đắm tàu sân bay Mỹ từ khoảng cách rất xa.
Tàu sân bay của Mỹ được chế tạo để chống lại những cuộc tấn công cảm tử của máy bay địch trong Thế Chiến II và phục vụ một mục đích cụ thể: Nằm ngoài tầm bắn của vũ khí đối phương, mang theo những chiếc máy bay có thể hoạt động ở khoảng cách đủ xa và ném một lượng bom lớn lên các mục tiêu địch.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, tàu sân bay Mỹ được trang bị chiếc máy bay có thể luồn sâu vào lãnh thổ đối phương để thực hiện những cuộc không kích bất ngờ. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, hải quân Mỹ không còn chú trọng đến yếu tố tầm xa của các loại vũ khí trên tàu sân bay. Họ cho nghỉ hưu cường kích A-6 Intruder, máy bay có thể bay được hơn 1.900 km mà không cần tiếp liệu, và thay vào đó bằng những chiếc tiêm kích tầm ngắn như F/A-18 Hornet, bay được hơn 800 km.
Động thái này có vẻ hợp lý trong bối cảnh thập niên 1990, khi Mỹ gần như không có đối thủ trong các hoạt động quân sự. Cụm tàu sân bay chiến đấu Mỹ chỉ việc kéo tới gần bờ biển đối phương, phát động những cuộc không kích bằng chiến đấu cơ mà không hề lo sợ bị tấn công trả đũa.
Sau đó, Trung Quốc bắt đầu chú trọng phát triển các loại vũ khí chống tiếp cận, với mục đích đẩy tàu sân bay và chiến đấu cơ của đối phương càng xa bờ biển của họ càng tốt. Mới đây, Trung Quốc đã giới thiệu tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D, loại vũ khí có thể bắn ra từ khoảng cách gần 1.500 km, có thể chuyển hướng để tránh tên lửa đánh chặn của đối phương, và lao xuống tàu sân bay với tốc độ cực cao.
Các chuyên gia ước tính chi phí chế tạo một quả tên lửa DF-21D chỉ vào khoảng 5-11 triệu USD, rẻ hơn rất nhiều lần so với tàu sân bay Mỹ. Trong trường hợp Trung Quốc phóng đồng loạt nhiều tên lửa giá rẻ có tầm xa như vậy, nguy cơ tàu sân bay Mỹ bị loại khỏi vòng chiến và bị "xếp xó" là rất cao.
Theo chuyên gia quốc phòng Jerry Hendrix , các lãnh đạo chính trị Mỹ sẽ không muốn mạo hiểm đưa một con tàu trị giá tới 12,9 tỷ USD cùng thủy thủ đoàn 5.000 người vào vùng biển mà nó có nguy cơ bị đánh đắm hoặc hư hại nặng.
Việc mất một tàu sân bay trong tác chiến sẽ là một thảm bại về quân sự, ngoại giao và chính trị đối với Mỹ. Tàu sân bay từ lâu đã trở thành biểu tượng "bất khả chiến bại" của Mỹ trong các cuộc xung đột, ông Hendrix nhận định.
Tên lửa DF-21D của Trung Quốc có khả năng tiêu diệt tàu sân bay từ khoảng cách 1.500 km. Ảnh: DefenseNews
Phương án khắc chế
Sự lợi hại của tên lửa DF-21D sẽ khiến tàu sân bay Mỹ không thể tiến sát bờ biển đối phương trong phạm vi ít nhất 1.500 km, và ở khoảng cách này, các chiến đấu cơ tầm ngắn trở nên vô dụng. Các so sánh về tầm hoạt động và chi phí đánh đổi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyết định quân sự của Mỹ, gây tác động tiêu cực đến sự hiện diện và sức mạnh của Mỹ ở vùng biển chiến lược Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng hải quân Mỹ vẫn có thể đối phó nếu còn trong tay một số vũ khí có thể khắc chế được lợi thế tầm xa của đối phương. Cách khắc chế loại tên lửa chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực mới của Trung Quốc là theo đuổi chiến lược chiến tranh kiểm soát biển, hay nói cách khác là từ bỏ đường lối chiến tranh chớp nhoáng.
Theo đó, thay vì đưa tàu sân bay áp sát bờ biển đối phương để các chiến đấu cơ tầm ngắn có thể xuất kích, triệt hạ các mục tiêu trọng yếu của địch và rút ngắn cuộc chiến, hải quân Mỹ nên tập trung làm tiêu hao dần dần phạm vi phòng thủ của đối phương trong một thời gian dài. Tuy nhiên, nhược điểm của chiến lược này là sẽ kéo dài thời gian tham chiến, gia tăng đáng kể chi phí chiến tranh và có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới.
Theo chuyên gia vũ khí Dave Majumdar, hải quân Mỹ cần phải đầu tư nhiều hơn nữa vào chiến lược đưa lên tàu sân bay những loại vũ khí tầm xa có khả năng thâm nhập sâu vào lãnh thổ địch. Một trong những vũ khí đó là máy bay chiến đấu không người lái, có khả năng bay được gần 2.500 km và thực hiện các cuộc không kích chính xác vào mục tiêu đối phương.
Chiến đấu cơ F/A-18 Super Hornet cất cánh từ tàu sân bay Mỹ. Ảnh: Aviationist
Những chiếc máy bay vũ trang không người lái này có chi phí chế tạo và vận hành rẻ hơn rất nhiều so với tàu sân bay, và chúng có thể mang theo tên lửa dẫn đường chính xác để tiêu diệt những mục tiêu quan trọng, chẳng hạn như sở chỉ huy hay các phương tiện phóng DF-21D.
Một trong những máy bay không người lái vũ trang hiệu quả nhất của Mỹ hiện nay là MQ-9 Reaper. Với chi phí mỗi chiếc khoảng 16,9 triệu USD, Reaper có thể bay được gần 2.000 km với vận tốc tối đa 482 km/h.
Máy bay không người lái Reaper được trang bị nhiều hệ thống cảm biến khác nhau, trong đó có camera ảnh nhiệt, giúp nó có thể đọc rõ được biển số một chiếc xe ôtô từ khoảng cách gần 3 km. Nó có thể mang theo nhiều loại vũ khí khác nhau, như bom dẫn đường bằng laser GBU-12 Paveway, bom GBU-38 JDAM, tên lửa không đối đất AGM-114 Hellfire hay AIM-9 Sidewinder để tiêu diệt các mục tiêu của đối phương.
Tuy nhiên, MQ-9 Reaper đang chủ yếu hoạt động trên đất liền. Ông Hendrix cho rằng hải quân Mỹ cần đầu tư phát triển những dòng máy bay không người lái tương tự trên tàu sân bay để có thể tấn công các mục tiêu từ khoảng cách 1.500 km, nếu không những chiếc tàu sân bay hiện đại của Mỹ sẽ chỉ là những khoản đầu tư thua lỗ, thậm chí có thể dẫn tới thảm họa.
"Tàu sân bay từ lâu đã là biểu tượng cho sức mạnh tấn công của Mỹ. Nhưng nếu không còn khả năng tấn công thực sự vào kẻ thù, có lẽ đã đến lúc nghĩ đến việc kết thúc vai trò của chúng giống như những chiếc chiến hạm cỡ lớn trước đây", ông Hendrix nhận định.