Hãng tin Nhật Bản Kyodo nhận định, động thái này rõ ràng nhằm thể hiện liên minh Nhật-Mỹ bền chặt hơn sau khi Nhật thông qua luật an ninh mới (lần đầu tiên kể từ Thế chiến 2) cho phép binh sĩ nước này tới trợ giúp đồng minh bị tấn công vũ trang. Trước khi lên USS Ronald Reagan, Thủ tướng Abe nói rằng, chiếc tàu sân bay Mỹ này là “một người bạn lao tới cứu hộ khi thảm họa kép động đất-sóng thần xảy ra ở miền đông Nhật Bản (năm 2011); tôi nhiệt liệt chào đón tàu”. USS Ronald Reagan đến căn cứ hải quân Yokosuka vào ngày 1/10 để thế chỗ tàu USS George Washington đã rời đi hồi tháng 5.
Hôm qua, 50 tàu sân bay, tàu tuần tiễu, tàu khu trục và tàu ngầm cùng 61 máy bay tập trung gần bờ biển Nhật Bản để phô diễn sức mạnh hải quân và thể hiện sự tham gia sâu rộng hơn của Hải quân Mỹ ở khu vực tây Thái Bình Dương, Reuters đưa tin. Ngoài các tàu chiến mới nhất của Nhật Bản là các chiến hạm đến từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc, Pháp và Mỹ, trong đó có hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan dài 333 m.
Tâm điểm của hạm đội Nhật Bản là tàu sân bay trực thăng Izumo- tàu chiến lớn nhất của nước này kể từ Thế chiến 2. Izumo dài 248m, được phiên chế từ tháng 5, có khả năng hoạt động ở nước ngoài. Về bản chất, Izumo là tàu sân bay phục vụ máy bay trực thăng, nhưng Lực lượng Phòng vệ Biển của Nhật Bản xếp hạng Izumo là tàu khu trục, vì hiến pháp Nhật Bản cấm nước này sở hữu các phương tiện phát động chiến tranh, như tàu sân bay.
Trong bối cảnh hải quân Nhật Bản ngày càng nâng cao vai trò của mình ở châu Á, Hải quân Mỹ cử chỉ huy của Hạm đội 3 Đông Thái Bình Dương hùng mạnh, Phó đô đốc Nora Tyson, đón tiếp Thủ tướng Abe trên tàu của mình, báo Nhật Bản Japan Times đưa tin ngày 18/10. Sau khi Mỹ bỏ ranh giới hành chính về khu vực hoạt động của Hạm đội 3 và Hạm đội 7, bà Tyson cũng có vai trò chỉ huy ở tây Thái Bình Dương và Hải quân Mỹ có thể nhanh chóng triển khai tàu tới những điểm nóng trong khu vực.