Vì sao tại Bình Dương F0 xuất viện cao, tỉ lệ tử vong thấp?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thống kê cho thấy, những ngày qua Bình Dương ngoài việc ghi nhận ca mắc vẫn duy trì ở 4 con số mỗi ngày, số bệnh nhân xuất viện về nhà cũng tương đương hoặc cao hơn. Ngoài ra, số bệnh nhân COVID-19 tử vong ở địa phương này được đánh giá ở mức thấp.

F0 xuất viện về nhà được xem là ca nghi mắc COVID-19

Tính từ đợt dịch thứ 4 đến nay, tỉnh Bình Dương ghi nhận 157.018 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.388 ca tử vong và gần 109.000 bệnh nhân xuất viện về nhà. Thống kê những ngày qua cho thấy, mặc dù vẫn duy trì ca mắc mỗi ngày đến 4 con số (từ 2.000 đến gần 4.000) nhưng số bệnh nhân được xuất viện về nhà tương đương, thậm chí cao hơn ca mắc mới.

Theo đánh giá của PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiêm Giám đốc Y khoa Bệnh viện Hồi sức cấp cứu bệnh nhân COVID-19 tại Bình Dương, mô hình điều trị theo tháp 3 tầng ở địa phương này đạt hiệu quả. Các khu điều trị ở tầng 1 và 2 không gian thông thoáng, trang thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu. Do đó, vừa giảm tải F0 diễn biến nặng phải lên tuyến vừa sớm khỏi bệnh xuất viện ngay từ tầng dưới.

Vì sao tại Bình Dương F0 xuất viện cao, tỉ lệ tử vong thấp? ảnh 1

Bệnh nhân COVID-19 ở Bình Dương xuất viện được nhóm thiện nguyện di chuyển về nhà

Cũng theo ông Hiếu, phương án cho F0 âm tính sau 7 ngày cách ly, điều trị được về nhà tiếp tục theo dõi là đúng đắn, mang lại hiệu quả rất tốt. Bệnh nhân đảm bảo an toàn được cho về nhà sớm không chỉ cải thiện sức khỏe mà còn giảm tải cho các khu cách ly điều trị. Hầu hết các F0 được đánh giá an toàn cho về nhà đều ổn sau thời gian theo dõi.

Trước đó, Bình Dương thống nhất chủ trương các trường hợp F0 không có triệu chứng đang được chăm sóc, điều trị tại cơ sở y tế, cho xuất viện vào ngày thứ 7 khi xét nghiệm RT-PCR âm tính hoặc có tải lượng vi rút thấp (giá trị CT³30) và tiếp tục theo dõi, giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú.

Nếu không thể thực hiện xét nghiệm RT-PCR, cho xuất viện vào ngày thứ 7 khi kết quả xét nghiệm test nhanh kháng nguyên âm tính và tiếp tục theo dõi, giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú.

Các trường hợp chỉ sử dụng kết quả xét nghiệm test nhanh kháng nguyên để làm căn cứ cho việc thu dung, điều trị và cho xuất viện được xem như "người nghi nhiễm". Tất cả các trường hợp này đều được hưởng các chế độ của người mắc COVID-19 trong quá trình điều trị.​

Tỉ lệ tử vong do COVID-19 ở Bình Dương thấp

Theo TS.BS Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, số ca tử vong do COVID-19 trong thời gian qua ở địa phương hầu hết đều ở tầng 3 tháp điều trị, nơi bệnh nhân có bệnh lý nền nặng, bệnh nhân nguy kịch. Bình Dương đang làm tốt ở các tầng, nhờ đó tỉ lệ tử vong do COVID-19 ở mức thấp.

Việc áp dụng hiệu quả tháp điều trị 3 tầng với trang thiết bị y tế và nhân lực chuyên môn cao giúp tỉ lệ tử vong do COVID-19 ở Bình Dương ở mức thấp, đó là điều đã được khẳng định. Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia y tế, số ca mắc COVID-19 ở Bình Dương hầu hết rơi vào trường hợp người có độ tuổi từ 20 đến 45, có sức đề kháng tốt. Bình Dương có khoảng 2,6 triệu dân nhưng có tới 1,2 triệu lao động hầu hết là ngoại tỉnh. F0 có sức đề kháng tốt cũng là nguyên nhân giúp sớm hồi phục và giảm diễn biến nặng.

Vì sao tại Bình Dương F0 xuất viện cao, tỉ lệ tử vong thấp? ảnh 2

Ca mắc COVID-19 được ghi nhận nhiều ở các khu nhà trọ

Theo lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương, qua nhìn nhận đánh giá chung cho thấy sở dĩ ca mắc COVID-19 ở Bình Dương ghi nhận cao do tính đặc thù về nơi ở, sinh hoạt của người dân khác với địa phương lân cận. Hầu hết ca mắc tập trung ở các khu nhà trọ, nơi tập trung đông người. Người ở một khu trọ nhưng lại làm việc ở rất nhiều công ty, xí nghiệp. Do đó, khi một người trở thành F0, đến khi có triệu chứng thì những người khác cũng trở thành F0. Đặc thù các khu trọ công nhân đều cũ, sinh hoạt trong môi trường hẹp nên dễ lây chéo.

Theo TS.BS Nguyễn Hồng Chương, một nguyên nhân khác khiến số ca ghi nhận tăng cao những ngày qua do địa phương đang “khóa chặt” các “vùng đỏ” và tiền hành xét nghiệm thần tốc. F0 chủ yếu ở khu vực phong tỏa. Các trường hợp ở khu vực được khoanh vùng đều thuộc nguy cơ cao và khi xét nghiệm cho ra kết quả dương tính nhiều như nhận định ban đầu của ngành y tế.

Bình Dương đang thần tốc xét nghiệm, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Đối với “vùng xanh”, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR gộp, lấy mẫu đại diện theo hộ gia đình (những người thường xuyên di chuyển, tiếp xúc nhiều, có nguy cơ cao,...) đảm bảo ít nhất 20% hộ gia đình. Tần suất lấy mẫu 7 ngày thực hiện 1 lần.

Đối với khu vực “vùng vàng”, “vùng cam”, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR gộp tại các khu vực nguy cơ như: khu vực giáp ranh vùng đỏ, chợ, xung quanh chợ, siêu thị, nhà trọ, chung cư, xung quanh khu vực phong tỏa, các cơ sở y tế, các trường hợp có triệu chứng sốt, ho,... đảm bảo ít nhất 20% dân số. Tần suất lấy mẫu 3 ngày thực hiện 1 lần.

Đối với khu vực “vùng đỏ”, thực hiện xét nghiệm 100% người dân bằng test nhanh và RT-PCR theo “công thức 1,3,5”. Đồng thời khuyến khích người dân tự lấy mẫu tại nhà để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo. Hoàn thành việc lấy mẫu trước ngày 15/9.

MỚI - NÓNG