Vì sao quan chức Trung Quốc không ưa tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật?

Bà Tomomi Inada, tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản.
Bà Tomomi Inada, tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản.
TPO - Bà Tomomi Inada, tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản được mệnh danh là “diều hâu”, có quan điểm tương tự với Thủ tướng Shinzo Abe về các vấn đề an ninh và chính sách đối ngoại, bà cũng thường xuyên đến thăm đền chiến tranh Yasukuni ở Tokyo, nơi Trung Quốc và Hàn Quốc coi là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật.

Hôm 3/8, Thủ tướng Abe bổ nhiệm bà Inada làm Bộ trưởng Quốc phòng. Tờ Asahi nhận định, động thái này có thể chọc giận Trung Quốc bởi quan điểm bảo thủ của bà.

Ông Takashi Kawakami, một chuyên gia an ninh tại Đại học Takushoku nhận định: “Bà Inada là một chính trị gia bảo thủ và rất có thể đây là động thái chuẩn bị cho việc sửa đổi hiến pháp và áp dụng một lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc”.

Trong khi đó, Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cho rằng việc bổ nhiệm bà Inada cho thấy “chính sách an ninh Nhật Bản đang thiên lệch về phe cánh hữu”, đồng thời kêu gọi cảnh giác cao độ trước bối cảnh này, theo Kyodo.

Thậm chí, CCTV còn gọi bà là “chính trị gia cánh hữu điển hình”, lưu ý về việc bà nhiều lần đến thăm đền Yasukuni và việc bà kêu gọi sửa đổi Hiến pháp hòa bình và tăng cường sức mạnh quân sự của Nhật Bản.

Bà Inada, 57 tuổi từng giữ chức Bộ trưởng Cải cách Hành chính trong nội các của ông Abe trước khi được bổ nhiệm người đứng đầu Ban Chính sách của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền năm 2014.

Bà là người phụ nữ thứ 2 của Nhật giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng. Nữ Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của nước này là bà Yuriko Koike, được bổ nhiệm năm 2007. Bà Koike vừa được bầu làm Thị trưởng Tokyo.

Theo Theo RT
MỚI - NÓNG