Vì sao người dân các tỉnh phía Nam ít đi lao động nước ngoài?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các tỉnh phía Nam có tiềm năng, nguồn lực lao động rất lớn, tuy nhiên, người lao động (NLĐ) của các địa phương này đi làm việc ở nước ngoài còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu... 

Sáng 29/8, tại Cần Thơ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức hội thảo “Thúc đẩy đưa người lao động các địa phương phía Nam đi làm việc ở nước ngoài thông qua chương trình phi lợi nhuận”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cho biết, thời gian qua, công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài đã có bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, tại một số địa phương, những thông tin về các chương trình chưa thực sự lan tỏa, chưa được nhiều NLĐ biết đến nên số lượng tham gia vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng địa phương và nhu cầu của NLĐ.

Theo ông Hoan, tình trạng NLĐ đi làm việc ở nước ngoài trái phép, vi phạm pháp luật của nước sở tại, bỏ hợp đồng, hoặc khi hết hạn hợp đồng không về nước cần phải khắc phục.

Vì sao người dân các tỉnh phía Nam ít đi lao động nước ngoài? ảnh 1

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan phát biểu. Ảnh: Cảnh Kỳ.

Ông Đặng Huy Hồng - Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH - cho biết, từ khi thành lập (năm 2004) đến nay, Trung tâm đã đưa được hơn 133.000 lượt NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo các chương trình đi Hàn Quốc; Nhật Bản; Đài Loan, Đức...

Theo ông Hồng, các tỉnh phía Nam (23 tỉnh/thành) có tiềm năng, nguồn lực lao động rất lớn. Tuy nhiên, NLĐ của các địa phương tham gia các chương trình của Trung tâm còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài; kết quả không đồng đều. Số lượng NLĐ đi lao động ở nước ngoài của 23 tỉnh/thành phía Nam chỉ chiếm 10% cả nước.

Cùng với đó, tỷ lệ lao động là sinh viên, học viên các trường cao đẳng nghề của các tỉnh/thành phía Nam tham gia tuyển tuyển chọn lao động có tay nghề đi làm việc ở nước ngoài còn thấp. Từ năm 2018 đến nay, qua 4 kỳ tuyển chọn thí điểm lao động tay nghề Hàn theo Chương trình EPS, Trung tâm không tuyển được sinh viên nào từ các trường dạy nghề phía Nam.

Vì sao người dân các tỉnh phía Nam ít đi lao động nước ngoài? ảnh 2

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Cảnh Kỳ.

Nguyên nhân của vấn đề này, theo Trung tâm Lao động ngoài nước, do NLĐ khu vực phía Nam có tâm lý ngại thay đổi, ngại đi xa gia đình và còn nhiều nghi ngại khi đi làm việc ở nước ngoài.

Các địa phương mặc dù quan tâm nhưng chưa tạo được phong trào, chưa xây dựng được các điển hình thôn, xóm, xã, huyện có đông đảo NLĐ đi làm việc ở nước ngoài như các tỉnh miền Bắc và miền Trung.

Cùng với đó, thông tin về các chương trình của Trung tâm chưa thực sự phổ biến và chưa được nhiều NLĐ biết đến. Trung tâm chưa có cơ sở đào tạo ngoại ngữ và giáo dục định hướng tại phía Nam nên NLĐ khu vực này phải ra Hà Nội thi tuyển và học định hướng, việc phải đi lại nhiều lần làm tăng chi phí dẫn đến NLĐ e ngại khi tham gia.

Công tác hỗ trợ giới thiệu việc làm cho NLĐ hết hạn hợp đồng lao động về nước trong thời gian qua cũng chưa tương xứng với tiềm năng của nguồn nhân lực này. Chưa có những chuyển biến mang tính đột phá để tạo ra động lực thực sự cho NLĐ hết hạn hợp đồng về nước hòa nhập vào thị trường lao động trong nước, góp phần giảm tình trạng NLĐ ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp sau khi hết hạn hợp đồng…

Hơn nửa triệu NLĐ Việt Nam làm việc tại nước ngoài

Ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước - thông tin: Hiện có khoảng 580.000 lao động Việt Nam làm việc ở gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, phần lớn tập trung ở các thị trường Nhật Bản (250 ngàn người); Đài Loan (230 ngàn người); Hàn Quốc (50 ngàn người); còn lại ở các thị trường Châu Âu, Trung Đông và Malaysia.

Về lĩnh vực ngành nghề, sản xuất chế tạo chiếm 80% (cơ khí, dệt may, giầy da, lắp ráp điện tử...); còn lại trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ (chăm sóc người già, người bệnh, giúp việc trong gia đình)...

Thu nhập NLĐ đạt khoảng 1.200-1.500 USD/tháng tại Nhật Bản và Hàn Quốc; 800-1.200 USD tại Đài Loan và các nước Châu Âu; 600-1.000 USD/tháng đối với lao động có nghề và 400-600USD đối với lao động phổ thông ở địa bàn Trung Đông, Malaysia…

MỚI - NÓNG
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
TPO - Trong 3 tháng đầu năm, các Sở Giao thông vận tải đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với hơn 6.800 phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000km trở lên trong tháng, đồng thời nhắc nhở đối với 85.600 phương tiện có vi phạm quá tốc độ, quá thời gian lái xe và không truyền dữ liệu.
Xe 43 chỗ nhồi nhét tới 90 hành khách
Xe 43 chỗ nhồi nhét tới 90 hành khách
TPO - CSGT Hải Phòng đang hoàn thiện hồ sơ xử phạt hành chính, tước GPLX tài xế Trần H.H (quê Hà Giang) vì chở 90 người trên ô tô khách 43 chỗ (41 giường nằm, 2 ghế ngồi) và đón khách không đúng nơi quy định.