HMS Queen Elizabeth – hàng không mẫu hạm lớn nhất của Hải quân Hoàng gia Anh đã xuất cảng hôm 26/6 để thực hiện hải trình đầu tiên.
Để đảm bảo chuyến ra khơi “thuận buồn xuôi gió”, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth được hộ tống bởi một số tàu khu trục và chiến hạm tối tân để “ngăn không cho tàu Nga tiếp cận quá gần nếu cần thiết”.
Ngoài ra, các máy bay trực thăng chống ngầm và chiến đấu cơ Typhoon cũng luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Tuy vậy, theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Konashenkov, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh là “mục tiêu biển dễ dàng” nếu xung đột xảy ra.
Tuyên bố của đại diện quân đội Nga đưa ra ít ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Anh khẳng định “nước Nga nhìn tàu sân bay mới của Anh với sự ghen tị và ngưỡng mộ”.
“Tuyên bố của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Anh về sự vượt trội của tàu sân bay mới so với tàu sân bay Nga Đô đốc Kuznetsov chứng minh sự thiếu hiểu biết của nước này”, Thiếu tướng Konashenkov cho biết.
Trước đó, tờ The Sunday Times số ra ngày 25/6, một ngày trước khi siêu tàu sân bay trị giá 3 tỷ bảng Anh (khoảng 3,8 tỷ USD) hạ thủy, nhận định HMS Queen Elizabeth sẽ lọt vào tầm ngắm của tàu ngầm và máy bay chiến đấu Nga ngay khi ra biển thử nghiệm.
Một nguồn tin giấu tên trong Hải quân Hoàng gia Anh cho biết, ngay trong chuyến xuất hành đầu tiên, HMS Queen Elizabeth sẽ bị Nga theo dõi sát sao.
Theo đó, trên khu vực Biển Bắc sẽ có sự xuất hiện của tàu ngầm Akula, các máy bay trinh sát Tu-214R và tàu chiến lớp 864 của Nga, những phương tiện có nhiệm vụ “thu được càng nhiều thông tin càng tốt” về chiếc tàu sân bay mới của Hải quân Hoàng gia Anh.
“Thật ra chúng ta cũng sẽ làm tương tự nếu như Nga hạ thủy con tàu mới to lớn”, nguồn tin thừa nhận.
Ngoài ra, theo Telegraph, mặc dù có chi phí lên tới hơn 4 tỷ USD và được đánh giá là tàu chiến lớn nhất, uy lực nhất từ trước đến nay của Hải quân Anh, nhưng HMS Queen Elizabeth vẫn sử dụng hệ điều hành Windows XP lỗi thời. Các màn hình bên trong một phòng điều khiển của con tàu đều hiển thị bằng Windows XP (1985-2001).
Telegraph dẫn nhận định của giới chuyên gia cho rằng, việc sử dụng phần mềm điều hành lỗi thời có thể khiến HMS Queen Elizabeth trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng. Cụ thể, Microsoft hiện đã ngừng hỗ trợ hệ điều hành này, do vậy, hệ thống thông tin bảo mật của tàu dễ bị tin tặc bẻ khóa và tấn công.
Trước những lo ngại này, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon khẳng định, hệ thống điều hành của con tàu vẫn an toàn bởi an ninh quanh phần mềm máy tính sử dụng cho HMS Queen Elizabeth “được bảo vệ nghiêm ngặt”.
Các sĩ quan cấp cao của Hải quân Anh cũng nói rằng, họ luôn có các chuyên gia về công nghệ thông tin thường trực trên tàu để bảo vệ con tàu trước mọi nguy cơ tấn công mạng.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth là một trong hai hàng không mẫu hạm được chế tạo với chi phí tổng cộng 10,6 tỷ USD để tăng cường các khả năng của hải quân Anh.
Con tàu được đặt tên theo đương kim Nữ hoàng của Anh và Nữ hoàng Elizabeth I, người trị vì từ 1558-1603.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth dài 280m,cao 56m.
Khi đi vào hoạt động đầy đủ, các tàu sân bay này có thể chở 40 máy bay và sẽ là một căn cứ di động cho hải quân, không quân và thủy quân lục chiến Anh khắp thế giới.