Trước đó, hầu hết nhà phân tích đều cho rằng, khả năng Nga can thiệp quân sự vào Ukraine khá thấp. Phần lớn dự đoán Nga sẽ lại sử dụng con bài kinh tế, khí đốt để đạt mục tiêu, chứ ít nghĩ tới giải pháp có mùi thuốc súng.
Nhưng tới khi Nga đột ngột tập trận rầm rộ với quy mô tới 150.000 quân ngay sát nách Ukraine, nhiều người đã nghĩ tới kịch bản tại Nam Ossetia và Abkhazia và cuộc chiến ngắn ngủi giữa Nga và Gruzia hồi tháng 8/2008.
Phản ứng cứng rắn, quyết liệt của Nga trước diễn biến tình hình tại Ukraine cho thấy, Nga đã lường trước mọi tình huống và sẵn sàng hành động “kiên quyết, không khoan nhượng” một khi lợi ích của quốc gia bị đe dọa, như đã cảnh báo phương Tây ít ngày trước.
Chiến lược gia nổi tiếng Zbigniew Brzezinski (cựu cố vấn an ninh Tổng thống Mỹ, người đứng sau cú bắt tay Mỹ-Trung năm 1972) từng nhận định, Nga không thể thành một siêu cường nếu thiếu Ukraine trong bàn cờ địa chính trị.
Về phương diện chiến lược, Nga có rất nhiều lý do để không “buông” Ukraine và tuyệt đối không bao giờ để NATO áp sát mạng sườn. Một Ukraine ngả vào vòng tay phương Tây không chỉ hủy hoại ảnh hưởng của Nga tại đây, làm mất vùng đệm giữa Nga và phương Tây, mà còn phá hỏng kế hoạch hình thành liên minh kinh tế Âu-Á đầy tham vọng do Nga lãnh đạo, vừa được Tổng thống Putin khởi động hồi cuối năm 2013.
Lịch sử, văn hóa và cả quyền lực chính trị đã gắn kết phía đông Ukraine với Nga hơn là với chính bản thân Ukraine. Trên thực tế, miền đông Ukraine (khu vực đóng góp 70% kinh tế nước này) thế kỷ 17 nằm dưới sự cai trị của Nga hoàng Rumanov.
Còn bán đảo Crimea là một phần lãnh thổ Nga từ cuối thế kỷ l8 dưới thời Nữ hoàng Catherine II đến năm 1954, khi Tổng bí thư Liên Xô Nikita Khrushchev (người gốc Ukraine) chuyển giao miền đất này cho Ukraine.
Báo Le Monde (Pháp) ngày 2/3 nhận xét Cộng hòa tự trị Crimea có rất ít điểm chung với Ukraine. Cùng với kêu gọi giúp đỡ của người đứng đầu Cộng hòa tự trị Crimea, Tổng thống Putin có đầy đủ căn cứ pháp lý, đạo đức cho một cuộc can thiệp hạn chế.
Để khẳng định Nga đang trên đường lấy lại vị thế siêu cường trước đây, ông Putin không ngần ngại chi hơn 50 tỷ USD cho Olympic Sochi 2014. Nhân cuộc tập trận “nắn gân” phương Tây, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoygu thông báo kế hoạch mở rộng ảnh hưởng quân sự của Nga trên toàn cầu với dự kiến đặt hàng loạt căn cứ quân sự ở nước ngoài.
“Kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu” của quân đội Nga tại bán đảo Crimea hoàn toàn có thể là một cơ hội nữa để Tổng thống Putin phát đi thông điệp mới.
Nước Nga sau thời điểm 1991, khi sức mạnh kinh tế và quân sự yếu kém xa so với bây giờ, cũng đã vài lần động binh ở nước ngoài. Năm 2008, khi Gruzia vừa kết thúc cuộc tập trận chung với Mỹ và còn nhận được cam kết hậu thuẫn vững như bàn thạch của Mỹ và NATO, ông Putin vẫn điềm nhiên hạ lệnh khai hỏa. Nay ông Putin lại đang trong một tư thế thoải mái, thuận lợi hơn nhiều.
CẬP NHẬT THÔNG TIN VỀ "ĐIỂM NÓNG" UKRAINE
EU đang vật lộn cơ cấu lại các nền kinh tế yếu kém, Tây Âu chẳng dại gì sống mái với Nga - nước đang cung cấp 28% lượng khí đốt cho khối này. Còn Mỹ đang mệt mỏi, chỉ cần nghĩ tới viễn cảnh ông Putin có thể gây ra những gì ở Syria hay Iran, không ai ở Nhà Trắng muốn một cuộc chiến với Nga.
Bởi thế, học giả Ian Bremmer kết luận trên tạp chí National Interest (Mỹ) rằng, Ukraine là một cuộc chiến mà phương Tây không thể thắng.