Lo bị tấn công?
Phát biểu trước Ủy ban phân bổ ngân sách của Quốc hội Mỹ hôm 17/3, ông Clancy trình bày kế hoạch xây dựng một bản sao Nhà Trắng ở khu vực Beltsville, bang Maryland để làm nơi huấn luyện các mật vụ trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vào địa điểm này.
Bản sao sẽ nằm cách tòa nhà chính khoảng 32 km với kinh phí xây dựng 8 triệu USD. Ông Clancy giải thích: “Mật vụ Mỹ đang phải sử dụng rào chắn xe đạp để làm hàng rào, mô phỏng khu vực phía Bắc của Nhà Trắng. Không có cấu trúc, cổng, ánh sáng hoặc các yếu tố cần thiết khác phục vụ cho công tác đào tạo”.
Kế hoạch của ông Clancy không nhằm tái tạo lại toàn bộ nơi ở của tổng thống Mỹ mà chỉ “tạo ra một môi trường thực tế hơn, có lợi cho việc huấn luyện mật vụ dựa trên kịch bản”. Các bộ phận tòa nhà mới sẽ bao gồm mặt tiền, cánh phía Đông và Tây, trụ gác cùng mô hình các khu vực xung quanh của Nhà Trắng.
Yêu cầu của giám đốc Cơ quan Mật vụ Mỹ được đưa ra sau hàng loạt chỉ trích về vụ một người đàn ông cầm dao xâm nhập vào bên trong Nhà Trắng trước khi bị lực lượng an ninh bắt giữ hồi tháng 9/2014.
Bên cạnh đó, mối quan ngại Nhà Trắng bị tấn công không phải là không hiện hữu, khi theo thống kê của tờ The Washington Post, kể từ giữa năm 1970 đã có ít nhất 32 vụ đột nhập vào Nhà Trắng. Trong những vụ này có những kẻ đột nhập có động cơ, song cũng không thiếu các vụ đột nhập “dở khóc dở cười” của những người vô gia cư, người biểu tình, thậm chí là say rượu.
Trong một diễn biến khác, hôm 16/3, tòa nhà này vừa bị nhận một phong thư lạ có chứa chất độc cyanide (xyanua). Người phát ngôn Sở Mật vụ Brian Leary cho biết, địa chỉ trên phong thư được xác định là của một người đàn ông từng nhiều lần gửi tạp chất tới Nhà Trắng từ năm 1995. Người này từng gửi bưu kiện có chứa cả phân và nước tiểu tới Nhà Trắng.
"Hồi năm 2001, Nhà Trắng cũng nhận được một loạt các bức thư và gói bưu kiện có chứa chất bột trắng gây bệnh than, ngay sau vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11/9", ông Brian Leary cho biết thêm.
Cục Mật vụ Mỹ quá tải
Một lí do được đưa ra nhằm lí giải chuyện Nhà trắng thời gian qua luôn tiềm ẩn những nguy hiểm được tờ Washington Post phân tích, Cục Mật vụ Mỹ phải đảm đương những nhiệm vụ hết sức nặng nề: một là, bảo đảm an ninh cho Nhà Trắng theo chế độ thời chiến; hai là, chú ý đến mối đe dọa không hề giảm bớt của chủ nghĩa khủng bố; ba là, đảm bảo an ninh cho các ứng cử viên tổng thống. Tuy nhiên, chỉ riêng công việc bảo vệ tổng thống cũng đang khiến cục mật vụ trở lên căng cứng.Julia Pierson, Nữ giám đốc đầu tiên của Mật vụ Mỹ, đã xin từ chức hôm 1/10/2014, sau khi một đối tượng xâm nhập Nhà Trắng. Các cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ cũng phát hiện nhiều sai sót trong hệ thống bảo mật của Mật vụ Mỹ.
Tờ Washington Post thông tin, Cục Mật vụ Mỹ được thành lập vào năm 1865, trực thuộc Bộ Tài chính để đấu tranh chống những kẻ làm tiền giả. Năm 1901, sau khi Tổng thống McKinley bị ám sát, Cục Mật vụ được Quốc hội Mỹ giao thêm nhiệm vụ bảo vệ tổng thống cùng gia đình họ. Về sau, phạm vi các nhân vật cần bảo vệ được mở rộng: ngoài tổng thống cùng gia đình còn có các quan chức cao cấp trong chính phủ cùng gia đình họ, các ứng cử viên tổng thống chính thức cùng gia đình và các nhà lãnh đạo nước ngoài trong thời gian ở thăm Mỹ.
Trong những năm gần đây, Cục Mật vụ Mỹ còn được trao thêm một số trách nhiệm thuộc lĩnh vực an ninh nội địa, chẳng hạn, kiểm tra thư từ công văn gửi đến Nhà Trắng, điều phối công tác bảo vệ tại các hoạt động có ý nghĩa toàn quốc. Mặc dù từ năm 2001 ngân sách Cục Mật vụ đã tăng thêm 50% nhưng biên chế chỉ tăng thêm 20% và hiện nay là khoảng 6.500 người. Đấy là chưa kể song song với việc chuẩn bị cho các chiến dịch bầu cử tổng thống. Đó quả là một gánh nặng thật sự bởi phạm vi trách nhiệm của Cục Mật vụ Mỹ tăng lên nhanh hơn so với ngân sách dành cho Cục. Đây chính là lý do khiến Cục Mật vụ không thể chú trọng được như trước đến những nhiệm vụ truyền thống của mình - đấu tranh chống nạn làm tiền giả và đấu tranh chống tội phạm trên mạng. Từ năm 2003 đến năm 2006, khối lượng tiền giả lưu thông trên thị trường đã tăng 20%. Theo số liệu của Hạ nghị sĩ David Price, Chủ tịch Tiểu ban An ninh tiền tệ của Hạ viện Mỹ, trước đây, cứ 1 triệu USD có 56 USD giả nhưng giờ đây là 81. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực của Cục Mật vụ, tổng số thiệt hại vào năm 2006 đã giảm bớt được 40%, từ 556 triệu xuống còn 316 triệu USD. Nhưng sắp tới đây, những nỗ lực trong cuộc đấu tranh chống nạn làm tiền giả chắc chắn sẽ phải giảm bớt. Hai yếu tố mới – chiến dịch tranh cử mở đầu quá sớm và số ứng cử viên tăng vọt – buộc Cục Mật vụ Mỹ phải dành nhiều sức người, sức của hơn cho chiến dịch tranh cử tổng thống. Kinh phí phục vụ việc bảo vệ các ứng cử viên không hề thấp chút nào. Tiền vé máy bay, tiền thuê phòng khách sạn và tiền chi tiêu hàng ngày ngốn một khoản lớn hơn nhiều so với khoản tiền 110 triệu USD mà Cục Mật vụ vẫn chi hằng năm dưới dạng công tác phí cho các nhân viên của mình. Bởi lẽ, phải có 3 kíp bảo vệ cứ 3 tuần lại thay bằng 3 kíp mới, ngoài ra còn phải bố trí chó nghiệp vụ chuyên tìm chất nổ, các phương tiện liên lạc siêu hiện đại cùng hàng trăm ôtô và nhiều máy móc tinh vi khác. Tất cả đều “ngốn” hàng đống tiền. Việc Bộ An ninh nội địa quyết định áp dụng việc bảo vệ ông Obama sớm từ một năm rưỡi trước ngày bầu cử cũng khiến Cục Mật vụ Mỹ phải chi tới 540 “ngày công” mà tiền chi cho mỗi “ngày công” vào khoảng 44.360 USD. Chỉ sau một thời gian ngắn nhậm chức lãnh đạo Cục Mật vụ, ông Joseph Clancy đã phải đối mặt với sóng gió. Sự cố mới nhất là hai nhân viên dưới quyền tông xe vào hàng rào Nhà Trắng trong tình trạng say xỉn. Điều trần trước Quốc hội hôm 17/3, ông Clancy biện hộ rằng một số mật vụ đã dùng rượu như một cách giải tỏa căng thẳng trong công việc họ đảm nhiệm. Sở Mật vụ cũng đang tìm kiếm những phương thức giải tỏa stress cho họ mà không phải dùng đến rượu.
Chùm ảnh Mật vụ Mỹ bảo vệ ông Obama: