Bộ sách công nghệ giáo dục (CNGD) của GS Hồ Ngọc Đại mang một số phận kỳ lạ. Có lúc chỉ có 1 trường dùng để giảng dạy, có lúc tới 48 tỉnh với 8.198 trường triển khai. Nhưng về mặt pháp lý, chưa bao giờ sách CNGD được coi là SGK chính thống mà chỉ là tài liệu thực nghiệm. Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, từ năm 2016 đến nay, có 48 tỉnh dùng sách Tiếng Việt 1 CNGD để dạy trên tinh thần tự nguyện của các địa phương với hơn 900.000 học sinh được học mỗi năm.
Có 15 địa phương không triển khai giảng dạy bằng bộ sách này. Trong đó, có hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Từ khi xuất hiện sách CNGD đến năm 2016, Hà Nội chỉ có duy nhất Trường Thực nghiệm của Bộ GD&ĐT đưa vào giảng dạy. Năm 2016 đến nay, có thêm hệ thống trường thực nghiệm của GS Hồ Ngọc Đại triển khai giảng dạy bộ sách này.
Cũng theo ông Phạm Xuân Tiến, trước đây, khi Bộ GD&ĐT có văn bản chỉ đạo các tỉnh có thể lựa chọn giảng dạy theo SGK của Bộ GD&ĐT hoặc sách CNGD, Sở GD&ĐT Hà Nội cử đại diện các trường đi tham gia tập huấn. Tuy nhiên, sau khi tập huấn xong, không thấy trường nào đăng ký triển khai dạy nên Sở cũng không triển khai.
Còn tại TPHCM, Sở GD&ĐT cho biết, năm học 1985-1986, được sự cho phép của Bộ GD&ĐT, thành phố đã áp dụng chương trình CNGD tại hai lớp 1. Đến năm học 1989-1990, chương trình CNGD được triển khai đến toàn bộ các trường trong thành phố (trừ Quận 4), trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc cho học sinh lớp 1 với môn Tiếng Việt. Khi chương trình 2000 (chương trình hiện hành) của Bộ GD&ĐT triển khai, thành phố dừng triển khai chương trình CNGD.
Những năm sau đó, Bộ GD&ĐT đã có văn bản đề nghị triển khai chương trình CNGD Tiếng Việt lớp 1 ở các địa phương có nhu cầu trên nguyên tắc tự nguyện của học sinh và các nhà trường. Nhưng căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, Sở GD&ĐT TPHCM quyết định không triển khai chương trình này. Bên cạnh đó, sở này còn đưa ra lý do nữa là việc để giáo viên tiếp cận chương trình khác trong khi chương trình giáo dục phổ thông mới sắp ban hành là chưa phù hợp.
Khi các trường vẫn muốn chọn thì sao?
Ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho rằng về nguyên tắc, chương trình và SGK mới luôn có tính kế thừa tài liệu và phương pháp dạy học hiện hành. Khi thực hiện chương trình, SGK mới, tài liệu dạy học hiện hành có thể dừng “sứ mệnh” của mình nhưng phương pháp dạy học của tài liệu ấy sẽ không bao giờ mất khi nó đã trở thành kỹ năng sư phạm của nhà trường, của giáo viên.
Trong khi đó, một trong những điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông sắp triển khai không còn trói buộc giáo viên với SGK do không phải chỉ có một bộ SGK mà có thể có nhiều bộ sách để lựa chọn. Nhà trường, địa phương được trao quyền chủ động trong việc lựa chọn, bổ sung nội dung giáo dục phù hợp sao cho đảm bảo nội dung cốt lõi, nguyên tắc và định hướng chung.
GS.TS Nguyễn Văn Lợi, Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học cho rằng, xét về mặt tâm lí sư phạm, việc học đọc, học viết tiếng Việt đối với học sinh người Kinh khác đối với học sinh người dân tộc thiểu số. Đối với học sinh người Kinh, học đọc - viết tiếng Việt là học đọc - viết tiếng mẹ đẻ. Đối với học sinh dân tộc thiểu số học đọc - viết tiếng Việt là học đọc - viết ngôn ngữ thứ hai (ngoại ngữ). Đối với học sinh lớp một người dân tộc thiểu số, bắt đầu học đọc - viết tiếng Việt, khi trong tâm thức trẻ chưa có hệ thống ngữ âm - âm vị học tiếng Việt.
Chương trình và SGK tiếng Việt có nhiệm vụ không chỉ giúp các em nắm được mối tương quan giữa các âm vị và kí tự tiếng Việt, mà còn hướng dẫn cách phát âm đúng, các âm vị và kết hợp các âm vị thành âm tiết có nghĩa - tiếng. Việc sách tiếng Việt lớp 1 CNGD dạy sâu về ngữ âm học có thể không thích hợp đối với học sinh người Kinh, nhưng lại có thể phát huy tác dụng đối với học sinh dân tộc thiểu số.
Theo GS Nguyễn Văn Lợi, việc dạy các em đọc - viết thông qua các khối hình tròn, méo (vốn là phương pháp các nhà sư phạm Xô-Viết dùng để dạy trẻ em chậm phát triển tư duy, ngôn ngữ), có thể không cần thiết khi dạy học sinh có tiếng mẹ đẻ là tiếng Việt, nhưng lại hữu dụng khi dạy đọc - viết tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Bằng chứng là các Sở GD&ĐT miền núi triển khai đạt hiệu quả rất tốt trong việc dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.
“Do đó, dù Hội đồng thẩm định đánh giá ‘không đạt’ nhưng nhiều ý kiến cho rằng, sách CNGD của GS Hồ Ngọc Đại, đặc biệt là cuốn Tiếng Việt 1 CNGD đã được thực tế thẩm định, vậy nên tiếp tục trao quyền ấy cho “cuộc sống” thay vì một mệnh lệnh hành chính. Với tư cách là người có nhiều năm nghiên cứu ngữ âm tiếng Việt và ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, tôi ủng hộ đề xuất này” – GS Nguyễn Văn Lợi nói.