Chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” là game show có tuổi đời dài nhất của Đài truyền hình Việt Nam. Tuy nhiên, chương trình này đôi khi được gán ghép với các tên gọi không chính thức như "Đường lên đỉnh Australia", "Nơi tuyển chọn nhân tài cho Australia", "Tìm kiếm tài năng đi du học Australia". Bởi lẽ, hầu hết nhà vô địch Olympia, sau khi trở thành quán quân, họ đều chọn Australia là nơi sinh sống và làm việc.
Phần lớn quán quân trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia đều đã có công việc ổn định và đang sống cùng gia đình tại Úc
Câu hỏi đặt ra là, 18 quán quân 'Đường lên đỉnh Olympia' đang ở đâu? Nếu không về Việt Nam làm việc vì lí do gì, có phải chúng ta đi kiếm tài năng cho nước khác, đó đúng vậy không?
Nhiều độc giả nhận định, việc các quán quân sau kỳ thi Đường lên đỉnh Olympia học tập và ở lại Úc làm việc vì: "Nước ngoài họ dám đầu tư trước để đào tạo nhân tài tại sao ta chưa thể, đừng quá vội vã trách các bạn ấy. Có bạn sang nước ngoài học kết quả rất tốt, sau học về nước khó xin việc - còn bị coi thường. Bạn ấy xốc, bị trầm cảm, là người con duy nhất trong gia đình nên cha mẹ vô cùng đau đớn. Mọi người có suy nghĩ gì? Thực tế bao sinh viên trai tráng trong nước còn phải làm xe ôm, lái taxi - nghề này nước ngoài dành cho người lớn tuổi".
"Thì sao chứ, tôi thấy đáng mà. Người ta giỏi, người ta được phép lựa chọn, ở lại hay đi là quyền của người ta mà. Các bạn lo lắng thái quá, dù cho họ có về thì đất nước này cũng chưa chắc đã khá hơn đâu, hãy để họ được tự do thật sự đi mấy bạn. Thay vì ghen tị hãy lên học đi rồi tính tiếp"- độc giả tên Hòa nêu quan điểm.
Chúng ta chọn những người giỏi để giới thiệu cho nước Úc?
PGS. TS Lê Hữu Lập, Nguyên Phó giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông cho rằng, lớp trẻ thì ai cũng thế thôi, luôn tìm kiếm điều kiện làm việc tốt nhất cho cuộc sống của họ. Trong khi đó, trong nước họ không tìm thấy cơ hội tốt hơn khi ở nước ngoài.
Cũng theo PGS Lập, thì đúng là chúng ta đã chọn những người giỏi để giới thiệu cho nước Úc và chắc chắn nhiều người không vui và thấy thật vô lý. Thực tế thì đúng là nhiều người giỏi sau khi du học đã ở lại nước ngoài làm việc (dù họ đi học theo con đường nào).
“Như vậy, hơn chục em trong 20 năm giành giải hàng năm ở chương trình “Đường lên đỉnh Olympia là con số quá nhỏ”- PGS Lập nêu quan điểm.
PGS Lập cho rằng, vấn đề ở đây nếu có bàn thảo thì là bàn đến một chủ đề lớn là giải pháp thu hút chất xám của người Việt ở nước ngoài chứ không chỉ dừng lại ở xung quanh việc này.
Cần đặt câu hỏi ngược lại về chuyện “chảy máu chất xám”
Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh tiến sĩ Trường ĐH Newcastle (Australia) cho rằng, một câu hỏi đặt ngược lại liệu chính phủ Việt Nam có dám đầu tư với khoản tiền tương tự như vậy để thu hút nhân tài ở các nước không?
Ngoài ra, theo ông Hiền, liệu nền giáo dục chúng ta có đủ năng lực để đào tạo những người tài trong một số lĩnh vực đòi hỏi các tiêu chuẩn quốc tế không?
“Có thể khẳng định ngay là rất khó. Vì năng lực và thực lực của chúng ta đánh giá một cách khách quan là chưa có thể đáp ứng. Ngân sách thu hút nhân tài có khiêm tốn, chính sách đãi ngộ còn mang hình thức, môi trường làm việc còn nặng tính quan liêu, chưa thật trọng đãi người tài và tạo môi trường để họ phát huy khả năng”- ông Hiền nói.
Theo ông Hiền, thực tế, nhiều bạn của ông tốt nghiệp tiến sỹ về nước không sống nổi với đồng lương nhân theo hệ số, môi trường làm việc không có điều kiện phát huy khả năng nên củng nãn lắm buộc phải làm thêm bên ngoài hoặc tìm cơ hội mới quay lại Úc.
“Vì vậy, nếu nói chảy máu chất xám thì không phải là câu chuyện mới đây mà nó đã là đề tài hàng chục năm nay dù chúng ta đang có nhiều chính sách chủ trương về vấn để này”- Ông Hiền nêu quan điểm.
Cũng theo ông Hiền, cá nhân ông thật sự rất muốn trở về quê hương nhưng chỉ e rằng mình trở về liệu có giống như những người bạn tôi hiện tại không? Không ai không muốn trở về đóng góp cho quê hương nhưng chỉ lo họ không được trọng dụng rồi lãng phí đi những gì mình được đào tạo ở nước ngoài. “Không ai lại không muốn trở về quê hương để cống hiến sức lực và trí tuệ của mình vì mỗi người chỉ có một tổ quốc mà thôi”- Ông Hiền nêu quan điểm.
Ít quán quân cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia về nước làm việc
Đến nay, cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia đã có 19 quán quân. Trong đó, có nhiều quán quân hiện sống, làm việc tại Việt Nam; các quán quân khác sau khi du học tốt nghiệp đã ổn định cuộc sống, làm việc tại Australia.
Quán quân năm đầu tiên Trần Ngọc Minh (cựu học sinh THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long) đã tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Swinburne ngành telecom; được nhận học bổng từ cử nhân lên tiến sĩ. Tháng 7/2013, cô làm việc cho một công ty nhà mạng di động hàng đầu tại Australia.
Quán quân năm thứ 2 của cuộc thi này là Phan Mạnh Tân (cựu học sinh THPT Năng khiếu Hà Tĩnh) đã đạt PhD Software Engineering ở Đại học Kỹ thuật Swinburne, đang làm việc cho IBM ở Melbourne; đã lập gia đình và có hai con.
Quán quân năm thứ 4 của cuộc thi là Võ Văn Dũng (cựu học sinh THPT Lê Quý Đôn, Đà Nẵng) tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Swinburne, hiện làm việc trong lĩnh vực kiểm toán ở Melbourne, Australia. Anh đã có bằng thạc sĩ về thuế năm 2016.
Tương tự, quán quân năm thứ 5, Đỗ Lâm Hoàng (cựu học sinh THPT Gò Vấp, TPHCM) đã tốt nghiệp ngành công nghệ viễn thông và Internet, ĐH Kỹ thuật Swinburne, Australia. Lâm Hoàng làm việc tại Sở Giáo dục bang Victoria (Australia) và đã lập gia đình vào năm 2016.
Quán quân năm thứ 6, Lê Vũ Hoàng (cưụ học sinh THPT Bố Trạch 1, Quảng Bình) đã tốt nghiệp chuyên ngành Electrical Engineering và hoàn thành chương trình Tiến sĩ tại tại ĐH Swinburne. Vũ Hoàng đã lập gia đình và có hai con, sinh sống ở Australia. Anh là người sáng lập và giám đốc công nghệ của VIoT - đội giành chiến thắng cuộc thi VietChallenge – khởi nghiệp thường niên dành cho người Việt trên toàn thế giới năm nay.
Quán quân năm thứ 8, Huỳnh Anh Vũ (cựu học sinh THPT Tăng Bạt Hổ, Bình Định) tốt nghiệp ĐH Kỹ thuật Swinburne; được giữ làm giảng viên ngành Kinh tế tại Đại học Kỹ thuật Swinburne. Anh cũng đã lập gia đình và sống tại Australia.
Quán quân năm thứ 9 Hồ Ngọc Hân (cựu học sinh THPT chuyên Quốc học - Huế; thủ khoa khối B, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TPHCM) đang học tiến sĩ tại Sydney, Australia, theo đuổi giấc mơ nghiên cứu khoa học.
Quán quân mùa thứ 11, Phạm Thị Ngọc Oanh (cựu học sinh THPT Tiên Lãng, Hải Phòng), đã tốt nghiệp ngành Tài chính - Ngân hàng, ĐH Kỹ thuật Swinburne và làm việc tại Melbourne, Australia.
Tuy nhiên, quán quân năm thứ 3, Lương Phương Thảo (cựu học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long) tốt nghiệp Thạc sĩ Marketing ở Đại học Monash, Melbourne là thí sinh về nước sau khi học tập tại Úc. Năm 2016, Phương Thảo về Việt Nam làm việc cho một công ty quảng cáo ở TPHCM. Thông tin này đã gây chú ý khi cô là quán quân đầu tiên trở về nước làm việc.
Đặc biệt, có hai quán quân chưa đi du học là Phan Đăng Nhật Minh (cựu học sinh THPT Hải Lăng, Quảng Tri) của năm thứ 17 và quán quân năm 2019 Trần Thế Trung (Nghệ An) đến nay vẫn chưa đi du học.
Đ.H (t/h)