Vì sao doanh nghiệp sợ xin, nhận hỗ trợ từ cơ quan nhà nước

Thứ trưởng KH&ĐT Đặng Huy Đông lấy ví dụ sản phẩm túi nhựa để chứng minh cho việc hỗ trợ DNNVV phát triển.
Thứ trưởng KH&ĐT Đặng Huy Đông lấy ví dụ sản phẩm túi nhựa để chứng minh cho việc hỗ trợ DNNVV phát triển.
TP - Nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng, cơ quan công quyền ở nhiều địa phương vẫn chèn ép DN, người dân… DN nhỏ và vừa (DNNVV) như “cá nằm trên thớt”. Thậm chí, DN còn sợ hãi từ “hỗ trợ”, vì để “xin” được khoản đó, cũng ngốn hết phần được hỗ trợ.

Tại hội thảo “Luật hỗ trợ DNNVV dưới góc nhìn cộng đồng DN”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ KH&ĐT tổ chức ngày 11/7, đại diện nhiều hiệp hội DN phản ánh tình trạng DN sợ xin, nhận hỗ trợ từ cơ quan nhà nước.

“Sợ lắm rồi”

Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội DN Thanh Hóa cho rằng, thực thi luật không tốt sẽ sinh ra tiêu cực. Lấy ví dụ về việc xây dựng Quỹ hỗ trợ DN, ông Đệ chỉ ra bất cập về giấy bảo lãnh của quỹ hỗ trợ DN. Vì ngay cả có giấy tờ bảo lãnh, DN đến ngân hàng vay vốn vẫn phải chờ thẩm định lại, việc bảo lãnh gần như không có giá trị. “Chính sách phải rõ ràng, càng mập mờ càng tạo ra tiêu cực. Luật lỏng lẻo nên cho ai vay là quyền của thành viên quỹ hỗ trợ”, ông nói.

Bàn về vấn đề hoạt động quỹ hỗ trợ DN chưa hiệu quả, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia ngân hàng, cho rằng có lỗi từ 3 phía: Bản thân năng lực của quỹ chưa tốt; việc phối hợp với ngân hàng chưa thống nhất nên thẩm định hồ sơ vay vốn của DN 2 lần. Hơn nữa, nhà nước quy định quỹ không được lỗ nên họ không dám bảo lãnh cho DN vay vốn kinh doanh.

“Nói đến hỗ trợ, DN rất sợ vì chi phí đi xin cũng ngốn gần hết phần hỗ trợ. Vấn đề khó nhất với DN là tiếp cận đất đai. Tuy luật chỉ rõ hỗ trợ đất đai cho DNNVV nhưng từng có trường hợp, DN xin được ưu đãi, sau này đoàn thanh tra giám sát thấy điểm chưa phù hợp thì bỏ tù cả mớ”.

Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ

Cũng theo ông Đệ, chính sách đối với DNNVV chưa phù hợp, có sự phân biệt đối xử. Thậm chí, các địa phương do quá trình phát triển nóng, dành nhiều đặc quyền, đặc lợi cho DN lớn, khiến thị trường mất bình đẳng, bóp nghẹt DN nhỏ. Công chức ở địa phương có xu hướng chèn ép DN và hiện tượng này ngày càng phổ biến. Dẫn câu chuyện bảo vệ hội viên bị Sở Xây dựng Thanh Hóa chậm cấp giấy phép xây dựng, ông cho biết: “DNNVV chẳng khác gì “cá nằm trên thớt”. Có hiệp hội, nhưng khi hội viên khác đứng ra bảo vệ hội viên yếu thế hơn thì bị “đánh tơi bời”.

Ông Đệ nói, sau khi Hiệp hội DN Thanh Hóa có ý kiến về vấn đề trên với Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa, lập tức gần như ông bị “trả đũa”. “Nhiều anh em hội viên nói với tôi, anh mà còn bị đánh thì chúng tôi không biết thế nào. Không biết giám đốc sở xây dựng có ai chống lưng mà hành xử như vậy”- ông Đệ nói.

Sau khi nghe ông Đệ phản ánh, ông Vũ Tiến Lộc-Chủ tịch VCCI cho biết, sẽ thành lập một nhóm công tác về làm việc với Thanh Hóa vấn đề ông Đệ phản ánh, báo cáo lên Thủ tướng.

Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ cho rằng, dự thảo luật tồn tại nhiều cơ chế xin - cho, có nguy cơ làm méo mó thị trường. “Nói đến hỗ trợ, DN rất sợ vì chi phí đi xin cũng ngốn gần hết phần hỗ trợ. Vấn đề khó nhất với DN là tiếp cận đất đai. Tuy luật chỉ rõ hỗ trợ, nhưng tuỳ từng trường hợp, DN xin được ưu đãi, sau này thanh tra, giám sát thấy có điểm chưa phù hợp thì bỏ tù cả mớ. Như vậy không ổn chút nào”, ông Dũng nêu ý kiến.

Bốc thuốc nào?

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, việc hỗ trợ DNNVV phải tập trung nâng cao năng lực cho DN, hỗ trợ DN theo chuỗi giá trị, liên kết sản xuất. Như trong ngành lâm nghiệp phải hỗ trợ cả DN trồng rừng lẫn DN chế biến gỗ để tạo thành chuỗi sản xuất, không phải đổ tiền vào là xong”, ông Quyền nói.

Khi nói về hỗ trợ DNNVV, Thứ trưởng KH&ĐT Đặng Huy Đông cầm chiếc túi nhựa đựng tài liệu làm ví dụ. “Chiếc túi nhựa đơn giản, chúng ta cũng nhập khẩu trong khi sản phẩm trong nước tốt hơn. Tôi biết một DN ở TPHCM sáng tạo ra chiếc túi nhựa thân thiện với môi trường, có thể tự hủy sau 3 tháng. Công nghệ đã có, giờ chỉ cần phát triển thị trường… Nên hỗ trợ các DN có tiềm năng, sáng tạo, công nghệ”- ông Đông nói.

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, cần phải thay đổi tư duy về hỗ trợ DN.

Ông Lộc cho rằng, việc hỗ trợ DN phải có trọng tâm trọng điểm, chọn DN có tiềm năng phát triển, không làm kiểu phong trào.

Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, Luật hỗ trợ DNNVV là luật khó, rộng, tác động đến 98% DN Việt Nam. “Hiện các DN phải bỏ ra nhiều khoản chi phí không chính thức. Do vậy, luật phải làm sao giải quyết vấn đề này”- ông Hà nói.

Ông Hà cũng cho rằng, DN nước ngoài sợ nhất thủ tục hải quan và thuế, nên cần cải thiện ngay.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.