Ba năm sau khi Alex Ferguson nghỉ hưu, MU vẫn chìm trong khủng hoảng và họ đã phải thay tới hai huấn luyện viên nhưng không có thành công. Vào hôm nay, MU sẽ có huấn luyện viên thứ ba thời hậu Alex Ferguson khi Mourinho được bổ nhiệm thành thuyền trưởng của đội chủ sân Old Trafford. Chiến lược gia người Bồ Đào Nha có nhiều tai tiếng, thị phi, tuy nhiên có một điều chắc chắn rằng ông vẫn được đại đa số cổ động viên của đội bóng giàu thành tích nhất nước Anh chào đón.
1. Chẳng tìm được ai hơn Mourinho
Khi Alex Ferguson nghỉ hưu, chẳng ai ngờ MU lại sụp đổ nhanh đến thế. Dưới sự dẫn dắt của “người được chọn” David Moyes, đội bóng thành Manchester sa sút không phanh, họ sớm bị loại khỏi mọi giải đấu ở mùa giải 2013/14 và chỉ kết thúc ở vị trí thứ 7 tại Premier League. Điều đó khiến Moyes bị sa thải và Luis Van Gaal được bổ nhiệm thay thế. Chiến lược gia người Hà Lan từng thành công với nhiều CLB như Ajax, Barcelona, Bayern Munich nên đã đem đến những hi vọng lớn cho người hâm mộ “Quỷ đỏ”. Tuy nhiên, dưới sự ủng hộ tuyệt đối của BLĐ đội bóng khi chi ra tới 250 triệu bảng mua sắm, nhưng MU dưới thời Van Gaal vẫn không khởi sắc.
Dù Van Gaal đem đến một chiếc cúp FA, nhưng rõ ràng trong suốt hai năm vừa qua “Quỷ đỏ” không đạt được sự ổn định cao như kỳ vọng. Lối chơi không hiệu quả của CLB, Van Gaal thường xuyên có những phát biểu ngụy biện khiến người hâm mộ đội bóng này “ngán đến tận cổ”. Và tận cùng của sự thất vọng là phản đối (bỏ vé, giăng biểu ngữ) vào cuối mùa giải vừa qua, cổ động viên MU mong muốn chiến lược gia người Hà Lan phải ra đi ở.
Ban lãnh đạo MU “chiều lòng” người hâm mộ khi đuổi Van Gaal, nhưng họ không dễ dàng tìm được người thay thế để làm hài lòng được tất cả mọi người. Ở tầm MU, họ đòi hỏi một chiến lược gia có tài năng xuất chúng và nhìn vào thị trường huấn luyện viên trên thế giới, không có nhiều nhà cầm quân giỏi để MU tiếp cận tại thời điểm này.
Có thông tin cho rằng vào đầu năm 2016, MU bắt đầu “đi săn” các huấn luyện viên. Khi ấy một loạt các huấn luyện viên tài năng đã được nhắc đến như Ancelotti, Conte, Deschamps, Simeone hay Guardiola… Tuy nhiên, không chỉ có MU mà nhiều đội bóng lớn khác cũng tìm huấn luyện viên và họ đã mạnh tay hơn MU. Ancelotti về Bayern Munich, Pep Gurdiola về Man City, Conte về Chelsea, Simeono không muốn rời Atletico Madrid…
Chính vì thế MU không còn nhiều lựa chọn, trong các ứng viên thay thế Van Gaal ở Old Trafford được nhắc đến như Frank de Boer, Ronald Koeman, Ryan Giggs… thì có thể thấy chẳng ai bằng được Mouinho. Tài năng của chiến lược gia người Bồ Đào Nha không cần bàn cãi, dù ở Porto, Chelsea, Inter Milan, Real Madrid thì ông vẫn có được những thành công, ít nhất ông cũng đưa các đội bóng này giành chức vô địch quốc gia (với Porto, Inter Milan còn cả vô địch châu Âu).
Với người hâm mộ MU lúc này, họ không nuôi tham vọng quá lớn, như việc đưa đội bóng này biến đội bóng này vô đích tất cả mọi giải đấu (như cách Real Madrid mong đợi ở Mourinho) mà chỉ đơn giản muốn MU trở lại của một đội bóng ổn định, là ứng viên thực sự ở mọi cuộc đua. Mourinho hơn hẳn Giggs về kinh nghiệm cầm quân, thao lược chiến thuật, hơn hẳn các đối thủ khác về sự am hiểu bóng đá Anh. Vậy nên đánh giá đơn thuần về mặt chuyên môn, vào lúc này MU không tìm được ai tốt hơn Mourinho.
Mourinho rất tôn trọng Alex Ferguson (trái)
2. Cổ động viên MU không ghét Mourinho
Mourinho có thể gây hấn với mọi huấn luyện viên ở khắp nơi. Ở Anh, người ta từng thấy Mourinho ghét cay ghét đắng Arsene Wenger hay Rafael Benitez (thời còn dẫn dắt Liverpool). Nói chung, chưa chẳng bao giờ thấy Mourinho ưa các huấn luyện viên ở các đội bóng đối thủ của mình. Tuy nhiên, điều đặc biệt rằng “người đặc biệt” lại rất tôn trọng Alex Ferguson, tượng đài sống trong lòng cổ động viên “Quỷ đỏ” dù MU từng là đối trọng chính của Chelsea trong nhiều năm.
Mourinho luôn tỏ ra có chừng mực khi phát biểu về vị huấn luyện viên người Scotland dù hai người từng đứng ở hai đầu chiến tuyến. Bản thân Ferguson cũng dành sự tôn trọng lớn cho Mourinho nên giữa họ có mối quan hệ vô cùng tốt đẹp. Điều đó không chỉ thể hiện thông qua những lời phát biểu của họ về nhau trên các phương tiện truyền thông mà còn thể hiện rõ trong các lần hai người chạm mặt trên sân cỏ.
Lần cuối cùng Mourinho đối đầu với Alex Ferguson ở Old Trafford, đó là trận đấu giữa Real Madrid và MU ở vòng 1/8 Champions League mùa giải 2012/13. MU áp đảo Real Madrid trong quãng thời gian đầu, mở tỉ số trước nhưng bước ngoặt của trận đấu đến khi trọng tài Cuneyt Cakir đuổi Nani ở phút 57. Thi đấu thiếu người, MU đã để Real Madrid ngược dòng đánh bại 2-1 và bị loại.
Thông thường khi một trọng tài quyết định có lợi cho đội bóng của mình, chẳng huấn luyện viên nào đi mổ xẻ, hoặc họ sẽ ủng hộ hoặc sẽ từ chối bình luận. Nhưng Mourinho không làm vậy, ngay sau khi Nani nhận thẻ đỏ, Ferguson nổi đóa ra sát đường biên phản đối trọng tài và Mourinho đã tiến tới nói gì đó khiến chiến lược gia người Scotland dịu lại đôi chút. Gần hết giờ chiến lược gia người Bồ Đào Nha đến bắt với Ferguson để tiến vào phòng họp báo sớm, đó vẫn là một cái bắt tay “tử tế” giữa hai người dù Ferguson đang cay cú đến phát điên.
Khi phát biểu về trận đấu, ông cũng tỏ ra rất thông cảm cho Nani, tiếc cho MU, hay lý giải phản ứng tức giận Alex Ferguson là dễ hiểu. Hành động cũng như những lời phát biểu của Mourinho khiến người hâm mộ MU cảm thấy bớt đau hơn khi đội bóng này bị loại một cách tức tưởi và vì thế họ cũng có những cái nhìn thiện cảm hơn về ông.
3. Bản sắc của MU: Đã mất rồi thì không cần giữ
Yếu tố duy nhất khiến một bộ phận người hâm mộ, cựu danh thủ MU không muốn Mourinho là bởi họ sợ chiến lược gia người Bồ Đào Nha đánh mất bản sắc của đội bóng này. “Quỷ đỏ” theo đuổi lối chơi tấn công dưới thời Ferguson trong khi Mourinho thường sử dụng chiến thuật phòng thủ phản công. Tuy nhiên, “di sản” của Ferguson đã bị Moyes và đặc biệt là Van Gaal phá nát từ chiến thuật cho đến con người (chỉ còn gần 10 cầu thủ cũ) nên chẳng lo Mourinho phá nốt.
Điều quan trọng hơn cả người hâm mộ MU lúc này là họ quá ngao ngán với việc đội bóng này không còn mạnh mẽ như trước. Vậy nên, nhiệm vụ trước hết là cần Mourinho đưa MU trở lại với vị thế xưa (lối chơi, thành tích), còn phong cách thi đấu thì có lẽ để tính sau.