Vì sao Bộ trưởng Giao thông phải 'nghiêm khắc phê bình'?

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nghiêm túc rút kinh nghiệm vụ chậm thu phí không dừng
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nghiêm túc rút kinh nghiệm vụ chậm thu phí không dừng
TP - Sau nhiều cuộc họp kiểm điểm đánh giá việc thu phí tự động không dừng, Bộ trưởng và Thứ trưởng GTVT phụ trách dự án tự nhận hình thức “nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm”. 

Chuyển 3 dự án sang đầu tư công

Chiều 1/6, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình đề xuất 3 phương án điều chỉnh hình thức đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Trong đó, phương án 1, chuyển đổi sang đầu tư công toàn bộ 8 dự án thành phần. Phương án 2, chuyển đổi sang đầu tư công 5 dự án, 3 dự án thành phần còn lại tiếp tục đầu tư theo hình thức PPP.

Còn phương án 3, Chính phủ đề xuất chuyển đổi sang đầu tư công 3 dự án, gồm 2 dự án cấp bách (đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây) và 1 dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết); 5 dự án thành phần còn lại tiếp tục đầu tư theo hình thức PPP.

Thẩm tra sơ bộ (lần 2), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, hai phương án đầu tiên bị loại bỏ, còn phương án 3 có tới ba loại ý kiến khác nhau. Trong đó, đa số ý kiến cơ bản nhất trí với phương án chuyển đổi tối đa 3 dự án thành phần từ đầu tư theo phương thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công. Do vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí chỉ chuyển đổi tối đa 3 dự án thành phần, đồng thời đề nghị xem xét lựa chọn theo thứ tự ưu tiên.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đều đồng ý với phương án chuyển đổi sang đầu tư công 3 dự án (phương án 3). Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng đồng ý với phương án này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ hoàn thiện tờ trình để trình ra Quốc hội.

30 cá nhân làm kiểm điểm

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể mới đây gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo việc triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng (ETC). Theo ông Thể, hệ thống trạm thu phí không dừng được Bộ chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 áp dụng đối với Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, một số tuyến cao tốc và quốc lộ khác. Giai đoạn 2 áp dụng các trạm còn lại trên toàn quốc. Tổng số trạm thuộc phạm vi dự án của giai đoạn 1 là 44 trạm, bao gồm 26 trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác. Đến nay đã lắp đặt, vận hành từ 2-6 làn ETC tại 39 trạm. Riêng 5 tuyến cao tốc do Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam quản lý chỉ có 1 tuyến cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình đã lắp đặt thiết bị. Về lộ trình, tư lệnh ngành giao thông nói rằng, sẽ bản hoàn thành hệ thống thu phí tự động không dừng trong năm 2020.

Trước việc để xảy ra chậm tiến độ hệ thống thu phí tự động không dừng, ông Thể cho biết, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đã nghiêm túc tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan. Tám tập thể có liên quan đều nghiêm túc kiểm điểm, trong đó 4 đơn vị trực tiếp liên quan quá trình triển khai thực hiện dự án nhận hình thức phê bình nghiêm khắc và rút kinh nghiệm. Về cá nhân, với vai trò lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện hệ thống thu phí tự động không dừng, Bộ trưởng và Thứ trưởng phụ trách dự án kiểm điểm tự nhận hình thức nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm. 30 cá nhân thuộc các cơ quan đơn vị liên quan có bản kiểm điểm trách nhiệm liên quan việc chậm tiến độ. Trong đó có 9 cá nhân nhận hình thức rút kinh nghiệm, 6 cá nhân thuộc 4 đơn vị liên quan trực tiếp tới việc triển khai thực hiện dự án nhận hình thức phê bình nghiêm khắc, rút kinh nghiệm.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.