Vi khuẩn tả có nhiều ở các nguồn nước

Vi khuẩn tả có nhiều ở các nguồn nước
TP - Tính đến ngày 9/4, dịch tả đã có mặt tại 17 tỉnh, thành. Thừa Thiên – Huế và TPHCM  là  hai địa phương mới nhất xác định có người mắc tả.

Ngày 9/4 tại Hội nghị về vệ sinh an toàn thực phẩm, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu các bộ ngành liên quan nhanh chóng dập tắt dịch tả.

Hiện nay Hà Nội vẫn là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng người mắc tiêu chảy cấp (708 trường hợp) với 44 bệnh nhân dương tính với vi khuẩn tả. 13/14 quận, huyện của Hà Nội được xác định có vi khuẩn tả.

Bên cạnh đó Hải Phòng là nơi có nhiều bệnh nhân dương tính với phẩy khuẩn tả nhất (54 bệnh nhân). Ông Trần Văn Thọ - Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng cho biết tỷ lệ dương tính với phẩy khuẩn tả lên tới 90% cho thấy dịch Hải Phòng còn  khá nghiêm trọng.

Đứng sau Hải Phòng là Hà Tây với 25 xã thuộc bảy huyện có 48 bệnh nhân tả. Đại diện Sở Y tế Hà Tây lo lắng cho hay dọc đoạn sông Nhuệ chảy qua huyện Thường Tín có khoảng 30 hộ gia đình có nhà vệ sinh xả trực tiếp ra sông. Kết quả xét nghiệm nước cho thấy, đoạn sông này cũng đã nhiễm vi khuẩn tả. Hiện tại, Hà Tây còn 5 ổ dịch tả.

Thói quen ăn bẩn và nguồn nước ô nhiễm

TS Trần Đáng – Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm cho rằng, lý do bùng phát dịch tả là do thói quen ăn uống mất vệ sinh. Trong số bệnh nhân bị tả, 78% ở lứa tuổi 20-29, là lứa tuổi thích sống lưu động, ăn uống ngoài gia đình, thích ăn thịt chó, mắm tôm, rau thơm và tiết canh lòng lợn.

Đây là những thực phẩm có nguy cơ ô nhiễm cao nhất. Ngoài ra lứa tuổi trẻ hay ăn thức ăn đường phố nhưng lại lười rửa tay trước khi ăn, đặc biệt là thợ xây, lao động mùa vụ.

Ông Trần Đáng nhận định chắc chắn dịch không dừng lại ở con số như hiện nay. Bệnh tả là bệnh rất nguy hiểm, song lại dễ phòng nhất, chỉ với 3 nguyên tắc cơ bản: nấu chín thức ăn, đun sôi nước uống và rửa sạch bàn tay!

Đó cũng là biện pháp rẻ tiền nhất nhưng nhiều người dân không thực hiện được nên dịch mới lan rộng như hiện nay.

Theo TS Nguyễn Trần Hiển – Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, kết quả xét nghiệm 148 mẫu mắm tôm tuy không có vi khuẩn tả, do thời gian tối đa của vi khuẩn tả sống trong mắm tôm chỉ 6 tiếng nhưng 100% mẫu mắm tôm có vi khuẩn Coliform, Cl.perfringens và Candida albicans vượt quá giới hạn cho phép.

Ngoài ra, vi khuẩn tả đã được tìm thấy tại nhiều nước cống thải, nước hồ ao, sông, mương, nước rửa tay, rau sống, rau thơm, rau dền và thịt chó chín. Tỉ lệ người lành mang vi khuẩn ở các ổ dịch từ khoảng 50 - 75%.

Vi khuẩn tả chủ yếu ở người lớn, trên 15 tuổi, nam nhiều hơn nữ. Nhận định về đợt dịch tả này, TS Hiển cho biết thêm chủng vi khuẩn tả xuất hiện trong 3 đợt dịch từ cuối năm 2007 đến nay phân lập được đều là V.Cholerae O1.

Trong khi đó, chủng vi khuẩn ở các vụ dịch năm 2000, 2002, 2004 tại phía Bắc đều là type El Tor, type huyết thanh Inaba. Do đó, nhiều khả năng, vi khuẩn tả hiện nay là do xâm nhập từ bên ngoài.

Bộ Y tế đã đề nghị Tổ chức Y tế thế giới cung cấp thông tin về các type vi khuẩn tả xuất hiện tại một số quốc gia láng giềng để phía Việt Nam đối chiếu, tìm ra nguồn.

Cũng trong ngày hôm qua, Sở Giao thông công chính Hà Nội đã tiến hành dọn hồ Linh Quang (quận Đống Đa) để diệt vi khuẩn tả. Hàng trăm mét khối rác, đất đá và hàng chục tấn bèo, rau dại đã được thu gom từ hồ Linh Quang.

MỚI - NÓNG
Mưa dông gián đoạn kéo dài tại Hà Nội
Mưa dông gián đoạn kéo dài tại Hà Nội
TPO - Thông tin dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, những ngày trong tuần tới đây (7 -9/5) khu vực miền Bắc, thủ đô Hà Nội tiếp tục duy trì mát mẻ do chịu ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh yếu, gây mưa dông gián đoạn.