Vì đâu nên nỗi?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Huyện đảo tiền tiêu Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) hiện có hai Nghiệp đoàn nghề cá là An Hải và An Vĩnh (cấp xã theo đơn vị hành chính cũ). Ngày 15/9/2011, Nghiệp đoàn nghề cá An Hải ra mắt – cũng chính là nghiệp đoàn nghề cá đầu tiên của cả nước được thành lập thí điểm. Gần một năm sau, ngày 25/7/2012 Nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh cũng ra đời.

Nghiệp đoàn nghề cá là nơi tập hợp những ngư dân chuyên khai thác, đánh bắt ở ngư trường xa bờ, cùng với Liên đoàn lao động các địa phương đồng hành giúp ngư dân đoàn kết, an tâm bám biển mưu sinh vừa góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo quốc gia. Biết bao rủi ro, nguy hiểm về thiên tai và nhân tai luôn xảy đến giữa khơi xa và cả trên bờ, mà những ngư phủ dù can trường đến đâu cũng khó thể đơn độc một mình chống chọi, nếu sau lưng không có một tập thể nghề nghiệp đoàn kết, thương yêu.

Vì đâu nên nỗi? ảnh 1

Tác giả: Trí Quân

Vậy nhưng tại Lý Sơn, trong khi Nghiệp đoàn nghề cá An Hải hiện vẫn duy trì được số lượng 598 đoàn viên, thì Nghiệp đoàn An Vĩnh từ trên 600 đoàn viên, nay xin rút ra gần hết, chỉ còn khoảng trên 100 người?

Có thể vì nhiều lý do khách quan khác nhau, như có người bỏ nghề biển do làm ăn khó khăn thua lỗ phải bán tàu; như qua làm thuê cho chủ tàu ở địa phương khác; hoặc do nghiệp đoàn hiện nay đang gặp khó khăn về kinh phí hoạt động, vắng dần các chương trình hỗ trợ,... Nhưng vấn đề với ngư dân ở An Vĩnh không chỉ là như vậy.

Vì đâu nên nỗi? ảnh 2
Tối 15/8/2014, tàu cá QNg 66074 TS của ông Trần Hiền (thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đã cập cảng Lý Sơn sau khi bị đập phá, cướp tài sản tại ngư trường Hoàng Sa. Ảnh Lê Văn Chương

Chuyện từ hai con tàu tình nghĩa được người dân cả nước chung tay đóng góp tặng cho ngư dân Lý Sơn theo chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa”. Một tàu vỏ gỗ trị giá 5 tỷ đồng được tin tưởng giao cho ngư dân Bùi Văn Phải (thuộc Nghiệp đoàn An Hải) điều hành hoạt động từ đầu năm 2014 đến nay, máy móc vẫn tốt và mỗi năm đều đặn góp về cho nghiệp đoàn 110 triệu đồng. Tàu thứ hai là loại vỏ thép trị giá 10,5 tỷ đồng được giao cho Nghiệp đoàn An Vĩnh để giao cho một ngư dân trong nghiệp đoàn hoạt động. Thế nhưng, không lâu sau đó con tàu cá này được đưa vào tận tỉnh Ninh Thuận để cho thuê. Với nhiều thông tin về việc máy móc hư hỏng, hiệu quả đóng về cho nghiệp đoàn thấp... Và chuyện từ những lình xình liên quan đến tiền bạc, đến quản lý quỹ của nghiệp đoàn này thời gian qua, khiến nhiều thành viên nghi ngờ, bức xúc, dẫn đến việc bỏ ra ngoài...

Nghiệp đoàn nghề cá là một tổ chức nghề nghiệp mà lợi ích, hiệu quả của nó đã chứng minh thời gian qua là rất lớn, tạo nên sức mạnh và niềm tin cho ngư dân. Và cho dù sự gia nhập mang tính tự nguyện, nhưng một khi đứng ra ngoài “ngôi nhà chung”, đồng nghĩa với sự rủi ro, đơn độc mà mỗi ngư dân phải đối mặt trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn của mình.

Riêng việc một tàu cá tình nghĩa mang tính biểu tượng được người dân và doanh nghiệp cả nước chung tay quyên góp và tin tưởng giao trực tiếp cho ngư dân Lý Sơn để góp phần thực thi bảo vệ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, lại đem cho nơi khác thuê mướn, giờ không rõ số phận ra sao, là điều không thể chấp nhận, cần sớm được trả lời làm rõ.

MỚI - NÓNG