Con tàu cả nước giúp ngư dân Lý Sơn giữ biển đảo: Đã cho tỉnh khác thuê!

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhiều ngư dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đang bức xúc quanh việc tàu của Nghiệp đoàn nghề cá ở đảo Lý Sơn nhưng bị cho thuê ở tỉnh khác.

Năm 2014, có 2 chiếc tàu đánh bắt xa bờ được nhân dân cả nước đóng góp và trao cho Nghiệp đoàn nghề cá huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là thời điểm Lý Sơn còn 3 đơn vị hành chính cấp xã là An Hải, An Vĩnh và An Bình. Xã An Hải nhận chiếc tàu vỏ gỗ lắp máy mới của Nhật, trị giá 5 tỷ đồng; xã An Vĩnh được nhận chiếc tàu vỏ thép trị giá 10,5 tỷ đồng.

Chiếc tàu của xã An Hải giao cho đoàn viên trong Nghiệp đoàn là Bùi Văn Phải (người từng bị Trung Quốc bắn cháy tàu). Mỗi năm anh Phải góp quỹ cho Nghiệp đoàn là 110 triệu đồng. Chiếc tàu vỏ thép ở An Vĩnh được giao lại cho anh Nguyễn Ngọc Khánh, ngư dân này có nghĩa vụ mỗi năm đóng góp trở lại 250 triệu đồng.

Chúng tôi gặp ngư dân Bùi Văn Phải sau chuyến biển vào cuối tháng 4/2022, anh Phải tỏ lời cảm ơn việc Nghiệp đoàn đã tạo điều kiện để gia đình có tàu đi đánh cá, chiếc tàu này thường xuyên bám biển Hoàng Sa, Trường Sa góp phần gìn giữ chủ quyền.

Các ngư dân đi trên tàu cho biết, mỗi năm kiếm được 180 đến hơn 200 triệu, vì vậy số tiền đóng góp trở lại cho Nghiệp đoàn 100 triệu/năm đều được hoàn thành. Bên cạnh đó, anh em luôn làm đúng cam kết là một năm phải kéo tàu lên đà 2 lần để kiểm tra, sơn phết, bảo dưỡng cẩn thận như tàu của cá nhân.

Khi tìm đến chiếc tàu thứ 2 của Nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh thì nhiều người cho biết, đã lâu lắm không thấy con tàu QNg 96317 TS vỏ thép trị giá 10,5 tỷ đồng này xuất hiện ở đảo Lý Sơn. Vậy chiếc tàu này đang đi đâu về đâu và tình trạng như thế nào?

Con tàu cả nước giúp ngư dân Lý Sơn giữ biển đảo: Đã cho tỉnh khác thuê! ảnh 1

Lễ bàn giao tàu cá cho Nghiệp đoàn nghề cá An Hải. Ảnh: PV

Đây là bức xúc của các đoàn viên trong Nghiệp đoàn, cũng như với ông Nguyễn Quốc Chinh, phụ trách Nghiệp đoàn nghề cá An Hải, đồng thời là Ủy viên Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam - người từ tháng 12/2021 đã có đơn kiến nghị lên lãnh đạo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, yêu cầu trả lời, rằng “tàu nghiệp đoàn nghề cá nhưng sao lại đưa ra khỏi tỉnh?”.

Chúng tôi tìm đến người chủ đang thuê con tàu này là anh Nguyễn Ngọc Khánh. Ngôi nhà 2 tầng của anh Khánh nằm ở vị trí đắc địa, trung tâm huyện Lý Sơn. Anh Khánh cho biết, do tàu làm ăn thua lỗ liên tục nên đã liên kết với ngư dân Bình Định làm ăn, hiện nay tàu đang neo tận cửa biển Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận, bản thân anh thỉnh thoảng vẫn tham gia đi biển.

Trả lời câu hỏi về việc nhiều đoàn viên Nghiệp đoàn thắc mắc về việc tàu lắp máy thủy nhập khẩu, nhưng mới đi một thời gian tại sao liên tục hư hỏng máy trôi dạt, trong khi loại máy này chạy bền bỉ trong 5 - 7 năm mới bắt đầu có hư hỏng nhỏ? Có phải do người khác nắm giữ từ năm 2018 nên máy tàu không còn giữ được nguyên trạng? Anh Khánh cho biết, bơm dầu của tàu chỉ bị hư hỏng nhỏ(!?).

Ông Lê Khuân, phụ trách Nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh thì cho biết, ban đầu chiếc tàu này giao cho anh Khánh và mỗi năm phải có nghĩa vụ đóng góp 200 triệu đồng, sau đó còn 150 triệu đồng vì làm ăn không thành công. Ông Khuân cũng xác nhận, nhiều đoàn viên ở Nghiệp đoàn bỏ biển, nên hiện chỉ còn 180 đoàn viên, quỹ của Nghiệp đoàn còn hơn 700 triệu đồng.

Những con số mà ông Khuân đề cập cũng chính là nguồn cơn gây dư luận trong đoàn viên Nghiệp đoàn nghề cá ở đảo. Nhiều người thắc mắc, Nghiệp đoàn nghề cá An Hải có tới 50 tàu, 650 đoàn viên, liên tục phải chi tiền hỗ trợ cho đoàn viên bị nạn nhưng nguồn quỹ hiện nay vẫn còn tới 1,3 tỷ đồng, trong khi Nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh lại chỉ còn 700 triệu đồng?

Trong khi đó, Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi cho biết, kết quả kiểm tra Nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh vừa được tổ chức thực hiện xong và chưa phát hiện sai phạm của đơn vị này.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
TPO - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ vừa có chỉ đạo tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn thành phố. Trong đó, yêu cầu kịp thời thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm...