Ông Huệ khẳng định : “Hơn mười năm làm ở Kiểm toán Nhà nước, tôi đã biết rất rõ các doanh nghiệp xăng dầu. Vì vậy quan điểm điều hành của Bộ Tài chính sẽ không thể vì 11 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối mà phải vì hơn 80 triệu dân”. Ông Huệ cũng quyết liệt đưa ra thông điệp : Doanh nghiệp nào có ý định rút khỏi thị trường vì lỗ hãy lên tiếng để Bộ Tài chính biết, ngay cả Petrolimex nếu không thể tham gia cũng có thể lập tổng công ty khác.
Chuyện tù mù giá xăng dầu đã được báo chí đề cập từ lâu song người tiêu dùng vẫn chưa hề thỏa mãn bởi dường như vẫn tồn tại những khoảng mờ đâu đó. Thế rồi những tranh cãi công khai về vấn đề này giữa lãnh đạo Bộ Công thương và Bộ Tài chính ngay trước ống kính của giới truyền thông hóa ra lại báo hiệu những điều tốt lành : Lợi ích cục bộ của doanh nghiệp dứt khoát phải nhường chỗ cho lợi ích của toàn dân.
Điệp khúc, Tổng công ty xăng dầu này hay Tập đoàn điện lực kia đang lỗ nên phải tăng giá, rồi sẽ phải chấm dứt. Nền kinh tế thị trường không cho phép hễ doanh nghiệp lỗ là lại tăng giá bắt người tiêu dùng chịu. Vai trò giám sát, công khai minh bạch của nhà nước trong trường hợp doanh nghiệp còn độc quyền như xăng dầu hay điện ở đây là hết sức cần thiết.
Do dân và vì dân chính là một trong những bản chất tốt đẹp của nhà nước. Toàn thể bộ máy lập pháp, hành pháp và tư pháp đều phải hướng tới mục tiêu cao cả đó. Người tiêu dùng đã được nghe thông điệp vì dân đúng đắn của người đứng đầu Bộ Tài chính, mong rằng vị tân Bộ trưởng sẽ nhanh chóng hành động quyết liệt như những điều ông từng nói.
Nếu vì dân, bất cứ phát ngôn hay hành động nào của quan chức đều sẽ được công luận nhanh chóng hưởng ứng. Đó là quy luật.