Vedan "giết" sông Thị Vải: Cần phải xử lý hình sự!

Vedan "giết" sông Thị Vải: Cần phải xử lý hình sự!
TP- Đó là quan điểm của đại tá Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng Cục Cảnh sát Môi trường (C36), Bộ Công an, trong cuộc trao đổi với Tiền phong chiều 15/9 về việc Cty Vedan đã cố ý xả nước thải trực tiếp ra sông Thị Vải, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

>> Vedan 'giết' sông Thị Vải

Cần thiết phải xử lý hình sự

Ông có thể cho biết rõ hơn về việc Cty Vedan đã trực tiếp xả nước thải ra sông Thị Vải?

Vụ việc đã quá rõ, vấn đề xả nước thải ra sông Thị Vải của Cty Vedan là hành vi vi phạm có hệ thống.

Năm 2006, Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT) đã phạt hành chính, và Sở Khoa học – Công nghệ Đồng Nai đã yêu cầu phía Cty Vedan bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường với số tiền 15 tỷ đồng… nhưng Cty vẫn cố tình vi phạm, đặc biệt để tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng phía Cty đã xây dựng một hệ thống ngầm để trực tiếp xả nước.

Điều này rất nguy hại, không chỉ ô nhiễm sông Thị Vải mà còn làm ảnh hưởng tới nguồn nước sinh hoạt cho các khu dân cư xung quanh sông.

Quan điểm của C36 trong việc Cty Vedan trực tiếp xả nước thải ra sông Thị Vải là rất nguy hiểm nên cần thiết phải xử lý hình sự.

Nhưng pháp luật hình sự của Việt Nam không có quy định việc xử lý hình sự đối với pháp nhân, thưa ông?

Theo điều 183 BLHS năm 1999 thì việc xả chất thải ra môi trường thiên nhiên gây hậu quả nghiêm trọng của Cty Vedan có thể xử lý hình sự được vì Cty đã bị xử lý hành chính nhưng vẫn tiếp tục tái phạm. Chúng tôi đã đưa ra 4 mức độ vi phạm của Cty Vedan; Đó là vi phạm có hệ thống, cố ý vi phạm, tái phạm và gây hậu quả nghiêm trọng.

Đúng là pháp luật hình sự không xử lý đối với pháp nhân. Tuy nhiên ở đây có thể quy trách nhiệm cá nhân được và Tổng giám đốc Cty phải là người chịu trách nhiệm chính trước pháp luật.

Sẽ điều tra nhiều Cty khác

Trước thực trạng nhiều dòng sông ở nước ta đang trở thành dòng sông “chết”, phải chăng việc bắt tận tay hành vi vi phạm của Cty Vedan là “phát súng mào đầu” của cơ quan chức năng, thưa ông?

Các con sông Nhuệ, Đáy, Cầu, Thị Vải… đã và đang “chết dần chết mòn” vì những dòng nước thải của nhiều KCN. Trước thực trạng đó C36 đã thành lập chuyên án điều tra bắt tại chỗ Cty Vedan và sau đó sẽ là nhiều Cty khác nữa.

Theo ông, nếu như kết luận của nhiều cơ quan chức năng về vụ việc của Cty Vedan chưa đến mức độ phải xử lý hình sự. Vậy thì mức phạt hành chính đối với vụ việc như thế nào?

Vì Cty Vedan đã bị xử lý hành chính nhiều lần. Theo quy định mới của Luật Môi trường thì sẽ bị phạt hành chính với số tiền là 500 triệu đồng và đình chỉ hoạt động sản xuất của Cty. Hiện C36 đã đình chỉ hoạt động của hệ thống nước thải trực tiếp ra sông để các cơ quan chức năng điều tra, đưa ra kết luận cuối cùng.

Đang xuất hiện nhiều hình thức vi phạm tinh vi

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Lý, hiện cả nước có 192 khu công nghiệp (KCN) thì có tới 70% vi phạm các quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Để tránh sự thanh kiểm tra của các cơ quan chức năng hiện nay nhiều KCN đã có những hình thức vi phạm rất tinh vi: không xây dựng hệ thống xử lý rác thải.

Thứ hai là vẫn xây dựng, lắp ráp hệ thống xử lý rác thải và có báo cáo đầy đủ về hoạt động của hệ thống xử lý rác thải ra môi trường. Tuy nhiên họ lại không cho hoạt động thường xuyên. Nhiều KCN khi cơ quan chức năng đến kiểm tra thì mới cho hoạt động nhưng do để quá lâu ngày không hoạt động nên hệ thống bị hỏng…Và kết quả lại đổ lỗi cho chất lượng công trình kém như một nhà máy xi măng ở Hà Tây (cũ).

Thứ ba nhiều KCN đã bí mật xây dựng hệ thống thoát nước, dùng máy nén rác thải xuống lòng đất. Điều này rất nguy hiểm cho môi trường nước ngầm mà nhiều người dân vẫn trực tiếp sử dụng ở xung quanh các dòng sông.

Thứ tư là các KCN tập trung dồn các chất thải của nhiều bộ phận không qua xử lý mà trực tiếp “đổ” ra môi trường.

Hành vi thứ năm rất nguy hiểm, xảy ra ở Hà Nội đó là các KCN tập trung rác thải rồi bí mật đem đổ ra ngoài đường. Trong thời gian qua Công an TP Hà Nội đã xử lý nhiều vụ đổ trộm rác thải.

Xin cảm ơn ông!

Minh Thùy
Thực hiện

MỚI - NÓNG