Vé tham quan Tràng An cao hơn quy định: Doanh nghiệp nói gì?

TPO - Mấy ngày qua dư luận xôn xao về việc Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường bán vé tham quan khu di sản Tràng An cao hơn 50.000 đồng so với quy định. Trong khi đó, đại diện Doanh nghiệp Xuân Trường lại cho rằng họ làm đúng các quy định pháp luật. 

Thời gian gần đây, một số trang mạng xã hội cho rằng, Doanh nghiệp Xuân Trường, chủ đầu tư khu di sản Tràng An (thuộc Quần thể danh thắng Tràng An – Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới) thu vé giá cao hơn nhiều so với quy định.

Một số du khách dẫn chứng: Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Ninh Bình quy định các khoản phí, lệ phí áp dụng với khu du lịch Tràng An: Giá vé tham quan đối với người lớn là 150.000 đồng/lượt, trẻ em là 110.000 đồng/lượt (gồm phí tham quan thắng cảnh và phí ngồi đò).  Tuy nhiên, hiện nay Doanh nghiệp Xuân Trường đang thu 200.000 đồng/vé/người lớn, cao hơn quy định 50.000 đồng.

Lý giải về giá vé tham quan khu du lịch Tràng An cao hơn so với quy định của Nghị quyết HĐND tỉnh Ninh Bình, đại diện Doanh nghiệp Xuân Trường cho rằng, theo quy định của pháp luật, chúng tôi tự chịu trách nhiệm với đồng vốn bỏ ra, lời ăn lỗ phải chịu, giá vé doanh nghiệp tự điều tiết để đảm bảo thuế Nhà nước.

Vị đại diện Doanh nghiệp Xuân Trường trích dẫn, Điều 19 Luật giá số 11/2012/QH13, được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012 quy định: “Hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá…”; không quy định đối với dịch vụ tham quan. 

Tại điều 11 Luật giá số 11/2012/QH13 cũng quy định Quyền của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh: “Tự định giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá...”.

Đại diện chủ đầu tư khu du lịch Tràng An khẳng định thêm: "Hằng năm chúng tôi đóng thuế cho tỉnh Ninh Bình đúng theo quy định của Bộ Tài chính và Cục Thuế tỉnh Ninh Bình. Chính vì thế, việc thu giá vé như hiện nay theo đúng Luật Doanh nghiệp sẽ làm tăng thêm tiền thuế cho Nhà nước", vị đại diện nói.

Liên quan sự việc trên, trao đổi với Tiền Phong, ông Bùi Văn Mạnh – Phó giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, Doanh nghiệp Xuân Trường đã biến khu đầm lầy hoang hoá thành di sản thiên nhiên thế giới kép. Đó là điểm khác biến giữa Tràng An với các di sản đã có sẵn.

Ông Bùi Văn Mạnh phân tích, thứ nhất, hầu hết các doanh nghiệp đầu đặt mục tiêu lợi ích lên hàng đầu, lấy lợi ích kinh doanh làm mục đích chính. Có doanh nghiệp tàn phá cảnh quan thiên nhiên thiên, gây ô nhiễm môi trường để đánh đổi lợi nhuận. Chính vì thế họ chỉ bỏ ra một khoản tài chính nhất định, rồi tính toán sinh lợi ích tức thời (kinh doanh kiểu chộp giật).

Trong khi đó, Doanh nghiệp Xuân Trường phải bỏ ra khoản tiền khổng lồ, để đổi lấy những đồng bạc lẻ. Điều đó cho thấy, mục đích của Doanh nghiệp Xuân Trường đưa mục đích bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo về môi trường sống cho đời sau lên hàng đầu, ông Mạnh nói.

Vé tham quan Tràng An cao hơn quy định: Doanh nghiệp nói gì? ảnh 1 Du khách thập phương mê mẩn về Tràng An.

Theo ông Mạnh, khu du lịch Tràng An (thuộc Quần thể danh thắng Tràng An) khi chưa được doanh nghiệp đầu tư xây dựng, tôn tạo chỉ là vùng núi hoang vu, đầm lầy không ai biết đến. Từ khi được doanh nghiệp đầu tư với số vốn khổng lồ, sau 14 năm Tràng An đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Ông Mạnh cho rằng, trước đây, người ta biết tới Ninh Bình với những lò vôi rực lửa, nhà máy nhiệt điện với bụi than phủ khắp thị xã Ninh Bình, gây ô nhiễm môi trường và không khỏi rùng mình về những thứ này. 

Thế nhưng từ khi  Quần thể danh thắng Tràng An trở thành di sản thiên nhiên thế giới kép, hàng triệu du khách quốc tế đổ xô về đây để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Tràng An. ổng doanh thu về du lịch ước đạt khoảng 3.200 tỷ đồng/năm. Nhờ phát triển du lịch, Ninh Bình đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 10 vạn người dân địa phương từ ngành công nghiệp không khói này, ông Mạnh cho biết

MỚI - NÓNG