Về nơi vẫn còn ngập chìm trong nước ở Hà Nội

Về nơi vẫn còn ngập chìm trong nước ở Hà Nội
TP - Sống cùng người dân xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) giữa lúc nơi đây vẫn còn gần 50 hộ bị nước bao vây, cô lập, phải tản cư từ suốt 20 ngày qua, chúng tôi mới hiểu hết những buồn vui của “người thủ đô mới” ở “xóm cù lao”.

Gần 20 ngày sau trận mưa lịch sử, nước rút, nội thành Hà Nội đã trở về với cuộc sống thường nhật. Thế nhưng, tại xã Tân Tiến của huyện Chương Mỹ hiện vẫn còn gần 50 hộ dân bị nước ngập cô lập.

Có mặt tại xóm Nằng, thôn Tiến Tiên, xã Tân Tiến đêm 18/11 chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi đường vào thôn nay nằm sâu trong biển nước. Chúng tôi ngỏ ý muốn tới tận nhà của những hộ dân đang bị ngập nhưng cán bộ thôn bảo, chuyện đi đến đó rất khó khăn, đoạn ngập sâu nhất có thể lút đầu chúng tôi.

Thoáng giật mình, e dè bởi trời quá tối nhưng sẵn có đèn pin mang theo (mang đề phòng không ngờ lại được sử dụng thật) chúng tôi quyết tâm đi. Tới những ngôi nhà đó chúng tôi chỉ có phương tiện duy nhất là thuyền thúng với tay chèo là hai cán bộ địa phương.

Không gian nước mênh mông, trời tối cộng với sự tĩnh mịch của làng quê càng khiến cho nơi đây trở nên heo hút. Hai tay chèo không chuyên - anh Nguyễn Văn Mạnh - Bí thư Đoàn xã Tân Tiến và phó thôn Tiến Tiên Nguyễn Hữu Hưởng không khỏi lo lắng cho chúng tôi.

Trời mỗi lúc một tối, chút ánh trăng cuối tháng không giúp được gì cho cái thuyền thúng của chúng tôi, đèn pin được sử dụng hết công suất để soi đường và làm hoa tiêu. Chốc chốc thuyền thúng lại xô vào những cột bê tông hay bè rau, khóm trúc… làm thuyền mắc lại, tròng trành đến sợ.

Anh Mạnh cho biết từ ngày mưa ngập đường, ngập nhà, phương tiện đi lại chủ yếu của bà con vùng ngập là thuyến thúng, thậm chí là bè chuối. Vừa nói anh vừa chỉ tay ra phía có nhiều bè chuối tập kết trước cổng một ngôi nhà chìm trong nước, cổng nhà nay ngập quá nửa và trở thành bến thuyền.

Mỗi thuyền thúng này được bà con mua với giá 300.000 đồng- 350.000 đồng (đắt gấp 3 ngày thường) và có những lúc cao điểm người dân phải mua với giá 700.000 đồng.

Sau rất nhiều trở ngại, 2 chiếc thuyền cũng tới được gia đình anh Nguyễn Văn Bảy, nước vẫn còn ngập tới ngang cửa nhà anh. Nhà khóa, im lìm giữa bốn bề nước, chỉ có một chú khuyển trung thành vẫn nằm trên nóc nhà giữ nhà cho chủ.

Anh Hưởng cho biết gia đình này đã đi ở nhờ từ gần 20 ngày nay, thi thoảng mới có người chèo thuyền về xem tình hình rồi lại đi vì chưa thể ở. Đi ra xa hơn, vượt hơn 1km “đường thủy” trên cánh đồng trắng nước, chúng tôi tới một số hộ của xóm còn ngập. Hầu hết các ngôi nhà đều vắng, tan hoang, chỉ còn lại những mảnh lưới mắc xung quanh nhà.

Về nơi vẫn còn ngập chìm trong nước ở Hà Nội ảnh 1
Gần 50 nhà dân xã Tân Tiến vẫn bị cô lập như thế này

Đám cưới bì bõm, đám tang vội vàng!

Những ngày nước ngập, không có thịt, rau nên cá đánh bắt được là thức ăn chủ yếu của người dân ở đây. Mới đầu là cải thiện, nhưng tới giờ đã phát ngán. Đoạn đường vài trăm mét từ đầu ngõ vào nhà dân còn bị nước bao vây, anh Hưởng chỉ cho chúng tôi gần chục lưới đánh cá của người dân có phao nổi lập lờ trên mặt nước. Nhiều hộ gia đình đã chia nhau từng con cá để ăn gần 3 tuần như thế.

Nước ngập, nhiều câu chuyện bi hài đã xảy ra. Nhiều đám cưới đã phát thiếp mời cũng phải hoãn, sau khi nước rút mới được tiến hành. Anh Nguyễn Văn Mạnh, Bí thư Đoàn xã kể: Cũng có đám cưới “liều” tổ chức vì đã định ngày đẹp. Nhưng nước ngập ngang bụng nên cô dâu không thể mặc váy cưới, khách khứa, bạn bè cũng ít người đến dự. Thế là ngày vui cũng không trọn vẹn!

Thảm nhất là đám ma em Nguyễn Văn Tuyển, sinh viên năm thứ ba khoa Thú y - trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây. Trên đường đi tiêm cứu đàn gia súc bị bệnh cho người họ hàng, qua đoạn suối đã bị nước cuốn trôi mất cầu Tuyển chủ quan là dân “thổ địa” nên vẫn bước.

Ai ngờ, hụt chân Tuyển bị dòng nước cuốn trôi. Ba ngày người thân đỏ mắt khóc con, chính quyền tìm kiếm, mãi ngày thứ tư thi thể em mới nổi lên mặt nước.

Mẹ Tuyển, bà Nguyễn Thị Doan năm nay 51 tuổi nói trong nước mắt: “Cũng đủ thủ tục nhưng đám tang cháu chỉ vội vàng trong một buổi sáng, trời lại mưa tầm tã. Cháu chết rồi cũng không có chỗ chôn, anh em phải đưa lên chân núi. Ai cũng thương cháu. Chính quyền, các tổ chức cũng đã đến thăm hỏi, động viên nhưng tôi vẫn không tài nào mà gắng nổi”...

Tính đến nay, đã 20 ngày trôi qua, căn nhà chị Nguyễn Thị Tình thôn Khúc Bằng, xã Tân Tiến vẫn bị ngâm trong nước. Sau cái tivi thì chiếc tủ đựng quần áo bằng gỗ ép là món đồ giá trị, thế nhưng mẹ con không chạy kịp nên nay đã vứt chỏng chơ trước cửa.

Về nơi vẫn còn ngập chìm trong nước ở Hà Nội ảnh 2
Đồ đạc nhà dân vẫn đang “chạy nước”  Ảnh: Nguyễn Hà

Căn nhà ẩm ướt, trống trơn khi chúng tôi đến phải ngồi tạm bên chiếc giường mẹ con chị vừa kê lại vì không có cả bàn ghế. Khu vườn vốn đầy ít rau, ngô cùng cây ăn quả như cam, bưởi, chuối mà mẹ con chị dày công chăm xới, giờ nước rút chỉ còn trơ lại một bãi bùn rác.

Lê Thị Nghĩa học lớp 9, là đứa được ăn học cao nhất trong 5 người con của chị tiếp chuyện chúng tôi. Năm 2004, bố mất sớm để lại một nách 5 anh em cho mẹ. Đứa con trai lớn đi làm ăn ở xa, những ngày nước ngập 5 mẹ con chị chia làm hai đi ở nhờ họ hàng, làng xóm. “Mấy hôm đầu còn có cơm ăn, hết củi nấu cơm thì ăn mì tôm sống” - Nghĩa nói.

Nước rút, chị Tình đi nhận mì cứu trợ ở UBND xã còn 3 chị em ở nhà chăm chỉ xâu dây mành khuyên. Mỗi dây dài 2m bằng sợi giang chỉ bán được 700 đồng. Nghĩa bảo, “mỗi ngày em làm được 5 dây nhưng tiền vốn mua giang đã mất 400 đồng rồi”. Nhẩm tính, mỗi ngày mẹ con chị Tình chỉ thu được từ 6.000 đến 8.000 đồng tiền lãi. Thế nhưng họ vẫn làm miệt mài.

Cụ Trần Thị Diễn, 97 tuổi là mẹ liệt sĩ ở thôn Tiến Tiên cũng là người già nhất xã. Lần thứ hai chứng kiến trận lụt lịch sử, cụ kể: Năm 1971 nước ngập cũng to lúa má, hoa màu chết trắng người dân sau đó đói lắm.

20 ngày đi qua, nhiều hộ vẫn phải tìm cách chống chọi với cảnh ngập lụt. “Họ chưa biết phải bắt đầu cuộc sống thế nào, rất nhiều thứ đã theo nước ra đi, còn lại với họ là đôi bàn tay trắng” - Chủ tịch xã Nguyễn Duy Cúc nói.

MỚI - NÓNG