Về A Lù sau lũ quét

Về A Lù sau lũ quét
TP- Trong đợt lịch sử ở Lào Cai vừa qua, có một xã của huyện Bát Xát bị cô lập tuyệt đối. Ba ngày sau con lũ đi qua, lãnh đạo huyện mới biết xã A Lù những ai còn sống sau con lũ. 

Sau lũ, từ thành phố Lào Cai tới xã A Mú Sung dài 80 km đã có thể đi bằng xe máy. Từ đây đến A Lù gần 20 km chỉ có thể đi bộ. Đoạn đường có hàng chục điểm bị lũ xé tan hoang, những phiến đá to bằng cả ngôi nhà ngổn ngang, xếp chồng lên nhau chặn ngang lối đi.

Hàng trăm điểm đất đá, cây cối sạt lở đắp như núi trên tỉnh lộ 158. Một số đoạn, phía ta-luy âm bị sụt xuống vực sâu hun hút, chúng tôi phải nép vào bức tường đất mà bước tới.

Tại nhà anh Tráng A Pao, 237 thanh niên trai tráng có chung 1 gương mặt thất thểu, buồn rượi. Họ vừa trải qua ngày thứ 4 tìm kiếm 5 người mất tích vì lũ cuốn. Hôm nay họ trở về chỉ với vài mảnh áo rách của người xấu số tìm được bên bãi cát ven sông Hồng.

Gần chục con người trong đội thi công mương thủy lợi đang trú mưa trong lán tạm thì con lũ ào tới. Đội trưởng tri hô chạy sang lưng đồi đối diện nhưng 4 phụ nữ và 1 thanh niên người Hà Nhì tiếc mấy bộ quần áo vội quay trở lại nhưng không kịp, dòng lũ ập tới.

Ông Phàn Duần Phẩy, Bí thư Đảng ủy xã với vẻ mặt còn thảng thốt kể: Đêm xảy ra con lũ kinh hoàng ông ngủ tại lều trông ngô. Khi hay tin lũ cuốn trôi 9 hộ dân ở bản Khao San Chải, ông Phẩy cùng dân quân xã đi ứng cứu người dân.

Chỉ cách nhà 500 mét nhưng ông Phẩy không hay lũ vừa cuốn trôi toàn bộ nhà cửa và gia tài của vợ chồng ông phấn đấu đến cuối đời. Bán 12 con bò được 75 triệu đồng, tiền bán thảo quả trong mấy năm và 67 đồng bạc hoa xòe dự định làm của hồi môn cho các con nay trôi theo thác lũ.

So với xã Trịnh Tường, nơi con lũ đã cuốn đi 19 ngôi nhà tại bản Tùng Chỉn 1 thì A Lù còn thiệt hại nặng nề hơn nhiều. Ngoài 14 ngôi nhà bị đất đá vùi lấp cùng toàn bộ tài sản còn có 67 hộ dân khác ở thôn Tả Suối Câu, Khao San Chải và Séo Chư Phìn bỏ nhà đi lánh nạn vì đất sạt.

Ngôi trường tiểu học khang trang đáng ra giờ này đã có tiếng học sinh râm ran thì nay la liệt những chăn, chiếu, vật dụng gia đình của những hộ mất nhà cửa. Những gương mặt thất thần, nỗi hoang mang, lo lắng đang đè nặng người dân.

Về A Lù sau lũ quét ảnh 1
Đường lên A Lù bị lũ tàn phá

Cô lập tuyệt đối trong lũ

Vừa đặt chân đến trung tâm, một cán bộ văn thư xã hớn hở chạy ra: “Các anh có đi Ý Tý thì cho tôi gửi công văn hỏa tốc tới đồng chí Bí thư Huyện ủy đang ở trên đó. Lãnh đạo ký duyệt  từ hôm qua mà chưa gửi được”. Tôi nhẩm tính, nếu tiếp tục đi bộ tới xã Ý Tý chúng tôi cần thêm 9 giờ, tức là “công văn hỏa tốc” của xã chậm gần 48 giờ. Sau 4 ngày con lũ đi qua chúng tôi vẫn là một trong số ít người đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này.

Đường tới 2 xã lân cận là A Mú Sung và Ngải Thầu đều bị lũ chặn đứng. Ngày thứ 3 bị cô lập, lãnh đạo xã cử 1 tốp thanh niên khỏe mạnh đi ngược lên đầu nguồn tìm đường vượt lũ để báo cáo tình hình lên huyện và xin chi viện nhưng không thành.

Một số người dân dùng số điện thoại của Trung Quốc để liên lạc nhưng run rủi thế nào trong mấy ngày mưa lũ các số điện thoại trên cũng bị tê liệt. Ngay sau ngày lâm nạn bà con xã Trịnh Tường đã nhận được hàng chục chuyến hỗ trợ của các đoàn công tác, các tổ chức hảo tâm. Nhưng với A Lù, khi chúng tôi có mặt mới là lúc có vài cán bộ của huyện tới đây để hỗ trợ về mặt nhân lực.

Cô giáo mầm non Nguyễn Thị Hồng Ngân, quê ở Yên Bái tâm sự: “Sáng nay em mới nhận được tin 5 ngày vừa qua hôm nào mẹ ở quê cũng khóc cạn nước mắt vì không biết con gái có còn sống”.

Bị cô lập về giao thông, nguy cơ thiếu lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm đối với bà con A Lù đang tăng lên từng ngày. Chị Tẩn Tả Mẩy thông báo: Ba quán hàng trong xã đã hết dầu hỏa, muối ăn và bột canh. Bữa trước chị xin được ít muối trắng, đến hôm nay thì đứa con gái 4 tuổi của chị nhất định không chịu ăn cơm với rau rừng, nó khóc đòi ăn cơm trộn muối.

Về A Lù sau lũ quét ảnh 2
Mất nhà, bà con A Lù phải ở nhờ trường học

Kinh hoàng những ngày hậu lũ

Nửa đêm, chúng tôi đang ngon giấc thì bỗng có tiềng ầm ầm dữ dội, mặt đất rung chuyển làm đong đưa chiếc giường cũ. Đoán có chuyện chẳng lành tôi và anh bạn đồng nghiệp bật dậy dáo dác chạy ra sân. Anh Trần Văn Hoàn, cán bộ Công an huyện tăng cường cho biết: Chỗ nào cũng có đá lăn”.

Mờ sáng, chúng tôi thêm 1 lần thức giấc bởi một đợt đá rơi như sấm rền trong gần chục phút. Tiếp đó là tiếng bà con gọi nhau vọng vào vách núi, tiếng huyên náo, tiếng người chạy huỳnh huỵch sau nhà.

Trưởng bản Tả Suối Câu 1, ông Phàn Duần Lùng vừa lùa đàn bò 7 con ra khỏi chuồng thì đá giội từ đỉnh núi xuống. Nhanh chân ông Lùng trốn vào hang đá nhưng đàn bò của ông bị đá nghiền chết 6 con. Đang lúc bà con khó khăn, số thịt bò của ông Lùng chỉ bán được giá 20 ngàn đồng/kg. Chỉ có các cô giáo là ủng hộ mua giá cao hơn, số còn lại ông Lùng đem đổi thóc cho bà con dân bản với mức 1 kg thịt bò lấy 3 cân thóc nhưng thu vào vụ sau.

Xã A Lù có 8 thôn, gần 2.000 nhân khẩu với 4 dân tộc là Dao, Mông, Hà Nhì và Phù Lá. Đồng bào A Lù làm nhà cheo leo bên sườn núi, vượt qua thung lũng trước mặt là đất Trung Quốc, phía sau lưng là dãy núi đá Nậm Chạc dựng đứng, quanh năm mây phủ. Mưa lớn làm cho những tảng đá lớn vốn đã chênh vênh đổ sụp. Hậu lũ quét, những hiểm nguy vẫn luôn rình rập khắp nơi trên mảnh đất này.

Địa chất ở A Lù đã được các nhà chuyên môn đánh giá là vùng thiếu ổn định, liên tục “cựa mình”. Hàng trăm vết nứt lớn trên các triền núi xuất hiện sau trận lũ quét vừa qua. Dãy nhà ở cho giáo viên cấp II có 6 phòng xây dựng hồi đầu năm nhưng qua 1 trận mưa đã xuất hiện vết nứt chạy dài sau nhà rộng tới nửa sải tay.

Các thầy cô giáo đã phải  bỏ dãy nhà mới khang trang để trở về nơi ở tạm trước đây. Tọa lạc trên một lưng đồi khá bằng phẳng nhưng xung quanh ngôi trường tiểu học, trạm y tế, nhà công vụ của xã cũng đã xuất hiện các vết nứt xung quanh ngày một lớn hơn.

Ông Tẩn Phù Chiêu, Phó Chủ tịch xã tỏ ra lo lắng vì không biết bố trí cho gần 100 hộ mất nhà ở đâu cho an toàn. Vấn đề hậu lũ với người dân A Lù còn là sản xuất và đời sống. Hơn 30% diện tích lúa (62 ha) sắp thu hoạch của bà con bị mất trắng và chừng ấy diện tích không còn khả năng phục hồi vì đá vùi.

Cơm áo sẻ chia

Sự cách trở khiến A Lù nhận được sự hỗ trợ từ bên ngoài muộn hơn nhưng bà con đã gồng mình cùng nhau vượt qua khó khăn. Bốn dân tộc có ngôn ngữ, văn hóa không đồng nhất, sống ở 8 thôn khác nhau nhưng trong khó khăn họ là anh em một nhà.

“Lá lành đùm lá rách”, sau lũ cả xã cùng nhau chung tay di chuyển những hộ dân đang trong vùng nguy hiểm về nơi an toàn. Các thầy cô giáo thay vì việc chuẩn bị năm học mới là giúp bà con qua cơn hoạn nạn.

Cô giáo Thu Hường, giáo viên mầm non tâm sự: “Giúp gia đình các em cũng chính là giúp mình. Bà con càng gian khổ con em đến trường càng ít hơn”. Lượng lương thực, thực phẩm trong tháng của các thầy, cô đã cạn gần hết sau mấy ngày vì chia sẻ với đồng bào.

Chúng tôi chia tay A Lù khi khó khăn của bà con đã vợi bớt song trong lòng người đi kẻ ở còn chất chứa những bồi hồi. Bỗng nhiên 1 vách đá lại đổ ầm vọng tràn dãy núi. May là không có thêm thiệt hại nào cho người dân A Lù vốn đã quá nhiều khổ đau.

MỚI - NÓNG