Vay tiền mua nhà: Tháo lui vì lãi suất cao

Vay tiền mua nhà: Tháo lui vì lãi suất cao
Một tháng sau đợt "khủng hoảng thanh khoản" khiến nhiều ngân hàng phải khóa van tín dụng với bất động sản (BĐS), nhiều người cần tiền mua nhà đã trở lại gõ cửa NH. Dù không NH nào từ chối nhưng khách vay nghe lãi suất thôi đã muốn tháo lui...
Vay tiền mua nhà: Tháo lui vì lãi suất cao ảnh 1
Ngân hàng MHB chi nhánh Sài Gòn cho biết trong tháng ba đã có 3.817 khách hàng vay sửa chữa nhà và mua nhà (cho vay tiêu dùng) với tổng số tiền 406,866 tỉ đồng (tháng hai có 3.751 khách vay 400 tỉ đồng). Trong ảnh: một phiên giao dịch cho vay tiêu dùng tại Ngân hàng MHB sáng 4-4 - Ảnh: T.T.D.

Do không đủ tiền mua căn nhà tại Thủ Đức (TP.HCM), anh Đặng Hoàng B. đến NH vay khoản còn thiếu và thế chấp bằng chính căn nhà này (tài sản hình thành từ vốn vay) - hình thức thế chấp phổ biến đã được các NH áp dụng nhiều năm qua.

Thế nhưng gõ cửa rất nhiều Ngân hàng (NH) anh B. đều bị từ chối, dù khoản vay chỉ 400 triệu đồng trong khi giá trị giao dịch của căn nhà lên tới 1,3 tỉ đồng.

"Nhiều NH luôn khẳng định vẫn cho vay mua nhà để ở nhưng nói vậy chứ không phải vậy..." - anh B. bức xúc.

Mặc dù không từ chối thẳng thừng nhưng hầu hết NH đều có rất nhiều chiêu thức để... từ chối khéo khách vay. Anh Thành, một người từng gõ cửa rất nhiều NH để vay vốn, cho biết có NH chấp nhận cho vay nhưng "hét" lãi suất (LS) lên tới 1,7%/tháng, một NH khác yêu cầu phải vay 10-15 năm, đồng thời yêu cầu phải sử dụng kèm một số sản phẩm dịch vụ khác nếu muốn được duyệt vay...

Giám đốc một NH cho biết hiện NH này chỉ cho vay mua nhà ở khu vực dự án căn cứ trên giá gốc (?) để hạn chế rủi ro. Theo vị giám đốc này, các khoản vay mua nhà với giá trị lớn, từ 3-5 tỉ đồng, NH này cũng từ chối dù căn nhà được thế chấp có giá trị giao dịch lên tới hàng chục tỉ đồng.

Đặc biệt hiện nay hầu hết NH cho biết sẽ nhận thế chấp tài sản là căn nhà mà khách hàng định mua với điều kiện khách hàng phải hoàn tất thủ tục sang tên rồi NH mới giải ngân. Điều này gây không ít khó khăn cho khách hàng vì hầu như người bán nhà đòi hỏi nhận tiền đủ mới hoàn tất thủ tục sang tên.

Theo các NH, tín dụng BĐS đang là một trong ba lĩnh vực hạn chế cho vay, cùng với chứng khoán và tiêu dùng. Giám đốc một NH cho biết tăng trưởng tín dụng năm nay bị khống chế, thị trường BĐS đang trong thời điểm "nghe ngóng", giao dịch ít và giá giảm, vì vậy việc cho vay tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Khách vay cũng chùn tay

Hiện nay NH Á Châu (ACB) cho cá nhân vay mua BĐS không quá 60% giá trị tài sản bảo đảm theo định giá của NH. Thời hạn vay tối đa là 10-15 năm, riêng căn hộ không quá 10 năm. LS cho vay từ 1,62-1,655%/tháng. Nhân viên của ACB cho biết ACB mới điều chỉnh LS cho vay BĐS từ ngày 21-3. Với LS này, năm đầu cố định nhưng năm sau LS được tính theo LS tiền gửi tiết kiệm 13% cộng với biên độ do NH qui định.

Hiện ACB có liên kết với các dự án như dự án biệt thự Rivera, Phú Mỹ Hưng, Hùng Vương Plaza... nhưng đa số là những dự án cao cấp. Với chương trình này, ACB cho vay đến 70% giá trị tài sản bảo đảm nhưng theo một phó tổng giám đốc ACB, trong điều kiện hiện nay rất ít khách hàng có nhu cầu vay mua nhà theo dạng liên kết này.

Chị Nguyễn Hoàng Yến, nhân viên văn phòng của một công ty ở Q.3, cho biết chị có nhu cầu mua một căn nhà ở P.Tân Qui Đông (Q.7) với giá 1,2 tỉ đồng. Chị đã có trên 700 triệu đồng, dự kiến vay NH khoảng 500 triệu đồng. Đến HDBank thì NH này cho biết có thể cho vay đến 70% tài sản đảm bảo với thời hạn tối đa 10 năm nhưng LS cực cao, 1,85-1,9%/tháng.

Còn NH Phát triển nhà ĐBSCL (MHB) chi nhánh Sài Gòn cho biết có thể cho vay tối đa 10 năm, LS 1,48%/tháng. Theo chị Yến, mặc dù LS rẻ hơn nhưng tính ra nếu vay trong thời hạn 10 năm thì một tháng chị trả lãi gốc và vốn vay là 12,6 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập của cả vợ chồng chị trung bình 15 triệu đồng/tháng không thể đủ để vừa trang trải sinh hoạt vừa có thể trả nợ.

Hiện số khách hàng vay tiền để mua BĐS giảm khá mạnh. "Giá nhà đất đang giảm, LS cho vay quá cao, không chỉ người kinh doanh BĐS lo ngại rủi ro mà ngay cả những người có nhu cầu mua nhà để ở thật sự cũng cân nhắc, họ chờ LS và giá BĐS giảm thêm..." - tổng giám đốc một NH giải thích.

Có tín hiệu để hạn chế cho vay BĐS

Thống đốc NH Nhà nước khẳng định không có yêu cầu các NH thương mại hạn chế cho vay BĐS. Trên thực tế các động thái siết chặt tiền tệ lại là tín hiệu để các NH hạn chế cho vay BĐS. Hiện nhiều NH tập trung lo giải quyết vấn đề thanh khoản hơn là cho vay.

Vì vậy theo nhiều chuyên gia địa ốc, thị trường địa ốc chưa thể khởi sắc lại khi NH chưa mở van tín dụng. Phần lớn những NH cổ phần qui mô nhỏ đã mạnh tay cho vay BĐS trong thời gian qua đều đang gặp khó khăn về vốn.

Theo các NH, hoạt động cho vay BĐS chỉ trở lại bình thường khi các NH vượt qua thời kỳ siết chặt tiền tệ. Còn trước mắt, các NH phải đối phó với việc siết tăng trưởng tín dụng không quá 30% của NH Nhà nước.

Theo Hương Đào - Đình Khôi
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG