Đợt hạn hán lịch sử kéo dài gần hai năm qua đã khiến các hồ đập cạn, khô, hàng vạn người thiếu nước sinh hoạt, gia súc chết hàng loạt, hàng chục nghìn hec ta đất bỏ hoang hoá…
Chùm ảnh Tiền Phong vừa ghi nhận tại hai thôn Tam Lang và Bàu Ngứ (xã Phước Nam, huyện Thuận Nam) được xem là rốn khô hạn của tỉnh Ninh Thuận.
Trên đường vào thôn Bàu Ngứ và Tam Lang, xương rồng là loại cây sa mạc cũng không sống nổi vì khô hạn.
Người dân phải mót nước từ các vũng nước “trâu đằm” đễ phục vụ sinh hoạt, trồng trọt chăn nuôi. Nhiều vũng nước đã cạn kiệt.
Một vũng nước còn sót lại.
Đập Bàu Ngứ cạn kiệt dưới mực nước chết.
Chị Bùi Thị Tố Loan (thôn Bàu Ngứ) cố vét những giọt nước mưa hiếm hoi để nấu ăn.
Chị Loan cho xây hồ trữ nước mưa nhưng hồ đã sắp cạn kiệt vì gần hai năm qua trời hầu như không mưa.
Những đứa con chị Loan chia nhau từng miếng nước mưa giữa nắng hạn gay gắt. Các em phải tắm giặt từ nguồn nước mót từ các bãi đá trâu đằm.
Trẻ vùng hạn người khô đét, đen sạm.
Chị Phúc, trưởng thôn Tam Lang đang chia nước ăn uống cho các hộ dân trong thôn.
Mỗi ngày, thôn Tam Lang được cấp 2 m3 nước. Hàng ngày, mỗi hộ được chia 2 can nước ăn uống. Trước đây, người dân phải mua nước với giá 1-2 nghìn đồng/can.
Cỏ không mọc nổi, những con bò gầy trơ xương phải ăn lá cây dại.
Những con cừu đói lả giữa khô cằn, nắng rát. Toàn tỉnh đã có trên 5.000 con bò, dê, cừu chết trong đợt hạn hán khốc liệt.
Ruộng hành lá hiếm hoi tại thông Tam Lang. ông Long, chủ ruộng cho biết chưa có nước để sạ lúa nên tranh thủ trồng hành nhưng khô hạn quá cây không lớn nổi.
Những đồi muối trắng tinh ở Cà Ná. Người dân Ninh Thuận nói muối ở vùng này mặn hơn những nơi khác.