Xuống dưới một đoạn là huyện Đak Pơ, thị xã An Khê, huyện Kông Chro, dòng sông bốc mùi hôi thối nồng nặc do các nhà máy mía đường, gỗ… xả nước, dòng sông lúc này như con lạch nhỏ màu nước gạo chở theo đầy rác. Thậm chí, có những đoạn sông ngày nào nhân dân phải đi đò vất vả, giờ thì xe máy có thể dễ dàng vượt.
Khi Thủy điện An Khê - Ka Nak bắt đầu tích nước, nhiều đoạn của sông Ba kiệt nước, chỉ còn trơ lại đá, cá chết nổi trắng sông. Khoảng 30 km cuối dòng chảy qua thị xã Ayun Pa, huyện Ia Pa, huyện Krông Pa (Gia Lai), nơi đâu cũng bắt gặp những đàn bò đang gặm cỏ trên cánh đồng mọc giữa dòng.
Theo báo cáo về tình hình nắng hạn mới nhất của UBND tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh đã có hàng chục ngàn hécta cây trồng bị thiếu nước tưới, ước thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Các địa phương phụ thuộc nguồn nước sông Ba là KBang, Đak Pơ, An Khê, Kông Chro, Ia Pa, Ayun Pa, Krông Pa có khoảng 5.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, hàng chục ngàn người thiếu đói. Mới đây nhất, các ngành chức năng huyện Krông Pa phát hiện hơn nửa cây số sông Ba đoạn qua xã Chư Ngọc bị hiện tượng phú dưỡng hóa, nổi váng, màu xanh rêu, bốc mùi tanh.
Dòng sông Ba đoạn qua huyện Kbang, thị xã An Khê bị cạn kiệt, bốc mùi hôi thối.
Điều mà ai cũng thấy là, kể từ khi sông Ba bị nhà máy thủy điện An Khê-Ka Nak chặn nước, nắn dòng thì nhân dân vùng hạ du chưa lúc nào thoát cảnh khổ. “Trách nhiệm của lãnh đạo địa phương nơi xây dựng nhà máy thủy điện rất quan trọng. Địa phương cần phải bắt buộc chủ đầu tư cam kết duy trì dòng chảy hạ lưu con sông nơi xây dựng công trình thủy điện để tránh việc trốn trách nhiệm”, ông Nguyễn Thanh Cao-Chủ tịch Liên hiệp hội Khoa học-Kỹ thuật Kon Tum nêu quan điểm.
Người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa Tây nguyên, Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Vân-Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai nói: “Đời sống người dân Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng gắn liền với nguồn nước. Khi nguồn nước bị ô nhiễm và cạn kiệt, người dân buộc phải tìm cách thích nghi mới. Muốn hay không, nhiều tập quán đẹp trong truyền thống văn hóa của họ sẽ dần biến mất. Cứu sông chính là cứu những truyền thống văn hóa, những làng nghề đánh cá và cuộc sống của hàng triệu cư dân địa phương”.
Sông Ba hay còn gọi là sông Đà Rằng, dài 374 km, bắt nguồn từ dãy núi Ngọc Rô có độ cao 1.549m, chảy theo hướng Bắc-Nam qua các huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum), KBang, Đak Pơ, An Khê, Kông Chro, Ia Pa, Ayun Pa (tỉnh Gia Lai), chuyển sang hướng Tây Bắc-Đông Nam qua huyện Krông Pa (Gia Lai) rồi đi vào địa phận Phú Yên theo hướng Tây-Đông, đổ ra biển Đông ở cửa biển Đà Diễn.