Vàng tăng, lãi suất khó giảm, tỷ giá dịu lại

Diễn biến tỷ giá đang theo chiều hướng thuận lợi
Diễn biến tỷ giá đang theo chiều hướng thuận lợi
TPO - Thị trường tiền tệ tuần qua, lãi suất tăng nhẹ trên liên ngân hàng (LNH) và ổn định ở thị trường 1 (dân cư tổ chức). USD và EUR giảm giá, VND cùng với hầu hết các đồng tiền khác phục hồi.

Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hút ròng 3.179 tỷ đồng chủ yếu bằng tín phiếu, đẩy số lượng tín phiếu lưu hành lên xấp xỉ 68 nghìn tỷ đồng. Thanh khoản vẫn dồi dào khiến lãi suất trên liên ngân hàng giảm nhẹ ở các kỳ hạn ngắn, hiện ở mức 3.1%/năm với kỳ hạn qua đêm và 3.28%/năm với kỳ hạn 1 tuần. Ngược lại, kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng tăng nhẹ. 

Lãi suất huy động thị trường 1 vẫn duy trì ổn định ở mức 4.1%-5.5% với kỳ hạn dưới 6 tháng; 5.5-7.45% với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng; và 6.4-7.8%/năm với kỳ hạn 12,13 tháng trừ một số ngân hàng có thị phần huy động nhỏ đưa ra mức lãi suất trên 8%/năm. 

Theo thông tin từ NHNN, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tại cuối tháng 4/2019 của khối các NHTM nhà nước và khối các NHTM cổ phần lần lượt ở mức 31% và 31.5%- giảm so với mức 31.6% và 32.9% tại cuối tháng 2/2019. 

Mức giới hạn tối đa của chỉ tiêu này hiện tại là 40% nhưng tại dự thảo thông tư thay thế thông tư 36, NHNN đưa ra lộ trình giảm về mức 30% trong vòng 2 hoặc 3 năm tới. Lãi suất với các kỳ hạn dài (từ 12 tháng trở lên) vì thế vẫn khó giảm, thậm chí có thể tăng nhẹ theo các chương trình ngắn hạn để thực hiện các mục tiêu bán niên tại 30/6/2019 của các ngân hàng. 

Tâm điểm tuần qua là kỳ họp tháng 6 của FED với quyết định giữ nguyên lãi suất 2.25-2.5% nhưng thể hiện quan điểm nới lỏng tiền tệ, giới quan sát cho rằng gần như chắc chắn FED sẽ hạ lãi suất vào tháng 7 tới. Lợi tức TPCP Mỹ tiếp tục giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn, hiện kỳ hạn 10 năm đã chạm mốc 2%/năm – mức thấp nhất trong 2.5 năm trở lại đây và hiện vẫn thấp hơn kỳ hạn 3 tháng. 

Không chỉ FED, Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) cũng phát tín hiệu hạ lãi suất và khả năng tái khởi động chương trình nới lỏng định lượng nếu lạm phát tiếp tục thấp xa so với mức mục tiêu 2%. Trước đó, lãi suất cơ bản cũng đã được cắt giảm xuống mức thấp kỷ lục tại Australia, Ấn Độ. 

Với động thái nới lỏng tiền tệ rõ nét hơn của FED và ECB, cả đồng USD và EUR đều giảm giá khá mạnh so với hấu hết các đồng tiền khác. GBP, JPY, CNY, CAD, KRW tăng giá lần lượt 1%, 1.3%, 1.1%, 1.8% và 2%. Chỉ số DXY mất mốc 97 và giảm mạnh về 96.1, tỳ giá USD/CNY ở mức 6.87. 

Diễn biến quốc tế thuận lợi, nguồn cung ngoại tệ trong nước khá dồi dào do dòng vốn FDI và cán cân thương mại nửa đầu tháng 6 tương đối khả quan khiến cho VND tiếp tục có một tuần hồi phục. Tỷ giá giao dịch USD/VND giảm 35 đ/USD trên ngân hàng về mức 23.230/23.350 và giảm 30đ/USD trên thị trường tự do, về mức 23.280/23.300. 

Như vậy, kể từ đầu tháng 6 đến nay, VND đã tăng giá 0.56% so với USD, giảm mức mất giá của VND từ 0.84% tại cuối tháng 5 xuống chỉ còn 0.28% so với cuối năm 2018. Tỷ giá trung tâm giảm 4đ/USD, ở mức 23.055đ/USD.

Nóng nhất tuần qua là diễn biến giá vàng khi mặt hàng này tiếp tục tăng mạnh, chạm đỉnh gần 6 năm qua, hiện ở mức 1.407 USD/oz, khiến cho giá vàng trong nước cũng tăng mạnh lên 38.37 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 38.65 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, tăng gần 1 triệu đồng/lượng so với cuối tuần trước. 

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.