Tăng theo động thái của FED
Tuần này diễn biến tỷ giá USD/VND có biểu hiện tăng khá mạnh. Trong 3 ngày từ 14 đến 16/9, mức giá USD bán ra của một số ngân hàng thương mại đã lên 22.540 đồng, tăng 30 đồng so với đầu tuần và chỉ cách mức trần một bước nhỏ 7 đồng. Sau khi dấu hiệu giá USD tăng mạnh và tiếp tục “nóng” trong ngày 15/9, hôm 16/9, tỷ giá USD/VND niêm yết tại các ngân hàng theo chiều hướng đi ngang. Nói với PV Tiền Phong, anh Nguyễn Đường (sàn chứng khoán PSI - Hà Nội) chia sẻ: Đợt rồi, tôi gom được vài chục ngàn USD đang tính bán ra kiếm ít lợi nhuận nhưng không biết giá USD có lên nữa không. “Mấy hôm nay thấy giá USD trong ngân hàng tăng mạnh, trong khi ngoài thị trường tự do, tình hình vẫn khá yên tĩnh?”- anh Đường kể.
Từ tuần trước, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế của MaritimeBank nhận định: Có thể sẽ xuất hiện một đợt sóng ngắn của tỷ giá VND/USD và có liên quan đến cuộc họp chính sách tháng 9 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) diễn ra trong 2 ngày 16-17/9. “Dựa trên những kịch bản về biến động của thị trường quốc tế, chúng tôi cho rằng, thị trường ngoại tệ Việt Nam sẽ đón nhận một đợt sóng tỷ giá ngắn và có mức độ biến động ít hơn so với đợt sóng tỷ giá khi Trung Quốc hạ giá đồng Nhân dân tệ”, Trung tâm này nhấn mạnh.
Chọn găm giữ gì?
Với cam kết duy trì mức tăng giá USD không quá 2%/năm của Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm tới nay, rất nhiều người dân đã lựa chọn gửi tiết kiệm VND thay vì găm giữ USD hoặc vàng. Nguyên nhân bởi chênh lệch lãi suất tiết kiệm giữa VND và USD đủ lớn để nhìn ra lợi thế khi giữ VND. Tuy nhiên, sau 2 lần điều chỉnh tỷ giá, 2 lần điều chỉnh biên độ dao động, tỷ giá VND/USD đã tăng tới 5% kể từ đầu năm đến cuối tháng 8. Khá nhiều người cho biết, đã muốn chuyển sang giữ vàng, hoặc USD.
Nếu so sánh với giá vàng đầu năm nay (ngày 1/1) ở ngưỡng 34,95 – 35,15 triệu đồng/lượng với mức giá 33,84- 34,06 triệu đồng/lượng (16/9) thì những ai giữ vàng mua đầu năm đến lúc này đã thiệt chừng 1,1 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, nếu so với lúc giá vàng lên “đỉnh” trong lịch sử là 48,5 triệu đồng (24/8/2011) thì sau 4 năm người “găm” giữ vàng đã mất đi chừng 13,6 triệu đồng/lượng. Giá vàng rẻ hơn trước đây rất nhiều.
Chọn kênh nào để giữ tiền? PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia khuyên: Với vàng, ngoại tệ và cả chứng khoán, những người có tiền nhàn rỗi muốn bỏ vốn đầu tư cần tìm hiểu thị trường, nắm rõ diễn biến giá cả trên thị trường thế giới và các thông tin liên quan để hạn chế rủi ro. Còn cách an toàn nhất là tiếp tục nhờ ngân hàng giữ hộ để hưởng lãi suất 5,5 – 7%/năm hiện nay. “Với vàng, khả năng sẽ giảm giá thêm, không nên vội mua khi giá xuống ở thời điểm hiện nay”, ông Ngân lưu ý.
Khảo sát tại các ngân hàng (Sacombank, Agribank), nhân viên giao dịch của các ngân hàng này cho biết, thời gian qua, có nhiều khách đến rút tiền gửi tiết kiệm sau đáo hạn và lập tức chuyển khoản sang giao dịch bất động sản.
Thống kê của Kitco.com (chuyên trang về giá vàng thế giới), tính từ 4/2013 đến nay, giá vàng đã giảm khoảng 40%. Đi kèm, hơn 54 tỷ USD đã bốc hơi khỏi các quỹ ETP vàng (quỹ giao dịch trao đổi sản phẩm tài chính) kể từ đó đến nay. Hơn 2,6 tỷ USD đã tháo chạy khỏi các quỹ ETP vàng trong 3 tuần qua khi giới đầu tư chờ phiên họp chính sách của FED diễn ra vào ngày 16-17/9.