10 nền kinh tế có giá xăng thấp nhất thế giới

Mỹ nằm trong top những quốc gia có giá xăng rẻ nhất thế giới.
Mỹ nằm trong top những quốc gia có giá xăng rẻ nhất thế giới.
Dưới đây là 10 nền kinh tế có giá xăng thấp nhất trong bảng xếp hạng gồm 61 quốc gia và vùng lãnh thổ của hãng tin Bloomberg.

10. Mỹ

Giá xăng: 2,74 USD/gallon (16.200 đồng/lít)
Tỷ lệ thu nhập hàng ngày để mua 1 gallon xăng: 1,8%
Tỷ lệ thu nhập hàng năm dành cho đổ xăng: 2,1%

Với thu nhập cao và giá xăng vào hàng rẻ nhất thế giới, người Mỹ không có nhiều lý do để phàn nàn tại các trạm bơm xăng. Không một quốc gia nào trên thế giới tiêu thụ xăng mạnh như Mỹ. Trung bình mỗi ngày, người Mỹ “đốt” 1,2 gallon (1 gallon tương đương khoảng 3,8 lít) xăng/người, cao hơn nhiều so với bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.

Thu nhập trung bình hàng ngày của người Mỹ là 155 USD, nên để mua 1 gallon xăng, họ phải bỏ ra 1,8% thu nhập hàng ngày.

9. Nga

Giá xăng: 2,36USD/gallon (14.000 đồng/lít)
Tỷ lệ thu nhập hàng ngày để mua 1 gallon xăng: 10,5%
Tỷ lệ thu nhập hàng năm dành cho đổ xăng: 2,5%

Nền kinh tế Nga đang cùng lúc đương đầu với lệnh trừng phạt cua phương Tây, giá dầu giảm sâu, và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước đi xuống. Nga là nước sản xuất dầu thô lớn thứ ba thế giới và cũng là một trong những nước có giá xăng rẻ nhất. 

Tuy vậy, với thu nhập trung bình của người Nga chỉ là 22 USD/ngày, nên người Nga phải mất tới 10,5% thu nhập hàng ngày để mua 1 gallon xăng.

8. Malaysia

Giá xăng: 2,08USD/gallon (12.300 đồng/lít)
Tỷ lệ thu nhập hàng ngày để mua 1 gallon xăng: 7,1%
Tỷ lệ thu nhập hàng năm dành cho đổ xăng: 2%

Nhờ chính sách trợ cấp giá xăng dầu của Malaysia nên người dân nước này được hưởng giá xăng vào hàng rẻ nhất thế giới. Tuy vậy, nền kinh tế Malaysia hiện đang gặp nhiều thách thức do sự giảm tốc mạnh của nền kinh tế Trung Quốc.

Thu nhập trung bình ở Malaysia là 29 USD/ngày, nên để mua 1 gallon, người dân nước này phải chi 7,1% thu nhập hàng ngày.

7. Nigeria

Giá xăng: 1,66 USD/gallon (9.800 đồng/lít)
Tỷ lệ thu nhập hàng ngày để mua 1 gallon xăng: 21%
Tỷ lệ thu nhập hàng năm dành cho đổ xăng: 0,9%

Nigeria là một trong những quốc gia thiệt hại nhiều nhất khi giá dầu giảm sâu. Dầu thô chiếm 75% thu ngân sách của Nigeria và Chính phủ nước này sử dụng một phần không nhỏ trong nguồn thu này để trợ giá xăng dầu. Chính vì vậy, Nigeria thiếu vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng và giáo dục để phát triển kinh tế.

Tuy là nước sản xuất dầu thô lớn nhất châu Phi, Nigeria vẫn thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu xăng do quản lý yếu kém. Thu nhập trung bình hàng ngày của người Nigeria là 7,9 USD.

6. Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE)

Giá xăng: 1,66 USD/gallon (9.800 đồng/lít)
Tỷ lệ thu nhập hàng ngày để mua 1 gallon xăng: 1,6%
Tỷ lệ thu nhập hàng năm dành cho đổ xăng: 0,8%

Kể từ khi dầu được phát hiện ở UAE vào thập niên 1960, quốc gia vùng Vịnh này đã phát triển thành một trong những quốc gia giàu có và có mức sống cao nhất thế giới. Trong suốt nhiều thập kỷ, UAE chi hàng tỷ USD mỗi năm để trợ cấp giá xăng dầu, nhưng chính sách này đang dần thay đổi và giá xăng dầu ở UAE đã được có sự liên hệ với giá thị trường.

Thu nhập trung bình hàng ngày của người UAE là 104 USD.

5. Iran

Giá xăng: 1,31USD/gallon (7.800 đồng/lít)
Tỷ lệ thu nhập hàng ngày để mua 1 gallon xăng: 9,6%
Tỷ lệ thu nhập hàng năm dành cho đổ xăng: 1,9%

Nhiều năm chịu lệnh trừng phạt của quốc tế liên quan tới chương trình hạt nhân, Iran đã chứng kiến nguồn thu từ xuất khẩu dầu của nước này cạn kiệt. Tình hình ngân sách bi đát, Iran đã phải cắt giảm trợ cấp giá xăng dầu từ năm 2010. Tuy vậy, đến nay, Iran vẫn là một trong nước trợ câp giá xăng dầu mạnh nhất thế giới.

Thu nhập trung bình 14 USD/ngày, người Iran mất 9,6% thu nhập hàng ngày để đổ 1 gallon xăng.

4. Ai Cập

Giá xăng: 1,29 USD/gallon (7.600 đồng/lít)
Tỷ lệ thu nhập hàng ngày để mua 1 gallon xăng: 14,3%
Tỷ lệ thu nhập hàng năm dành cho đổ xăng: 0,9%

Bất ổn ngân sách hiện nay của Ai Cập được cho là xuất phát từ chính sách trợ giá xăng dầu. Quốc gia đông dân nhất thế giới Arab này chi khoảng 13 tỷ USD mỗi năm cho trợ cấp giá xăng dầu. Chính phủ Ai Cập đã nhiều lần tính chuyện cắt giảm trợ cấp giá xăng dầu, nhưng thất bại vì vấp phải sự phản đối mạnh của người dân.

Tuy giá xăng rẻ nhưng thu nhập trung bình của người Ai Cập chỉ ở mức hơn 9 USD/ngày, nên họ mất tới trên 14% thu nhập hàng ngày để mua 1 gallon xăng.

3. Kuwait

Giá xăng: 0,75 USD/gallon (4.400 đồng/lít)
Tỷ lệ thu nhập hàng ngày để mua 1 gallon xăng: 0,8%
Tỷ lệ thu nhập hàng năm dành cho đổ xăng: 0,7%

Kuwait là một trong những quốc gia trợ cấp giá xăng dầu nhiều nhất thế giới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo nước này sẽ gặp thách thức về ngân sách nếu tiếp tục duy trì chính sách như vậy. Dầu thô hiện đóng góp khoảng một nửa GDP của Kuwait, đồng thời chiếm 95% kim ngạch xuất khẩu và thu ngân sách của Chính phủ nước này.

Đổ đầy bình không phải là chuyện khó đối với người Kuwait. Thu nhập trung bình hàng ngày ở mức 90 USD đủ để người Kuwait mua 120 gallon xăng. Người Kuwait cũng có mức tiêu thụ xăng lớn thứ ba thế giới, sau người Mỹ và người Canada.

2. Saudi Arabia

Giá xăng: 0,45 USD/gallon (2.700 đồng/lít)
Tỷ lệ thu nhập hàng ngày để mua 1 gallon xăng: 0,8%
Tỷ lệ thu nhập hàng năm dành cho đổ xăng: 0,6%

Là nước sản xuất dầu lớn nhất trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), Saudi Arabia không tiếc tay chi tiền trợ cấp giá xăng. Người Saudi Arabia cũng nằm trong top tiêu thụ nhiều xăng nhất thế giới, và mỗi gallon chỉ tiêu tốn 0,8% trong thu nhập trung bình hàng ngày 57 USD của họ.

1. Venezuela

Giá xăng: 0 USD/gallon
Tỷ lệ thu nhập hàng ngày để mua 1 gallon xăng: 0%
Tỷ lệ thu nhập hàng năm dành cho đổ xăng: 0%

Giá xăng gần bằng 0 là một đặc quyền mà người dân Venezuela được hưởng. Thực ra, giá xăng ở quốc gia Nam Mỹ này vào khoảng 0,13 cent Mỹ/gallon. Để đổ đầy xăng cho một chiếc Chevy Suburban có dung tích bình 39 gallon ở Venezuela chỉ mất khoảng 5 cent (1 USD = 100 cent). Lượng xăng này có giá gần 107 USD ở Mỹ và hơn 300 USD ở Nauy.

Đổ đầy bình còn rẻ hơn một cốc cà phê, nên người Venezuela thoải mái chạy những chiếc xe ngốn xăng như nước lã. Có thể nói, Venezuela là một nước nghèo, nhưng tiêu thụ xăng như một “gã nhà giàu” đích thực.

Theo Theo VnEconomy
MỚI - NÓNG
Địa ốc 24H: Chuyển nhượng NƠXH vẫn phải đóng tiền đất; hơn 12.000 căn hộ tái định cư bỏ trống
Địa ốc 24H: Chuyển nhượng NƠXH vẫn phải đóng tiền đất; hơn 12.000 căn hộ tái định cư bỏ trống
TPO - Cảnh hoang vắng, đìu hiu trong khu tái định cư Thủ Thiêm; Chưa thực hiện miễn tiền sử dụng đất khi chuyển nhượng NƠXH; Huyện sắp lên quận ở Hà Nội bổ sung hơn 760ha đất làm loạt khu đô thị mới; Ngân hàng nước ngoài được cấp bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai;… là những thông tin nổi bật của Bản tin Địa ốc 24H ngày 6/11.