Nhà văn đương đại di cư ngôn ngữ

Từ trái sang: Linda Lê, Đinh Linh, Monique Trương, Nam Lê
Từ trái sang: Linda Lê, Đinh Linh, Monique Trương, Nam Lê
TP - Thế kỉ XX, Việt Nam hai lần làm di cư, lớn nhất và phức tạp nhất phải là từ thời điểm khi đất nước thống nhất. Nhiều đợt di cư khác nhau với nhiều tâm thế khác nhau của các bộ phận người khác nhau. Và đã có nhiều tác giả đương đại gốc Việt thành công qua các giải thưởng uy tín. 

Riêng văn giới, nếu nhà văn thế hệ đầu tiên như: Nguyễn Mộng Giác, Tô Thùy Yên, Võ Phiến… chỉ viết bằng tiếng mẹ đẻ, thì thế hệ sau đó đã khác đi rất nhiều. Họ có thể sáng tác song ngữ, như Đinh Linh, Nguyễn Quí Đức, Đỗ Kh… hoặc hoàn toàn chuyển sang ngôn ngữ mới: Mộng Lan (tiếng Anh), Linda Lê (tiếng Pháp)…

Tạm liệt kê vài tác giả đương đại gốc Việt thành công qua vài giải thưởng uy tín.

Monique Trương sinh năm 1968 tại Sài Gòn, di cư qua Mỹ cùng gia đình sau 1975, hiện sống tại Blooklyn – New York. The Book of Salt (Sách muối) kể câu chuyện về một đầu bếp Việt Nam sau những năm phục dịch ở Paris, phải quyết định ở lại (Pháp), đi (Mỹ) hay trở về Việt Nam. Tác phẩm giành Giải thưởng "Barbara Gittings Book Award in Literature" của Hiệp hội Thư viện Hoa Kì và Giải PEN/ Robert W. Bingham năm 2004.

We Should Never Meet (Ta không bao giờ nên gặp nhau) tác phẩm đầu tay của Aime Phan viết về những đứa trẻ Việt Nam được đáp máy bay qua Mỹ, trong đó nhân vật Kim không hướng tâm là người cha Mỹ-da trắng mà là người mẹ Việt- da vàng, một chọn lựa “đầy tai ương” (chữ dùng của Nguyễn Hương).

Tác phẩm đoạt giải Sách Quý của Kiryama Prize về tiểu thuyết, cùng lúc vào chung khảo giải Văn chương Mỹ gốc Á năm 2005 (Asian American Literary Awards). Aime Phan là nhà văn thuộc thế hệ thứ hai sinh ra và lớn lên ở đất nước định cư, hiện ở Orange County - California nơi có nhiều người Việt sinh sống. Aime Phan vừa ra tác phẩm thứ hai: The Reeducation of Cherry Truong (Sự cải tạo của Chery Truong) là một “khám phá sâu sắc sự giao tiếp giữa lịch sử và trái tim nhân bản”. 

Nam Lê sinh ở Sài Gòn và lớn lên ở Melbourne – Úc, hai lần nhận Giải thưởng Văn học Anh Dylan Thomas danh giá. Lần thứ hai dành cho tập truyện ngắn gồm 7 truyện có tên The Boat (Con tàu).

Lối kể chuyện của Nam Lê độc đáo đến nỗi Chủ tịch Ban giám khảo Peter Florence nhận định: "Dưới con mắt của Ban giám khảo, Nam Lê là một hiện tượng văn chương phi thường." Mới nhất, Uyên Nicole Dương với cuốn tiểu thuyết đa văn hóa Mimi and Her Mirror (Mimi và chiếc Gương) do AmazonEncore xuất bản, đoạt giải nhất trong cuộc thi Giải thưởng sách Quốc tế International Book Awards 2012. 

Wiliiam Grime trong bài “Di cư ngôn ngữ ở nhà văn” (The NewYork Times, 25/4/2014) thuật lại chuyện nhà văn Francesca Marciano trong tiểu thuyết Một ngôn ngữ khác kể về một thiếu nữ Ý tên Emma si tình tiếng Anh. Cô theo dõi miệt mài các cuộc nói chuyện hằng ngày của người Mỹ, chăm chú lắng nghe những đĩa nhạc của Joni Mitchell. Và rồi không bao lâu, tình yêu ngôn ngữ của cô gái được đền đáp: Cô thấy mình có thể nói và hiểu được tiếng Anh một cách dễ dàng. Bị dịch chuyển, cô bước vào một cuộc sống khác.

"Chị không biết mình đã chối bỏ những gì", người kể chuyện trong tác phẩm của Marciano nhận xét, "nhưng một ngôn ngữ khác chính là chiếc thuyền mà chị dùng để trốn chạy". Còn Nadeem Aslam - tác giả của Khu vườn của Người đàn ông mù lòa, người vật lộn với tiếng Anh khi gia đình ông di cư sang Anh từ Pakistan vì lý do chính trị lúc còn là một thiếu niên. Ông nói: “Tiếng Anh đối với tôi là một thứ ngôn ngữ của hận thù, đồng thời lại là một thứ ngôn ngữ của tình yêu”.

Ngôn ngữ của hận thù, bởi đối với nhà văn không thèm khát nào lớn hơn là có được một lượng lớn độc giả khả dĩ. Hỏi thơ tiếng Việt của Đinh Linh (nhà văn gốc Việt hiện sống tại Mỹ) có bao nhiêu độc giả đón nhận trong số lượng người Việt di cư đang sống ở Mỹ mà người sành tiếng Việt tuổi ngày càng cao, dân số ngày càng rơi rụng, nếu anh không chọn tiếng Anh làm phương tiện diễn đạt chính yếu?

Ngôn ngữ của hận thù nhưng không thể không là ngôn ngữ của tình yêu, bởi vì nếu không yêu thì nhà văn không thể nhập tâm vào ngôn ngữ nào đó để sáng tạo.

Nhà văn đương đại di cư ngôn ngữ ảnh 1 Aime Phan

Ngôn ngữ là ngôn ngữ của hận thù, của tình yêu hay chỉ là một phương tiện trốn chạy… nhà văn vẫn giành cho mình quyền tự do chọn lựa. Bởi dẫu sao không phải tất cả nhà văn di cư đều bị cuốn hút về phía “trung tâm”, để chỉ sử dụng ngôn ngữ có tầm phổ quát rộng trên thế giới viết văn, làm thơ, mà có khi ngược lại.

Nếu Thuận (nhà văn gốc Việt hiện sống tại Pháp) trước hết viết bằng tiếng Việt, sau đó tự chuyển dịch tác phẩm mình ra tiếng Pháp mà theo chị, dịch là một cách sáng tạo lại – nhất là dịch chính tác phẩm của mình. Thì không ít nhà văn Việt Nam di cư thuộc thế hệ một rưỡi và sau đó vẫn kiên trì sáng tác [thành công] bằng tiếng Việt: Nguyễn Hoàng Tranh, Lưu Diệu Vân… là rất điển hình.

Rồi ngay cả người đã thành công trong sáng tác tiếng Anh như một Uyển Nicole Dương cũng đang có hướng quay trở lại viết bằng tiếng mẹ đẻ của mình; cho dù - như chị tâm sự: “Tôi ngậm ngùi cho chính mình: một số ít tác phẩm của tôi do chính tôi viết lại bằng tiếng Việt có rất ít người đọc hay nhắc tới trong cộng đồng Việt Nam” (Dương Như Nguyện, “Ý nghĩa của tựa truyện “Postcards from Nam” và quan niệm về dịch thuật, diễn giải, diễn tả, và diễn đạt văn chương”, Vietbang.com, 31/1/2014).

Thế giới phẳng, toàn cầu hóa, trào lưu hậu hiện đại giải lãnh thổ hóa… mở ra vô vàn cánh cửa cho nhà văn hôm nay thoải mái và vô ngại trong chọn lựa để di cư ngôn ngữ. Từ đó họ có thể tuyên bố cả quyết như Đinh Linh trong một cuộc trả lời phỏng vấn rằng: “Thật sự thì tôi là hai nhà văn, một Mỹ, một Việt. Tôi viết bằng tiếng Việt vì tôi gắn bó với số mệnh của nước Việt. Tôi viết bằng tiếng Anh vì tôi gắn bó với số mệnh của nước Mỹ”.

Phải chăng với các nhà văn mà ngôn ngữ dân tộc không [hay chưa] ở thế thượng phong trong thời đại toàn cầu hóa, sáng tác song ngữ truyền thống – một truyền thống từng tồn tại trong văn học các nước Đông Nam Á suốt thời Trung Đại – đang trở lại?

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.