Văn Mai Hương lộ video nhạy cảm: Giật mình lỗ hổng an ninh từ camera giám sát

Hacker chỉ cần đánh cắp mật khẩu wifi hoặc địa chỉ IP camera giám sát là có thể chiếm quyền kiểm soát hệ thống dữ liệu. Ảnh minh họa
Hacker chỉ cần đánh cắp mật khẩu wifi hoặc địa chỉ IP camera giám sát là có thể chiếm quyền kiểm soát hệ thống dữ liệu. Ảnh minh họa
TP - Sau sự vụ nhiều clip nhạy cảm được trích xuất từ camera an ninh nhà riêng của một nữ ca sỹ bị phát tán lên mạng, nhiều người bỗng giật mình lo lắng trước nguy cơ bị xâm phạm đời tư do lỗ hổng bảo mật của loại thiết bị này…

Phản chủ

Ngày nay, camera giám sát được xem như là một công cụ an ninh chủ đạo trong việc phòng chống tội phạm, giám sát sản xuất, kinh doanh, giám sát con cái học hành hoặc người giúp việc, trông trẻ của các gia đình…

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại camera giám sát khác nhau, với đủ loại giá thành từ vài trăm nghìn đồng cho đến vài triệu đồng tùy vào thương hiệu và chất lượng hình ảnh, tính năng cũng như bộ lưu trữ dữ liệu. Loại camera phổ biến nhất hiện nay mà các hộ gia đình lựa chọn là camera IP kết nối qua mạng internet. Loại camera này có giá thành rẻ và lắp đặt cũng đơn giản, chỉ cần kết nối nguồn điện và wifi…

Tuy nhiên, người dùng loại thiết bị giám sát này đang đứng trước rủi ro rò rỉ thông tin. Nhiều hệ thống camera đã bị các đối tượng xấu xâm nhập, lấy cắp thông tin. Khi lấy được thông tin, hình ảnh nhạy cảm trong hệ thống camera, kẻ gian có thể khai thác gây ra những hậu quả khó lường, như trường hợp một nữ ca sỹ bị phát tán nhiều clip nhạy cảm được trích xuất từ camera an ninh nhà riêng mới đây.

 “Đối với các loại camera giá rẻ này, nguy cơ bị đánh cắp thông tin, bị theo dõi ngược cao hơn do nhà sản xuất ít chú trọng cho khâu bảo mật của thiết bị. Kẻ xấu chỉ cần đánh cắp địa chỉ IP của camera, hoặc pass wifi mà camera đó kết nối thì chúng có thể dễ dàng đột nhập vào hệ thống và chiếm quyền điều khiển thiết bị. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, người dùng nên chọn mua camera an ninh của những thương hiệu có trang bị tính năng mã hóa dữ liệu”- anh Tuấn Anh, một người kinh doanh thiết bị camera an ninh tại Hà Nội, nói.

Trong khi đó, một thượng tá- chuyên gia về an ninh mạng cho hay, có nhiều nguồn nguy cơ  dẫn đến bị mất dữ liệu camera an ninh, bao gồm người sử dụng để lộ mật khẩu; kỹ thuật viên lắp đặt lấy cắp, để lộ mật khẩu; hacker tấn công…

“Tuy nhiên, hacker thường tấn công có mục đích và nhắm vào các hệ thống có nhiều dữ liệu giá trị nhằm chiếm đoạt tài sản, ít khi tấn công vào hệ thống camera an ninh của hộ gia đình. Vì vậy, tôi cho rằng trường hợp dữ liệu camera của nhiều năm trước bị tung lên mạng vào thời điểm này thì khả năng cao do lộ pass và dữ liệu đã bị đánh cắp từ lâu” - vị thượng tá này nhận định.

Lỗ hổng an ninh mạng nhiều nhất tại Việt Nam

Liên quan vấn đề bảo mật của camera an ninh, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin & Truyền thông từng cảnh báo, camera an ninh là một trong những thiết bị có lỗ hổng an ninh mạng nhiều nhất tại Việt Nam, có đến hơn 310.000 thiết bị có lỗ hổng gây nguy cơ mất an toàn thông tin.

Trước nhiều vụ việc dữ liệu camera an ninh bị kẻ xấu đánh cắp thời gian qua, Công an Hà Nội đã phát đi thông báo lưu ý người dân một số vấn đề để đảm bảo an toàn thông tin khi lắp đặt camera an ninh.

Cụ thể, khi lựa chọn vị trí lắp đặt camera phù hợp, nếu không quá cần thiết thì không nên đặt camera ở những nơi “nhạy cảm” như phòng ngủ, phòng thay đồ. Khi lắp đặt camera an ninh, phải thay đổi các thông số mặc định như tên người dùng, mật khẩu... để tránh trường hợp bị xâm nhập. Người dùng không chủ động đổi mật khẩu là nguy cơ lớn nhất mà camera cá nhân bị xâm nhập.

Đặc biệt, nên chọn camera có chứng nhận, xuất xứ đảm bảo, không nên mua hàng rẻ từ những thương hiệu nhái hoặc hàng trôi nổi. Không cung cấp tài khoản, mật khẩu quản trị camera cho nhiều người hoặc người lạ.

Mồi ngon của tin tặc

Theo ông Nguyễn Minh Đức, CEO của Công ty Cổ phần An toàn thông tin CyRadar, hiện nay chưa có phần mềm bảo mật dành riêng cho camera, việc đảm bảo an toàn thông tin phụ thuộc nhiều vào người dùng. Để hạn chế nguy cơ bị tấn công, người dùng không để mật khẩu mặc định, hoặc mật khẩu dễ đoán, chỉ để lại tài khoản của mình, xoá các tài khoản không dùng đến.

Trên diễn đàn an ninh mạng Whitehat, thành viên Diepvt88 chia sẻ, các vụ tấn công mạng đang xảy ra rất phổ biến và nhắm vào các thiết bị IoT (các thiết bị kết nối như camera, ổ khóa thông minh) trong gia đình. Một số tình huống có thể dẫn đến bị theo dõi qua camera như sự dễ dãi của chủ nhà khi chia sẻ mật khẩu wifi cho bạn bè, hàng xóm hay việc giữ nguyên mật khẩu sau khi lắp đặt.

Nghiên cứu từ hãng bảo mật Kaspersky cho thấy, có 105 triệu vụ tấn công mạng vào thiết bị thông minh (trong đó có camera) trong 6 tháng đầu năm 2019, gấp hơn 8 lần so với cùng kỳ năm 2018. Ông Dan Demeter, nhà nghiên cứu bảo mật tại Kaspersky, nói: “Khi thiết bị thông minh trở nên ngày càng phổ biến với chúng ta thì các cuộc tấn công IoT cũng gia tăng nhanh chóng.

Với số lượng cuộc tấn công và tội phạm mạng ngày càng tăng cao, chúng tôi nhận thấy IoT là lĩnh vực béo bở cho tin tặc - kể cả dùng các phương thức nguyên thủy nhất, như đoán mật khẩu để đăng nhập. Điều này dễ hơn nhiều so với suy nghĩ của hầu hết người dùng. Động tác thay đổi mật khẩu khá dễ dàng, vì vậy chúng tôi khuyên người dùng nên thực hiện việc này để bảo vệ các thiết bị thông minh của mình”.

Theo báo cáo của chuyên trang Precisesecurity, xu hướng dùng camera giám sát rất phổ biến trên thế giới. Tại Mỹ, cứ 100 người thì có 15,28 camera, ở Trung Quốc là 14,63 camera. Trung Quốc có hơn 200 triệu camera. Tại Việt Nam, xu hướng phát triển camera ngày càng phổ biến.

MỚI - NÓNG