Nhưng xét cho cùng, thiết bị công nghệ cũng chỉ hé lộ mặt trái của lòng người mà thôi. Khi nào chúng ta ngừng tò mò, ngừng phán xét, ngừng lấy sự đau khổ của người khác làm thú giải trí… thì hacker mũ đen cũng tự nhiên tuyệt chủng.
Tại sao lại đi nhòm ngó nhà người khác khi chính mình ở nhà cũng làm chừng ấy việc là cùng. Đó chính là vì còn sự phân biệt giữa ta và tha nhân, mà Phật giáo coi là tâm phân biệt. “Hơn nhau tấm áo manh quần/ Cởi ra mình trần ai cũng như ai”. Học giả Duyên Hạc phân tích, áo quần cũng như địa vị xã hội, bằng cấp, quyền thế, uy tín, tài sản, dư luận khen chê… đều là những thứ “giả tướng” gán thêm vào tự thân con người: “Tâm phân biệt của người dung tục thế gian đã căn cứ vào giả tướng để đối xử với nhau trong trong sinh hoạt hàng ngày, căn cứ vào những thứ bám víu vào nhau để sống chung với nhau, không căn cứ vào nhân tính, vào tự thân chân thực của nhau trong cuộc sống cộng đồng tập thể, từ gia đình đến xã hội. Nguyên do là si mê, thiển cận, chỉ nhìn thấy cái vỏ bên ngoài mà không thấy cái cốt lõi bên trong. Do đó nảy sinh ra phiền não, lo sợ, nghi ngờ. Chính đó là nguồn gốc của đau khổ trong tâm thức người”.
Khi hình ảnh trong nhà của Văn Mai Hương bị tung lên thì cô chính là người phiền não đầu tiên, sau đó là những người hiểu lương tri. Và khi pháp luật được thực thi, thủ phạm cũng sẽ phần nào nếm trải những phiền não họ đã gây ra cho người khác. Nhưng nhìn lại một số sự vụ còn kinh khủng hơn đã xảy ra trong showbiz thì người ở vị trí nạn nhân sau đó lại trở nên mạnh mẽ và thành công hơn. Tuy nhiên cũng có những người không vượt qua được. Chẳng qua vì họ xa rời hẳn chốn thị phi, để sự vô danh chôn vùi những nỗi đau…
Dân gian lại có câu: “Làm cho lắm thì tắm cũng ở truồng”. Đương nhiên là thế. Tắm mà mặc quần áo mới là bệnh, là mất vệ sinh. Ở truồng trong nhà kín cổng cao tường chả tội gì, ai đưa những hình ảnh đó ra ngoài thì đích thị mới là tội- có thể bị phạt từ 7 đến 12 năm tù. Nếu những hình ảnh đó mang tính đồi trụy, khiêu dâm thì số năm tù có thể đến 15. Chỉ cần đăng tải, chia sẻ thậm chí bấm “like” những hình ảnh đời tư kiểu này đã có thể bị phạt 10-20 triệu đồng. Còn nếu những hành động này được chứng minh nhằm làm nhục người khác, lập tức sẽ bị tù có thể tới 5 năm.
Tuy nhiên có thể thấy dân tình giờ đã văn minh hơn nhiều, khi làn sóng phản đối hacker và những kẻ thích dòm ngó phòng ngủ người khác nổi lên thành chủ lưu. Ai mà chả sợ có ngày giường ngủ của mình bị theo dõi từ xa. Mà trong thời buổi công nghệ 4.0 áp dụng tràn lan này, điều gì cũng có thể xảy ra. Một người bạn tôi dùng ứng dụng hẹn hò làm quen trên điện thoại bỗng dưng được đối phương là một người lạ hoắc lạ huơ gửi luôn cho cái ảnh chính bạn tôi đang mặc đồ tắm. Té ra chỉ cần chat với nạn nhân qua app, mà hacker sử dụng luôn được điện thoại của nạn nhân để vào lấy ảnh.
Điều gì sẽ xảy ra khi các vật dụng quanh ta từ tivi, điện thoại, xe cộ đến nồi niêu xoong chảo… đều trở nên thông minh hơn chủ nhân, tức là chúng ta không biết hết các chức năng của chúng mà cũng chẳng hoàn toàn điều khiển được chúng. Rồi đây lại có smart-home tức là toàn bộ căn nhà trở nên thông minh thì chúng ta đúng hơn sẽ ở vị trí “tù nhân” trong chính ngôi nhà của mình.
Mạng 5G có tốc độ truyền tín hiệu siêu nhanh, nghe nói gấp 100 lần so với công nghệ mạng hiện tại. Nó giúp các thiết bị kết nối liên tục, hoàn toàn không có độ trễ khi vận hành. Các hacker hẳn cũng thích điều này. 5G đang hứa hẹn đem đến cho nhân loại những tiện ích vượt trội như ô tô tự lái, trải nghiệm thực tế ảo tăng cường (để làm gì nhỉ, chán sống thật đến thế sao?)… Nhưng như đã nói, có miếng bánh nào là miễn phí, nhất bánh đây lại quá ngon.
Mới đây có báo đưa ý kiến của một chuyên gia làm việc cho WHO nói rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra các nghiên cứu về dân số nếu bức xạ điện thoại di động gây ra sự phát triển khối u ở người. Ông so sánh, phải mất ít nhất 20 đến 25 năm sau khi thuốc lá được sản xuất hàng loạt, người ta mới nhận thấy mối liên hệ giữa ung thư phổi và thuốc lá.
Vâng, không có gì cản trở bước tiến của con người trên hành trình tìm kiếm một cuộc sống tiện lợi hơn, nhàn nhã hơn. Dẫn đến việc phần lớn nhân loại sẽ chỉ việc hưởng thụ, không phải suy nghĩ gì. Máy móc làm việc hộ và trí tuệ nhân tạo quyết định giùm. Và số ít người đứng sau hệ thống này sẽ dễ dàng nắm quyền điều khiển. Tình trạng số đông khi đó liệu có giống bầy cừu có thể bị lột trần, thậm chí mổ thịt bất cứ lúc nào?!
Bao giờ thì chúng ta hiểu rằng nâng cấp trí huệ, tâm hồn, sự tương thân tương ái… của bản thân mới là cốt lõi. Chưa kể mọi loại công nghệ, máy móc tiện ích cũng đều dựa trên việc khai thác và lạm dụng tài nguyên có hạn trên Trái đất. Và nếu con người xứng đáng hoặc tự coi mình là một loại tài nguyên, thì cũng đừng nên để bị lạm dụng bởi những tiện ích công nghệ tất nhiên là không cần thiết, mà có khi cả đời chả bao giờ dùng đến, cho dù chúng gói gọn trong tay dưới hình thức điện thoại. Song ta lại không thể ngăn một “tha nhân” ở tận đẩu đâu tùy nghi sử dụng…