Rục rịch cho mùa hè sôi động
Từ giữa tháng 3, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành liên tục tung ra những sản phẩm du lịch hè với nhiều ưu đãi. Năm 2024, sản phẩm du lịch biển dành cho mùa hè vẫn được ưu tiên hàng đầu. Theo đó, các chương trình khuyến mãi tập trung vào các địa điểm quen thuộc như Hạ Long, Đà Nẵng - Hội An, Quy Nhơn, Huế, Nha Trang...
Các gói tua Đà Nẵng - Hội An (khởi hành từ Hà Nội) dao động 5-7 triệu đồng cho chuyến đi kéo dài 4 ngày 3 đêm. Tua Nha Trang - Đà Lạt (khởi hành từ Hà Nội) có giá từ 7-9 triệu đồng trong 4 ngày 3 đêm. Tua Phú Quốc trong 3 ngày 2 đêm có giá 2-4 triệu đồng (khởi hành từ TPHCM). Tua Quy Nhơn 4 ngày 3 đêm có giá 5-6 triệu đồng (khởi hành từ TPHCM)... Các công ty cũng có ưu đãi khi đặt tua sớm từ tháng 3 cho các chuyến đi vào kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5. Mức ưu đãi dao động 500.000-2.000.000 đồng/khách.
Ngoài các tua truyền thống, một số đơn vị giới thiệu nhiều gói tua mới kết hợp giữa du lịch nghỉ dưỡng với thể thao, âm nhạc. Công ty du lịch Vietravel cung cấp gói tua đến Quy Nhơn tham dự giải đua thuyền máy nổi tiếng thế giới F1H2O UIM World championship. Đây là lần đầu tiên giải đấu này được tổ chức tại Việt Nam từ 29-31/3. Du khách không chỉ đơn thuần khám phá Quy Nhơn như truyền thống, dịp này kết hợp xem những màn thi đấu siêu ấn tượng thuộc giải đua thuyền máy quốc tế với mức giá từ 4,3-7 triệu đồng (đã bao gồm vé xem giải đấu).
Lãnh đạo tỉnh Bình Định đầu tư cho mùa du lịch hè ở Bình Điện, hy vọng đem đến diện mạo mới cho du lịch miền đất võ. Du khách còn được dịp thỏa sức vui chơi, thưởng thức những màn trình diễn ánh sáng, biểu diễn đường phố... trong khuôn khổ tuần lễ Bình Định Fest 2024. Đại tiệc âm nhạc thuộc tuần lễ với những màn trình diễn của các ngôi sao trong nước và quốc tế hứa hẹn một kỳ nghỉ đầy lý thú cho du khách vào đầu hè.
Khó bùng nổ vì chi phí cao
Nhìn nhận lượng khách và thị trường du lịch hiện nay, ông Phạm Hà, CEO Lux Group cho rằng, mùa du lịch hè năm 2024 khó “bùng nổ”. Lý do được đưa ra là du khách Việt có nhiều sự lựa chọn du lịch quốc tế hơn nội địa. “Tình hình kinh tế khó khăn cũng ngăn cản người dân bỏ tiền du lịch. Vì vậy, họ sẽ chọn các điểm gần, phù hợp đi cả gia đình và phải có giá cả phải chăng. Bên cạnh đó, xu hướng du lịch xanh cũng được quan tâm nhiều hơn nên họ sẽ chọn các điểm du lịch xanh, sạch, đẹp và bền vững”, ông Phạm Hà phân tích.
Du lịch biển lên ngôi trong mùa hè 2024 |
Ông khẳng định, nếu các hãng hàng không và ngành du lịch không có sự điều phối trong việc quản lý giá vé máy bay, quản lý điểm đến, du lịch Việt có khả năng “thua trên sân nhà”. “Ngay tại Việt Nam việc quản lý điểm đến, nhà hàng, khách sạn, lữ hành chưa liên kết được với nhau khiến giá du lịch nội địa luôn đắt hơn bay quốc tế”, ông Phạm Hà cho biết.
Việc giá vé máy bay tăng khiến nhiều công ty du lịch lo lắng về một mùa du lịch nội địa “ế khách”.
Ông Đặng Mạnh Phước, CEO The Outboux Company - công ty nghiên cứu thị trường du lịch tại Đông Nam Á - Thái Bình Dương - khẳng định, giá vé máy bay ảnh hưởng lớn đến quyết định du lịch của khách hàng. “Việc tăng giá trần vé máy bay nội địa tác động lớn đến nhu cầu du lịch trong nước của người dân. Trong bối cảnh du lịch Việt chưa có nhiều sản phẩm hấp dẫn, đặc sắc mà lại tăng giá trần máy bay sẽ đẩy chi phí một chuyến du lịch tăng cao và làm giảm mức độ sẵn sàng đi du lịch trong nước của người Việt”, ông Đặng Mạnh Phước nêu.
Giá vé máy bay tăng được cho là sẽ ảnh hưởng xấu đến du lịch |
Ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty du lịch Kiwi Travel nhấn mạnh, do chi phí vé máy bay nội địa cao, du khách sẽ so sánh giá với các điểm đến trong khu vực và quyết định du lịch nước ngoài thay vì du lịch nội địa. “Giữa lúc Việt Nam thu hút khách du lịch quốc tế, khách Việt Nam lại du lịch nước ngoài nhiều hơn. Đây là trở ngại trong liên kết phát triển các tua dài ngày trong nội địa”, ông Huy nói.
Việc quảng bá về các điểm đến trong nước, xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với từng địa phương... cần được chú trọng hơn nữa không chỉ để thu hút khách mới mà còn níu chân khách cũ quay trở lại. Một trong những yếu tố đó là đầu tư cho sản phẩm du lịch mang dấu ấn văn hóa bản địa, bởi văn hóa vẫn là giá trị cốt lõi đem đến cảm xúc khác biệt tại mỗi điểm đến và sự phát triển du lịch bền vững.
Thiếu nhạc trưởng
Ông Phạm Hà, CEO Lux Group cho rằng, ngành du lịch Việt Nam đang thiếu một chiến lược bài bản, dài hơi nhằm khuyến khích, đẩy mạnh du lịch nội địa. “Chúng ta có nhiều tiềm lực nhưng chưa thể phát triển mạnh mẽ bởi ngành du lịch chưa có tiếng nói chung, thiếu mất nhạc trưởng. Một số chiến lược, chính sách của chúng ta chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn”, ông Phạm Hà nói. Du lịch Việt Nam vẫn “mạnh ai nấy làm”, tự phát mà không có sự điều phối chung từ trung ương đến địa phương dẫn đến ngành du lịch như một dàn nhạc nhưng mà mỗi người chơi một bản nhạc khác nhau. Từ lâu các chuyên gia du lịch đã đề xuất một chiến lược phát triển chung, kết nối được hàng không, lữ hành, lưu trú để cùng nhau phát triển.
Ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty du lịch Kiwi Travel đề xuất xây dựng lại thời gian du lịch trọng điểm theo mùa của từng vùng (Tây Bắc, miền Trung...) để phục vụ du khách tốt hơn. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên kết mạnh mẽ hơn của các địa phương để phát triển du lịch nội địa.