Lũ học trò nghịch như quỷ bây giờ đã là những ông bố bà mẹ, những người thành đạt trong xã hội nhưng mỗi lần nhớ đến tuổi thơ, mái trường cũ thì nhân vật được nhắc đến nhiều nhất không ai khác chính là ông già quái tính nhưng vô cùng dễ mến ấy.
Ông Đậu khiến lũ trẻ nghịch ngợm sợ hãi nhưng lại dễ mến như một ông tiên trong trái tim rất nhiều lứa học trò.
Ông Đậu là người miền trong, từng là bộ đội đóng quân ngoài này, sau khi đất nước thống nhất, quê nhà không còn một ai thân thích nên ông theo bạn lính dạt đến vùng này và định cư luôn ở đây.
Ông Đậu có một quán sửa xe đạp nho nhỏ, chuyên sửa xe miễn phí cho học sinh, nếu không may xe hỏng trên đường đến trường, ông Đậu sẵn sàng chở bọn trẻ đến lớp cho kịp giờ, chiều quay lại lấy xe sau. Điều đó khiến già trẻ trong vùng vô cùng cảm mến.
Kỉ niệm về ông Đậu khiến bao thế hệ học sinh trường Thái Hòa nhớ và nhắc lại nhiều nhất chính là: “Cháu chào ông Đậu - cháu là cháu ngoan”.
Quán sửa xe của ông Đậu cách trường Thái Hòa khoảng 1km, để đến được trường nhất định phải đi qua nhà ông, đứa nào quên chào hoặc không chào đều bị ông nói không ngoan và hay giả vờ rượt khiến bọn trẻ cong mông lên đạp xe qua vừa sợ vừa thích thú.
Hình tượng quen thuộc của ông Đậu là dáng cao lớn, mặc áo màu đỏ, quần đùi xanh bộ đội, bộ râu dài và khuôn mặt có phần hung dữ khiến nhiều đứa trẻ sợ hãi. Hồi ấy tôi còn là đứa học sinh lớp tiểu học rụt rè nhút nhát. Bạn thân của tôi là Kiều nhanh nhảu nghịch ngợm.
Nhà Kiều cạnh nhà tôi, hai đứa đi chung một chiếc xe đạp, tôi nhớ mãi lần đầu tiên bị ông Đậu “mắng”, hôm ấy đi qua nhà ông nhưng mải nhìn đâu đó không để ý ông Đậu đang quét sân đất sát đường, Kiều nhanh nhảu: “Cháu chào ông Đậu”. Ông ngẩng lên bảo: “Chào cháu vừa kháu và ngoan” rồi nhìn sang tôi: “Cháu này kháu nhưng mà hổng ngoan”!
Một đám học trò đi trước và sau nhìn tôi cười ầm lên.
Tôi ngại ngùng lí nhí chào nhưng trong lòng dâng lên một cảm giác khó chịu vô cùng bởi vì bị nói là không ngoan và còn bị bạn bè cười nhạo, tôi bắt đầu cảm thấy ghét ông Đậu.
Tôi lì lợm và ghét ông đến mức nhất quyết không chào, mỗi lần như thế ông Đậu lại nói: “Cháu này không ngoan, không chào ông”, tôi vênh mặt quay đi.
Có lần tôi mách bà ngoại, tôi nói ông Đậu là ông già đáng ghét nhất, tôi sẽ không bao giờ chào ông ta, bà tôi mắng tôi một hồi còn bảo không được nói như vậy, ông Đậu là người tốt, chuyên giúp đỡ mọi người, cháu không chào người lớn là không biết lễ phép rồi, bà nói nhiều lắm nhưng tôi ấm ức không nghe theo.
Cuối năm học đó, nhà Kiều chuyển lên thị xã, một mình tôi đạp xe đi học, mỗi lần qua nhà ông Đậu tôi đều phóng thật nhanh, nhác thấy bóng ông ở sân tôi sẽ dừng lại đợi khi ông đi vào nhà mới phóng xe qua.
Một lần xe bị tuột xích, cứ đạp vài vòng lại tuột khiến tôi toát mồ hôi, dừng lại lắp xích vào, trèo lên đi lại tuột chỉ thiếu nước khóc nữa thôi. Tôi đành dắt bộ, phía trước là nhà ông Đậu, tôi định dắt xe đến trường rồi tối mang về cho bố sửa chứ nhất quyết không mang vào nhờ ông Đậu.
Thấy tôi lầm lũi dắt xe đi qua, ông Đậu từ trong nhà gọi với ra:
“Này, xe cháu bị sao thế, mang vào đây ông xem nào?”.
Tôi không nói không rằng, vẫn dắt qua, đường đến trường không còn xa lắm nhưng nếu tiếp tục dắt bộ sẽ muộn học. Tôi vừa đi vừa khóc. Ông Đậu đạp xe đuổi theo chặn trước lối tôi đi:
“Lấy xe ông mà đi học đi kẻo muộn, để ông mang xe cháu về sửa, chiều quay lại lấy”.
Tôi vẫn thút thít khóc, ông Đậu chống xe lại an ủi: “Cháu ngoan, lấy xe ông đi học kẻo muộn học cô giáo phạt đấy”.
Tôi lau nước mắt, lên xe ông rồi phóng đi học, ngoái nhìn lại thấy ông Đậu đang dắt con xe hỏng của tôi quay lại quán, một nỗi ân hận dâng lên trong lòng, hóa ra ông Đậu không đáng ghét như tôi nghĩ.
Khi tôi lên học lớp 5 thì ông Đậu được nhận vào làm bảo vệ trường, còn nhớ hôm ấy khi chúng tôi đang làm lễ chào cờ buổi sáng thứ hai, ông Đậu mặc bộ đồng phục bước ra từ văn phòng, chúng tôi nháo nhào đứng dậy ngạc nhiên thích thú hò reo tên ông, đứa nào đứa nấy thi nhau chào thật to và nhướn người lên để ông nhìn thấy. Ông Đậu nom thật oai phong trong bộ quần áo mới thay cho bộ huyền thoại áo đỏ quần đùi xanh mọi ngày.
Các thầy cô giáo cũng ngạc nhiên vì thái độ phấn khích của lũ học trò chúng tôi trước sự xuất hiện của ông bảo vệ già, ông Đậu mỉm cười đi thẳng ra phòng bảo vệ ngoài cổng trường, chúng tôi thích thú nhìn theo.
Trường Thái Hòa từ khi có ông Đậu về làm bảo vệ không khí sôi động hơn hẳn, giờ ra chơi từng tốp kéo nhau ra với ông, ngồi chen chúc trong phòng nhỏ giục ông Đậu kể chuyện, căn phòng mà trước nay đứa nào cũng sợ vì chỉ khi vi phạm điều gì mới phải ra phòng bảo vệ ngồi viết bản kiểm điểm.
Lũ trẻ chúng tôi đứa nào cũng tự hào mình là cháu ngoan của ông Đậu nhưng cũng có nhiều đứa bị ông nói không ngoan: “Cháu này vừa nghịch vừa không ngoan”, “Này anh bạn trẻ đẹp trai, chào xong chạy mất tiêu là không ngoan nhé, phải để ông chào lại mới đi chớ”...
Trò thú vị của chúng tôi là nhoi lên chào trước, chào thật to để được khen ngoan rồi còn chỉ điểm đứa nào không chào, mỗi buổi sáng đến lớp và buổi chiều tan học, ông Đậu chính là nhân vật khiến cho cổng trường huyên náo hơn.
Tôi vẫn giữ khoảng cách với ông Đậu, phần vì tính rụt rè phần vì xấu hổ trước kia đã ghét ông nhưng mỗi lần gặp dù tôi không chào, ông đều nhìn tôi bằng ánh mắt trìu mến và bảo: “Cháu này ngoan nhưng phải học thật giỏi nữa nhé”.
Năm đó, bà ngoại tôi bị bệnh nằm một chỗ, gầy xọp đi, mỗi lần tan học tôi đều chạy lên với bà, bóp tay bóp chân cho bà, có hôm mấy mẹ con ăn cơm ở đó rồi ngủ lại luôn. Sức khỏe bà yếu dần, các bác các dì thay nhau đến chăm nom.
Một lần sau khi ăn tối xong, đang bóp chân cho bà thì nhà có khách, tôi ra đuổi chó thì thấy bóng dáng quen thuộc đang tiến về phía sân, là ông Đậu.
Tôi rất ngạc nhiên khi ông Đậu đến thăm bà tôi, còn ở lại nói chuyện với các bác tôi đến khuya mới về. Mãi sau này tôi mới biết, ông Đậu và bà ngoại tôi từng có mối quan hệ đặc biệt, chính bà tôi đã khiến ông Đậu gắn bó với mảnh đất này.
Hồi trẻ, bà ngoại tôi là nữ văn công xinh đẹp khiến bao nhiêu trái tim thanh niên trai trẻ trong vùng si mê. Ông Đậu gặp bà ngoại lần đầu tiên khi bà đi hát cùng đoàn giao lưu với bộ đội ở Quảng Bình, sau đó, ông dò được địa chỉ và viết thư cho bà tôi, những cánh thư gửi đi chưa một lần được hồi đáp bởi vì lúc đó bà đã hứa hôn với ông ngoại tôi.
Ông Đậu vẫn không nguôi hy vọng, thư viết cho bà ngoại tôi vẫn gửi đều đều, chỉ đến khi ra ngoài này tìm gặp trực tiếp, biết được bà tôi đã lấy chồng và có con thì ông mới thôi. Người ta nói rằng chỉ vì yêu bà ngoại tôi quá nên ông Đậu không lấy vợ.
Bà tôi cũng rất cảm động trước tình cảm của người con trai miền Tây dành cho mình nhưng một mực tránh né dù ông Đậu có đề nghị làm bạn bè, thăm hỏi nhau bình thường.
Ông Đậu cứ lẳng lặng dõi theo từng bước đường đời của bà ngoại từ khi bà lấy chồng, sinh con, có cháu, chồng mất, con cháu xây dựng gia đình… Ông luôn giữ một khoảng cách nhất định, chính vì thế nên khi bà tôi ốm nặng, sự xuất hiện của ông khiến tôi ngạc nhiên, chắc do tôi còn quá nhỏ để hiểu những câu chuyện phức tạp của người lớn bởi vì trong gia đình tôi, các bác, các dì ai cũng biết và quý mến ông Đậu, quý mến không chỉ ở cách sống của ông với tất cả mọi người mà còn bởi tình cảm đơn phương ông dành cho bà tôi suốt nhiều năm trời và có lẽ là suốt cuộc đời, một thứ tình cảm cao đẹp, không đòi hỏi sự đáp lại.
Hôm bà tôi mất, ông Đậu đến viếng, tôi nhớ mãi dáng ông cao gầy, đứng trước di ảnh của bà tôi thật lâu, mặt trầm buồn, rưng rưng.
Khi tôi học lớp 10 thì ông Đậu nghỉ làm bảo vệ trường Thái Hòa nhưng vẫn nhận sửa xe đạp cho bất cứ ai đi ngang qua bị hỏng xe, những lứa học trò sau tôi vẫn tranh nhau làm cháu ngoan của ông Đậu như hồi tôi còn học tiểu học. Tôi với ông Đậu vẫn có một khoảng cách vô hình nào đó khiến tôi không thể lại gần hay trò chuyện thân thiết thoải mái với ông như những đứa trẻ khác, dường như ông cũng cảm nhận được điều đó, mỗi lần đạp xe qua, tôi thấy ông nhìn theo, chỉ mỉm cười hiền lành.
Bao nhiêu lứa học sinh trường Thái Hòa lần lượt trưởng thành, giữ chức vụ to nhỏ trong xã hội nhưng trong câu chuyện ở những buổi họp lớp không thể thiếu kỷ niệm, hồi ức chung về ông Đậu.
Tôi cũng dần trưởng thành từ tuổi thơ đẹp đẽ đó và đi đến những thành công trong cuộc sống. Tết năm ngoái khi Kiều đưa chồng con về chơi, chúng tôi cùng đến thăm ông Đậu, lúc này ông đã ngoài chín mươi, quán sửa xe đạp để lại cho người cháu nuôi làm. Con gái nhỏ của tôi không cần mẹ nhắc vừa nhìn thấy ông đã chào to, ông Đậu khen “Cháu này vừa kháu vừa ngoan”. Giọng ông Đậu không còn dễ nghe như trước kia nữa, râu tóc bạc phơ, chân tay gầy nhẳng run run.
Tháng 5, hoa phượng bắt đầu nở rộ khắp sân trường Thái Hòa, lũ học trò gấp rút chuẩn bị cho môn thi cuối kỳ, lúc này tôi hay tin ông Đậu mất.
Tôi về thăm nhà, lặng lẽ ra nghĩa địa, mộ ông Đậu cách mộ bà ngoại tôi vài mét, có lẽ đến khi không còn trên cõi đời này nữa ông vẫn muốn dõi theo người mà ông yêu thương, dù chỉ đứng từ xa không thể đến gần. Tôi thắp nén nhang cho bà ngoại rồi đặt bó hoa lên mộ người vừa nằm xuống.
Tôi khẽ gọi: Ông Đậu, cháu chào ông Đậu!
Hai hàng nước mắt khẽ khàng chảy xuống ướt hai bên má, tôi ngẩng lên trời xanh cao bỗng như nhìn thấy gương mặt ông Đậu hiền hòa, tôi nghe thấy một giọng cười ấm áp: “Chào cháu, cháu ngoan của ông”.
Truyện của Nguyễn Thị Hiền không trúc trắc về bố cục, không kỳ ảo hóa câu chuyện hay nhân vật. Thậm chí còn có cảm giác tác giả không dụng công hư cấu. Tất cả sự thật cứ lần lượt hiện ra trước mắt người đọc. Những chuyện nhỏ, rất nhỏ. Và rồi người ta bỗng thấy một số phận con người hiển lộ. Một số phận kỳ lạ. Và một tình yêu không kém phần kỳ lạ.
Nguyễn Thị Hiền lặng lẽ viết. Nhà văn trẻ tốt nghiệp trường Viết văn Nguyễn Du.
L.A.H