“Con ở nhà phải ngoan, phải nghe lời mẹ dạy” – Bố luôn căn dặn gã như vậy trong những chuyến đi xa, mà bố là lính, nên bố lại thường xuyên phải đi xa, và vì vậy gã luôn nghe lời bố, nên gã cũng nghe lời mẹ dạy bảo. Bao giờ cũng thế, thành một thói quen, thành một nề nếp, mà chính gã cũng không bứt khỏi, cho đến khi bố gã đã đi thực sự xa mãi khỏi căn nhà và mẹ con gã, gã vẫn nghe lời. Vẫn ngoan ngoãn nghe lời mẹ, như bố vẫn dặn, và như bố đã dặn. Từ việc ăn mặc như thế nào, đi học ra sao, thi trường nào, đi làm ở đâu tất cả gã đều ngoan ngoãn nghe lời mẹ. Chưa bao giờ gã cãi lại mẹ, chưa bao giờ gã không nghe lời mẹ, gã là một gã trai ngoan theo lời của bố.
Có một tình thương trong ngôi nhà kín mít bốn bức tường, đó là một tình thương bao la, bao bọc quanh con người câm lặng, đó là tình thương của một bà mẹ dư dả, bà đem hết tình thương, hết những cóp nhặt cả đời của mình, quàng lên đứa con câm lặng, một cách nhẫn nại, ngời ngời, rung động đến sâu xa. Đứa con vẫn câm lặng trong ngôi nhà có bốn bức tường kín mít đến gió cũng không chạm tới, đến nắng cũng không soi sâu vào ngôi nhà để đánh thức con người câm lặng kia, tình thương bao la của bà mẹ đã đánh văng cả những điều bình thường nhất dành cho một con người, ở trong căn nhà có bốn bức tường kín mít này có một bà mẹ yêu thương tận tuỵ đến câm lặng, và có một con người gắng sức chống đỡ tình yêu đó một cách câm lặng, tất cả đều câm lặng sống, câm lặng nhìn bốn bức tường.
Đó là tình thương, đó là mẹ. Thằng con lại câm lặng, những tháng ngày vùng vẫy ngoài kia sẽ như cơn gió thoảng qua mà thôi, thằng con trai ba mươi tuổi đầu gục gặc trong gã, mọi thứ sẽ chìm trong quên lãng. Đó là mẹ, là tình thương, là sự dạy bảo mà gã đã luôn và sẽ nghe theo, là ngôi nhà kín gió và nắng, là ngôi nhà có bốn bức tường mà thằng con trai sẽ lại quanh quẩn, sẽ sống thực vật với tình thương của mẹ như cây cỏ xanh lét yêu thương, muốn vươn ra khỏi bóng râm mát, muốn đón lấy chút nắng, muốn đón lấy chút gió trời để thở, để tìm lại cho chính mình một bản thể duy nhất, day dứt như gió trời lồng lộng.
Đó là em, là tuổi 17 rộn ràng đầy sức sống, đó là tình yêu. Gã trai ba mươi tuổi đầu gục gặc, đó là em, là em mà. Đó là những yêu thương, những dỗi hờn rất trẻ con mà gã chưa bao giờ cảm nhận hết, gã say sưa, gã mê mải cuốn những tháng ngày mới mẻ bên em để thấy một gã rất khác, một gã rất lang bạt, rất bốc đồng, rất ngu ngơ và cũng rất trẻ con. Mỗi lần chạm vào nỗi buồn con nít của em gã như sống lại một phần nào đó, gã vừa đau trước nỗi buồn của em, lại vừa vui với những khám phá của gã. Chỉ cần nhận được tin nhắn lang thang với em, gã lập tức dẹp hết mọi chuyên, dẹp hết mọi bận rộn, hộc tốc chạy đến để cùng em lang thang, để cùng em trốn tránh nỗi buồn. Chỉ cần đi bên em, chỉ cần nghe em nói, chỉ cần lặng yên bên em mọi thứ xung quanh đã như sống động lắm rồi. Những lúc ở bên em, ngôi nhà và bốn bức tường biến mất, mẹ cùng sự câm lặng biến mất, thằng con trai im lìm biến mất. Chỉ còn một gã trai tràn đầy sức sống, chỉ còn một gã trai tràn đầy tình yêu và hạnh phúc như mọi gã trai đang yêu trên đời. Gã đang sống, đang hồi sinh trong ánh nắng, bên em gã có tất cả những gì gã chưa từng trải qua trong vòng tay kín gió của mẹ .
Đó là mẹ, đó là tình thương. Đó là gã – là thằng con trai ba mươi tròn trịa, luôn nghe theo lời mẹ, là gã câm lặng, là gã chết im lìm. Gã đang mặc bộ lễ phục xa lạ trong vai một chú rể, đứng bên cạnh ai xa lạ sau vài lần gặp mặt không kịp nhớ trong cơn say tuyệt vọng của gã, là cái bắt tay chúc mừng của mọi người. Là em vui vẻ, tươi tỉnh, rộn ràng đi cùng ai đến chúc mừng gã chết hoàn toàn. Một cái đám ma rộn ràng, với những lời chúc tụng, với niềm vui chính đáng của mẹ. Một đám ma vui vẻ, cho một gã trai ba mươi tròn trĩnh chết ngợp trong tình thương không lối thoát của mẹ.
Lại là ngôi nhà với bốn bức tường, lại là bà mẹ yêu thương quá đáng, nhưng có thêm một tình yêu vô vọng bên cái xác vô hồn, được tẩm ướp bằng quá nhiều tình yêu nên không thể phân huỷ, không thể rữa ra, mà cứ tĩnh lặng, vô hồn trong ngôi nhà có bốn bức tường. Những kỉ niệm với em, lâu lâu lẩn khuất, lâu lâu lại hiện ra chân thật như những thước phim chiếu trên màn ảnh rộng đánh thức gã đôi chút, rồi lại đẩy gã sâu hơn vào cơn trầm cảm điên cuồng. Không thể phủ nhận được tất cả, em vẫn song song trong những giấc mơ, những cơn lơ đãng, những lời say tròm trèm. Làm sao mà có thể sống được khi đặt những gánh nặng này trên vai để đi hết chặng đường còn lại, làm sao để một người ngay cạnh gã có thể không chết như gã được đây? Người bên cạnh gã lơ đễnh những mộng mị vội vàng về một tổ ấm, về sự hiếu thảo của gã, lơ đễnh cả về tình cảm của chính gã. Sự lơ đễnh đáng sợ.
Một, hai, ba, sự thật vỡ ra. Như một câu chú thầm thì, buổi chiều nắng chết lặng, người bên cạnh gã hết lơ đễnh, em vội vàng lẩn trong đám bạn tránh đi tiếng trêu ghẹo, gã ngẩn ngơ bên tay đang nắm tay ai làm một ông chồng mẫu mực. Khoảng thời gian như ngưng đọng lại trong gã, trong người bên cạnh gã, còn em, em còn gì dành cho gã không? Đôi chân của gã không nhúc nhích khi tiếng cười xa dần, khi em xa dần, khi con người bên cạnh bỗng tỉnh giấc lơ đễnh.
Em có gì? Em có lời thầm thì về những gã trai khác không hề xứng đáng với em, nhưng lại cực hợp mốt với em. Em có gì? Em có một hình xăm nho nhỏ lấp sau tai, sau đám tóc ngắn và rối, cái hình xăm nhức nhối trong gã, nó như nhắc đến một ai khác của em, nhưng nó cũng là những say đắm của gã khi mân mê tai em, nhìn ngắm em một cách toàn diện sau vành tai nhỏ nhắn. Em toàn vẹn với vẻ ngây thơ và đôi mắt to tròn chăm chú, em hồn nhiên với cái chúm môi nhẹ nhàng để nở ra nụ cười thanh thoát, là đôi tay tỉ mẩn bé nhỏ ve vuốt gió trong chiều rợp nắng, là tinh mơ rạng rỡ giọt sương. Em là tất cả, là tất cả những lang thang mê muội như giấc mơ không hề có thật để mỗi khi nhớ lại gã không khỏi xót xa. Em không hề đúng mẫu con dâu mẹ sẽ chọn, em quá vui tươi cho một căn nhà câm lặng, em quá năng động cho bốn bức tường kín gió, nhưng em hợp với những buổi tối muộn cho những lời thầm thì dông dài không đầu không cuối, em hợp với những bản nhạc không lời im lặng tựa vào gã để nghe chính gã trong đêm, em hợp với những bốc đồng lặng sâu trong gã, em vừa vặn cho một cái nắm tay nhỏ nhắn và ương bướng, để rồi em vừa vặn với nỗi đau tuột mất trong gã.
Vợ gã là gì, là một cái bóng mờ nhạt trong ngôi nhà kín gió, là người đàn bà chung giường với gã, là người vừa sinh cho gã một đứa con. Vợ gã là gì? Vợ gã không còn là một cái bóng, vợ gã tra hỏi con bé ấy là ai? Vợ gã không cho gã ngủ cùng giường, gã nghe lời, vợ gã không cho gã chạm vào đứa con, gã nghe lời, nhìn cái sinh vật nhỏ huơ tay một mình u oa, gã vẫn lơ mơ không hiểu mình đã là bố. Không hiểu vợ gã có nghĩ vợ gã đã là mẹ của con gã không? Gã bỗng rùng mình. Vợ gã cũng là mẹ, mẹ gã cũng là mẹ, thế đứa con của gã sẽ là ai trong ngôi nhà kín gió của gã?
Bà mẹ vẫn yêu chiều, vẫn che cho đứa con bé nhỏ kín gió, nhưng bà nhận ra có gió bắt đầu vào trong nhà, bắt đầu từ cô con dâu bà chọn. Cô con dâu bắt đầu một cuộc chiến thầm lặng bên bà, đứa cháu mới sinh không được lại gần bà nội, nó cần một chế độ nuôi dạy khác với cách bà nuôi dạy. Mỗi khi bà đưa tay ra định cưng, nựng, bế đứa cháu bụ bẫm thì như một cái cau mày, cô con dâu đã xốc đứa cháu lên bế đi vì những lí do rất hợp lý, như cháu buồn ngủ rồi, cháu cần tắm, cháu cần phơi nắng, hay tay mẹ đang dơ,…Cô khéo léo tách đứa cháu ra khỏi bóng mát của bà, đứa con trai của bà cũng được cô tách ra bằng những trách nhiệm với đứa con, những cuộc gặp để bồi bổ tình thương của bà ít dần, ít đến đáng chống lại.
Cuộc chiến giữa hai người đàn bà càng làm gã muốn buông xuôi, gã muốn tìm lại gió, gã muốn níu tay một ai đó, muốn lang thang say mèm cùng ai đó, muốn từ bỏ chính gã bây giờ đến khô héo. Chỉ một tin nhắn, một tin nhắn tưởng chừng vô vọng từ ngày gã và em cắt đứt gửi đi trong phút bốc đồng để lại trong gã nỗi muộn phiền day dứt, những bứt rứt không ngờ như một đứa trẻ, bên phòng kia, tiếng vợ gã vẫn day dứt tấm tức sau cuộc cái vã với mẹ, và bên dưới lầu tiếng mẹ gã vẫn không ngừng chì chiết vọng lên, gã chỉ là cục đá vô tâm trong cuộc chiến, không thể mở lời ở cả hai phía. Gã vươn tay tìm lọ thuốc ngủ, gã muốn ngủ, muốn ngủ quách cho rồi để không còn câm lặng trong tình thương ngột ngạt của mẹ, trong tình yêu đang đến hồi giành giật chính đáng của vợ gã. Tiếng điện thoại rung lên khe khẽ trong đêm, gã vẫn nhận ra nhanh chóng là em.
Đó là em, là em tóc ngắn, là em dỗi hờn, là em im lặng vì chính gã cũng chẳng biết bắt đầu như thế nào và vì sao gã lại ở đây? Nhưng là em, nên em thấu hiểu, em chỉ nắm tay gã chừng mực, chỉ cười chừng mực, rồi khe khẽ nói “anh vẫn ngoan như vậy sao?”. Ừ, thì gã vẫn ngoan như vậy, em thì sao? Em vẫn sống cho riêng mình, vẫn vậy thôi. “Anh vẫn sống cho mẹ à?”, lơ đãng, gã vẫn sống cho mẹ sao? Gã không sống cho chính gã, đúng vậy, gã sống cho mẹ. “Thế con anh sẽ sống cho ai?”, em luôn vậy, luôn vừa vặn với nỗi đau tuột mất trong gã, nỗi đau xanh xao như lá thiếu nắng và khí trời trong lành, gã quên mất là, nỗi đau còn cần cả giông gió, cần cả mưa bão nữa mới cứng cáp lên được. Câu hỏi của em lơ lửng trong gã, em nhỏ hơn gã bao nhiêu? Mười ba tuổi, mẹ gã lấy ra làm thước đo ngăn cách, gã nghe lời, vì gã ngoan, vì gã phải nghe lời mẹ dặn, vì gã là con trai, vì bố phải đi công tác xa, nên gã luôn phải nghe lời và gã đã nghe lời. Trời ơi! Em ít hơn gã mười ba tuổi, mà em biết nghĩ cho em, biết nghĩ cho chính bản thân em, không nghĩ cho gã, không nghĩ cho những lời bố mẹ dạy, và cũng đã không nghĩ cho gã trai không xứng đáng kia nữa. Em ít hơn gã mười ba tuổi, mà như là gã ít hơn em mười ba tuổi vậy, gã còn chưa kịp sống cho gã cho ra hồn gã kia mà.
Gã nghe tin em mất vì một tai nạn giao thông hồi đêm, em cùng gã trai đầu xanh đầu đỏ không xứng đáng, gã xiết chặt tay lại, nắm tay co lại như muốn đấm vào một điều gì đó vô hình. Phải, gã ghen tức, tại sao em vẫn với con người không xứng đáng đó để như thế? Mà như thế là sao? Là em chết? Là em đánh đổi bản thân mình cho gã trai không xứng đáng. Lời em nói vào tối hôm trước bỗng như vọng về ,vụt vào gã một nhát chí mạng, tay gã xuội ra, run run như mất hết sức sống, mặt gã căng bạnh ra, lấm chấm mồ hôi hạt. Em mất hồi đầu tối, đúng không? Mọi người khẳng định đúng. Gã quay cuồng, vậy ai? Gã đã gặp ai vào hồi tối khuya? Ai đã khuyên gã, gã loạng choạng, khuỵu xuống một chân, là em, thật sự là em, thật sự là em mà. Gã bưng mặt, muốn rú lên, nhưng lại thành một tiếng nức nở, giọt mồ hôi bên thái dương gã túa ra, nhỏ giọt như nước mắt. gã quay cuồng, không tin nổi. Là em, vẫn là em, vậy là em vẫn quan tâm tới gã, vẫn tìm về bên gã khi gã cần sao?
Còn con gã, nó là ai? Nó là con trai, vợ gã cũng là mẹ, còn gã, gã sẽ là gì mờ nhạt lắm ngoài một câu sáo mòn thành mệnh lệnh suốt đời không bỏ được “Con ở nhà phải ngoan, phải nghe lời mẹ dạy” sao? Gã còn sống hay đã chết rồi vậy? Ánh trăng đầu tháng lơ lửng dọc đường gã về, ngôi mộ em nhỏ nhắn mất hút tầm nhìn trong cỏ, trong vô vàn nấm mộ, nhưng em vẫn cười, vẫn cười như ái ngại cho gã, cái nụ cười gã thấy hôm em đến mừng cưới gã. Gã nhìn tay gã, thấy tay gã trong suốt, nhìn thấu cả giọt sương nhỏ đang kết tụ trên lá, vậy là gã đã chết rồi sao? Gã hoảng loạn, con trai gã sẽ ra sao? Nó sẽ lại ngoan như gã cho mẹ yên tâm đi làm, nó sẽ lại ngoan như gã, sẽ nghe lời mẹ và bà nội như gã, rồi nó cũng sẽ được che chở kín gió như gã sao? Không, gã chạy như bay về nhà, gã phải thay đổi, mẹ gã phải thay đổi, vợ gã phải thay đổi, ngôi nhà phải thay đổi, đấy là ngôi nhà dành cho những người đang sống cơ mà, gã còn một mầm xanh phải ươm nắng, gã còn một ngôi nhà thoáng mát để đi về, gã còn một người vợ để níu kéo, còn một đứa con để gã dặn “Con phải ngoan, phải biết nghe lời chính mình trước đã”, gã phải dậy thôi, phải sống dậy thôi...
Sự ngoan ngoãn “nghe lời” - trong truyện ngắn này tồn tại không những như một thành phần không gian ám ảnh mà còn như một nhân vật. Bởi nhân vật ngoan ngoãn nghe lời luôn bị mặc định một cách tàn nhẫn: “chết”. Câu chuyện không cầu kỳ, nhưng cái cách kể chuyện trong văn bản mới là đáng kể. Cách kể đã khiến các số phận trở nên đậm nét và xoáy sâu vào tâm trí người đọc.
Lê Thị Kim Sơn là người viết trẻ hướng đến giọng điệu riêng. Chị sống và làm việc tại Gia Lai.
L.A.H