“KHÁC GÌ GIỚI NGHIÊM”
Lá “đơn đề nghị” được các hộ dân gửi đến chính quyền Hà Nội và một số cơ quan khác, gửi cả báo chí.
“Không khác gì giới nghiêm” là từ mà các hộ dân mô tả trong đơn, về barie rào chắn tại hai chốt lên xuống khu dân cư đường tàu, một chốt ở đường Phùng Hưng, một ở Trần Phú. “Người ngoài không được vào còn dân trong xóm phải ra tận bốt gác để nhận người thân, quen, thì mới được vào xóm. Kinh doanh đình trệ vì người ngoài muốn dùng dịch vụ “không phải cà phê” cũng khó, trong tình trạng “ngoại bất nhập”- đơn viết.
Từ 10/10 đến nay, các bốt ngoài barie đều có cảnh sát và đội tự quản, ai đi qua phải trình bày lý do hoặc trình giấy tờ. Du khách nước ngoài thì đương nhiên dễ gì mà “đột nhập”. Gần bốn chục quán cà phê và nhà hàng đều đóng cửa.
“KHỔ SỞ BAO LÂU NHƯNG AI BIẾT”
Không phải ai cũng biết, đoạn phố đường tàu cắt Trần Phú và Phùng Hưng có tên gọi là “Chắn 5 Trần Phú”, thuộc hai phường Hàng Bông và Cửa Đông. Xưa nay ít người gọi tên chính xác đoạn phố này, còn từ khi nó nổi tiếng nhờ khách du lịch thì người ta gọi chung chung là xóm đường tàu, phố đường tàu, cà phê đường tàu. Đoạn gần Hàng Mã, gần phố bích họa thì thuộc phường Hàng Mã, không có quán xá.
Đơn cho biết: “Hầu hết dân ở đây đều từng là công nhân viên đường sắt, được cơ quan phân đất 5-6 chục năm. Năm tháng trôi qua, 3-4 thế hệ sống chung, vô vàn khó khăn kéo dài nhưng không được ai biết đến. Đầu tiên là khó khi làm các thủ tục hành chính vì không ai biết phố đường tàu ở đâu, thậm chí bị định kiến về một khu vực tệ nạn, bẩn thỉu… Rất nhiều năm, dân sống cảnh “nhà không số, phố không tên. Từ 1987 Nhà nước có chính sách cải tạo, mở rộng khổ đường sắt từ 1035 mm lên 1045 mm thì nơi này được coi là “khu vực có dự án” nhưng dự án vẫn “treo”… Sau chế độ 176, nhiều người về hưu non, không trợ cấp không lương hưu, bảo hiểm. Không kế sinh nhai, họ và con cái phải mưu sinh nhọc nhằn bằng nghề đạp xích lô, chở hàng...”.
Thế rồi “Từ khi xóm đường tàu được lên tạp chí du lịch National Geographic về một nét đẹp độc đáo và cuộc sống thường nhật của người Hà Nội, cuộc sống của chúng tôi thay đổi”.
Cụ thể đổi thay tích cực là: “Đời sống dần cải thiện qua việc bán đồ giải khát cho khách. Dân trí nâng lên, dân bảo nhau giữ vệ sinh, đặc biệt nhắc nhở giờ tàu chạy… ”.
Ánh mắt thèm thuồng của một du khách ngoài barie, khi lệnh cấm thực thi.
“SỐC” VÌ HÔM NAY KHÔNG NHƯ HÔM QUA
Lệnh cấm cà phê đường tàu, cấm du khách lai vãng phố đường tàu ban ra, sáng 10/10 thì thực thi. Tôi không thể ngăn mình trở lại nơi này khi từng có cuộc trải nghiệm trước đó để viết bài Đoản khúc cà phê đường tàu (Tiền Phong 9/10).
Bốt gác có 5,6 anh, cả cảnh sát và dân phòng. Tôi trình thẻ nhà báo, cho biết mình vào đây để ghi nhận tình hình, rồi thong dong đi dọc đường tàu giống như một tuần trước đó, nhưng trong tâm thế và bối cảnh khác hẳn.
Tôi vừa tiếp cận đường ray thì hai thiếu nữ xinh đẹp tóc vàng nghển cổ bên barie (đoạn cuối Phùng Hưng), rối rít vẫy lại: “Có nói được tiếng Anh không”. Và: “Làm thế nào chúng tôi vào được trong đó như chị. Tôi muốn quá”. Hihi muốn mấy cũng đành chịu thôi.
Từ lúc đó cho đến cuối buổi tôi đi dạo, đầy cảnh ngoài vẫy vào trong vẫy ra, dưới vẫy lên trên vẫy xuống như thế: Ngoài và trong phố đường tàu vẫy nhau, là các du khách với nhau và với dân. Còn dưới vẫy lên trên vẫy xuống, là cảnh du khách với cư dân. Khách nước ngoài vừa vẫy, ra hiệu thậm chí hỏi vọng lên phía anh, chị nào đó đang đứng bên đường tàu, cả đứng trên gác hai. Mới hôm qua đi lại như mắc cửi, hể hả tiếp rước, nay chỉ đứng ngắm nhau thôi. Hihi đúng là “tình cảnh đáng thương thật”.
Trưa cuối thu khá nắng. Một số người dân đứng rải rác trước cửa, chỉ chờ nghe hỏi thăm là không ngăn được xúc cảm.
Họ kể, đoạn phố con con này gồm khu Tập thể Kiến trúc 1 Đường sắt phân từ năm 1960, và tập thể Đội cầu (đội cầu Long Biên chuyên sửa chữa, sơn lại cầu và đường cầu). Kể về chặng khốn đốn mưu sinh, mấy thế hệ liền. Kể xóm này trước kia kim tiêm vứt đầy đường ray, đủ thứ tệ nạn, bẩn thỉu. “Năm chục năm nay có ai quan tâm đâu. Dân nghiện vào đây phóng uế, hút chích, làm gì có ai ngoài dân lo đuổi, đối phó. Nhưng hơn năm qua thì khác hẳn”.
Có hai vị khách thế nào lại len được vào xóm đường tàu thoải mái đi lại với gương mặt đầy quan tâm. Mọi người xúm lại hỏi han. Biết họ là vợ chồng, vợ là nhà báo Úc, mọi người hỏi: “Có phải vì xưng nhà báo nên được vào”. Bà cười cho biết, có thấy barie nhưng cứ thản nhiên đi qua không bị hỏi han gì “có lẽ vì họ muốn nghỉ ngơi rồi, nắng quá”.
Craig và Laura Watkins nói tiếng Anh, đến từ Vịnh Hervey, Queensland, nước Úc. Biết Laura gốc Ý, một cư dân trẻ của xóm, Thủy, reo “Tôi biết tiếng Ý”, thế là cuộc trò chuyện tiếng Ý nở như ngô rang ngay giữa đường tàu. Thủy bèn phiên dịch lại cho mọi người cùng hiểu.
Một lát, Thủy mời hai vợ chồng vào nhà đãi ly nước, nhà cô là một quán nhỏ vừa đóng cửa. Thủy giải thích lý do cà phê đường tàu bị cấm, nghe ra hai vợ chồng tiếc hùi hụi còn tôi nói: “Chính quyền cũng chỉ muốn an toàn cho du khách và giữ hình ảnh của thủ đô”. Laura bày tỏ: “Nếu chỉ nói lý do đảm bảo an toàn thì chưa đầy đủ lắm. Mọi người sẽ tự ý thức, tự bảo đảm tính mạng cho mình, tôi cũng thế. Có lẽ còn lý do khác chăng nhưng khiến du khách đến đây không vui thì có lẽ cũng không hay”. Laura nói về sẽ viết bài về phố đường tàu độc đáo, và bày tỏ hy vọng Hà Nội mà bà yêu quí sẽ có cách vừa an toàn đường sắt vừa hài hòa lợi ích của dân, và vẫn không mất đi một địa điểm du lịch độc đáo. (Còn nữa)
Laura Watkins mới đến Hà Nội 3 ngày, lần thứ hai trở lại xóm đường tàu và vô cùng ngỡ ngàng, “sốc” trước khung cảnh mới. “Mới hôm qua thấy bao người đủ các nước vui vẻ chuyện trò, chụp ảnh. Tôi còn gặp được các đồng hương Úc, chúng tôi liền trở thành bạn, vui lắm. Khung cảnh thật thú vị, tuyệt vời, đầy màu sắc hương vị, nào mùi thơm của đồ ăn, của cà phê…Người dân gặp tôi đều nói cười nồng hậu đáng mến. Tôi thực sự yêu Việt Nam…”