Những phim kinh điển về giải phóng đất nước nhất định phải xem dịp 30/4

TPO - Nhiều tác phẩm điện ảnh của Việt Nam như “Nổi gió”, “Biệt động Sài Gòn”, “Ván bài lật ngửa”, “Đứng đốt”… chinh phục khán giả bởi nội dung sâu sắc, phản ánh rõ tinh thần yêu nước, quyết tâm chống giặc ngoại xâm để giải phóng đất nước.

Nổi gió (1966)

“Nổi gió” của đạo diễn Huy Thành được công chiếu vào năm 1966, do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất. Đây là bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam nói về Chiến tranh Việt Nam với bối cảnh miền Nam. Phim đã giành được Bông sen vàng cho hạng mục Phim truyện nhựa tại Liên hoan phim Việt Nam lần đầu tiên.

Những phim kinh điển về giải phóng đất nước nhất định phải xem dịp 30/4 ảnh 1 "Nổi gió" được chuyển thể từ vở kịch cùng tên của tác giả Đào Hồng Cẩm, đề cập đến vấn đề thời sự khi đó, nhiều gia đình có con cái thuộc hai bên trong chiến tranh Việt Nam.

“Nổi gió” khắc họa cuộc đời của hai chị em ruột ở hai đầu chiến tuyến. Người chị tên Vân (Thụy Vân đóng) theo Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, người em trai tên Phương (Thế Anh đóng) một trung úy Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Sau này Phương trở về, cùng chị đấu tranh cho hòa bình, thống nhất.

Được biết, khi “Nổi gió” quay được hơn 400m phim, đoàn làm phim cảm thấy chưa ưng ý và quyết định ngừng lại để tuyển diễn viên. Cuối cùng, diễn viên kịch Thế Anh được chọn vào vai trung úy Phương. Đây là vai diễn dấu ấn trong sự nghiệp điện ảnh của diễn viên Thế Anh. Tham gia bộ phim này còn có diễn viên Thanh Loan, người về sau nổi tiếng với vai ni cô Huyền Trang trong bộ phim Biệt động Sài Gòn. Dù là lần đầu tiên chạm ngõ điện ảnh, Thụy Vân và Thế Anh đều thể hiện xuất sắc vai diễn của mình khiến khán giả nhiều thế hệ xúc động và ám ảnh.

Cánh đồng hoang (1979)

Trong lịch sử điện ảnh cách mạng Việt Nam, “Cánh đồng hoang” được đánh giá là một trong những tác phẩm kinh điển, khắc họa rõ nét về sự tàn khốc của chiến tranh.

Phim lấy bối cảnh chính là vùng Đồng Tháp Mười trong những ngày diễn ra cuộc Chiến tranh Việt Nam. Vợ chồng Ba Đô (Lâm Tới), Sáu Xoa (Thúy An), cùng đứa con nhỏ sống trong một căn chòi nhỏ giữa dòng nước. Họ được phía Cách mạng Việt Nam giao nhiệm vụ giữ đường dây liên lạc cho bộ đội.

Kết thúc của phim có cảnh tấm ảnh chụp vợ con của phi công Mỹ bị bắn, rơi ra từ ngực anh ta. Một chi tiết đầy hàm nghĩa, đẩy tác phẩm lên một tầm cao nữa trong tố cáo chiến tranh, trong giá trị nhân văn; một kết thúc mở để cả đời sau còn suy nghĩ...

Những phim kinh điển về giải phóng đất nước nhất định phải xem dịp 30/4 ảnh 2 Phim được sản xuất vào năm 1978, công chiếu vào đúng ngày kỷ niệm Giải phóng miền Nam (30/4) một năm sau đó, do nhà văn Nguyễn Quang Sáng biên kịch, Trịnh Công Sơn viết nhạc và Nguyễn Hồng Sến làm đạo diễn.

Thủ pháp đối lập được đạo diễn Hồng Sến sử dụng đầy tinh thế: ngôi nhà nhỏ giữa cánh đồng rộng lớn hoang vu; sự tĩnh lặng trong ngôi nhà với tiếng máy bay sục sạo trên bầu trời; cái giàu - nghèo trong vật chất và cái mạnh - yếu trong tinh thần... đã tạo nên những giá trí nhân văn to lớn cho tác phẩm.

Phim giành 6 giải thưởng trong và ngoài nước, nổi bật với Giải Bông sen vàng - Liên hoan phim Việt Nam (1980) và Huy chương vàng - Liên hoan phim Quốc tế Moscow (1981).

Ván bài lật ngửa (1982-1987)

Ván bài lật ngửa là bộ phim truyền hình đen trắng 8 tập về đề tài tình báo của đạo diễn Khôi Nguyên (tên thật Lê Hoàng Hoa), do Xí nghiệp phim Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh (nay là Hãng phim Giải Phóng) sản xuất trong những năm 1982 - 1987. Phim mô phỏng quãng đời hoạt động của Phạm Ngọc Thạch, một nhà tình báo có thật ngoài đời của Đảng Lao động Việt Nam hoạt động trong lòng địch trong kháng chiến chống Mỹ.

Những phim kinh điển về giải phóng đất nước nhất định phải xem dịp 30/4 ảnh 3

“Ván bài lật nửa” được đánh giá là một trong những thành công lớn nhất của điện ảnh Việt Nam. Góp phần vào thành công của bộ phim phải kể đến hai diễn viên chính Nguyễn Chánh Tín (vai Nguyễn Thành Luân), Lâm Bình Chi (vai Ngô Đình Nhu). Nguyễn Chánh Tín thể hiện được nét hào hoa, lịch lãm, thông minh, điềm đạm của một nhà tình báo chuyên nghiệp. Lâm Bình Chi thể hiện được nét khôn ngoan, thâm trầm, quỷ quyệt cáo già của một chính trị gia lão luyện.

Phim giành về Giải Đặc biệt Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6 năm 1983, Giải Bông sen Bạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 7 năm 1985, và Giải Nam diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 8 năm 1985 cho tài tử Nguyễn Chánh Tín.

Biệt động Sài Gòn (1986)

“Biệt động Sài Gòn” của đạo diễn Long Vân, do hai biên kịch Lê Phương – Nguyễn Thanh chấp bút, là bộ phim đầu tiên và gần như duy nhất làm về lực lượng “biệt động thành”. Chỉ với 4 tập, phim tái hiện rõ nét chiến công “đưa chiến tranh vào thành phố” của các chiến sĩ lực lượng đặc công quân Giải phóng miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Những phim kinh điển về giải phóng đất nước nhất định phải xem dịp 30/4 ảnh 4

Phim miêu tả những cảnh chiến đấu ngoài chiến trường với súng vang, mìn nổ, khói lửa và thương vong, nhưng chủ yếu vẫn là cuộc đấu trí căng thẳng của những chiến sĩ hoạt động bí mật trong lòng địch, xen vào đó là những câu chuyện tình yêu giàu cảm xúc.

Phim xoay quanh nhân vật Tư Chung (Quang Thái) - Tư lệnh trưởng biệt động Sài Gòn, cùng người đồng đội Ngọc Mai (Hà Xuyên) đóng giả một cặp vợ chồng tư bản giàu có, ngày ngày chạm trán cùng tướng tá Việt Nam Cộng Hòa. Sống giữa kẻ thù, họ không những phải bảo vệ an toàn tính mạng của bản thân, trực tiếp chỉ huy đồng đội, mà còn phải đối mặt với những tình huống vô cùng nan giải, không chỉ trước nòng súng hay làn đạn, mà là cuộc chiến giữa lý trí và tình cảm.

Trong khi đó, nữ chiến sĩ biệt động khác, Huyền Trang (Thanh Loan) – người yêu của Tư Chung, phải cải trang thành người xuất gia tu hành để dễ bề che mắt kẻ thù. Bên cạnh đó, phim còn kể về những người đồng đội gan dạ, mưu trí khác như Năm Hòa - bí danh K9, Sáu Tâm (Thương Tín), bà má hậu phương, em bé bán báo làm giao liên (Nguyễn Vân Dung... Mỗi người một vị trí, vai trò khác nhau, cùng hợp quần tạo nên sức mạnh quân dân.

Thành công của “Biệt động Sài Gòn” đã đưa tên tuổi của dàn diễn viên, cả chính và phụ, lên đỉnh vinh quang. Không chỉ tạo tiếng vang thời điểm công chiếu màn ảnh rộng cách đây hơn 30 năm, phim vẫn nhận được tình cảm từ khán giả qua nhiều lần phát lại trên truyền hình, xuất bản DVD và online.

Giải phóng Sài Gòn (2005)

“Giải phóng Sài Gòn” là bộ phim điện ảnh được hãng Sài Gòn Giải Phóng sản xuất nhằm kỷ niệm sự kiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, dựa trên tác phẩm Sài Gòn - Bản hùng ca của nhà văn Hoàng Hà nhưng có lược bớt một số đoạn. 

Với thời lượng 2 tiếng đồng hồ, Giải phóng Sài Gòn đã tái hiện được những cảnh chiến đấu khốc liệt và nhận được nhiều lời khen tích cực từ phía khán giả về một bộ phim lịch sử thực sự cuốn hút và vô cùng xúc động.

Những phim kinh điển về giải phóng đất nước nhất định phải xem dịp 30/4 ảnh 5

Phim được đầu tư 12,5 tỷ đồng và sản xuất trong thời gian dài kỷ lục là 13 năm. “Giải phóng Sài Gòn” được công chiếu lần đầu nhân kỷ niệm 30 năm sự kiện 30 tháng 4 (30/4/1975 - 30/4/2005).

Phim ghi lại một số sự kiện lịch sử chính trong tiến trình Quân Giải phóng tiến vào thành phố Sài Gòn. Bắt đầu từ trận tấn công giải phóng Buôn Ma Thuật, khiến Việt Nam Cộng hòa phải cầu viện quân sự từ Mỹ, đồng thời tìm cách cố giữ Huế và Đà Nẵng; đến trận đánh chiếm ngã ba Dầu Giây nhằm chiếm Xuân Lộc, mở cánh cửa phía Đông cho để tiến vào Sài Gòn; rồi những trận pháo làm tê liệt sân bay quân sự Biên Hòa và Tân Sơn Nhất; là việc Mỹ buộc tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức để lập nội các mới do Dương Văn Minh đứng đầu; sự kiện quân đội Hoa Kỳ sơ tán khỏi Sài Gòn bằng trực thăng.

Bao trùm lên tất cả những sự kiện này là kế hoạch của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh: tiến vào Sài Gòn bằng năm mũi, chiếm năm vị trí trọng yếu nhất, phối hợp với lực lượng nổi dậy tại chỗ, tiến thẳng vào dinh lũy cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa, buộc tổng thống Dương Văn Minh phải đầu hàng vô điều kiện mà Sài Gòn vẫn nguyên vẹn.

Đừng đốt (2009)

“Đừng đốt” của đạo diễn Đặng Nhật Minh dựa trên nguyên tác là cuốn nhật ký nổi tiếng của nữ bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Cuốn nhật ký được cô viết từ năm 1968 đến trước khi hy sinh 2 ngày vào năm 1970.

Bộ phim đi sâu vào khắc hoạ đời sống nội tâm, vẻ đẹp tâm hồn sâu sắc, lòng trắc ẩn cũng như bản lĩnh chiến đấu của nữ bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Từ một con người, phim phản ánh tinh thần yêu nước, ý chí sắt đá quyết tâm giải phóng đất nước của lớp thanh niên Việt Nam nói chung.

Những phim kinh điển về giải phóng đất nước nhất định phải xem dịp 30/4 ảnh 6

Ngoài ra, phim còn thể hiện lòng bao dung, vị tha của con người Việt Nam, tập trung vào ý nghĩa tình yêu có thể làm dịu đi vết thương chiến tranh.

Không chỉ gây tiếng vang lớn khi công chiếu trong nước, phim còn được đón nhận rộng rãi tại nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia... Tác phẩm giành giải thưởng lớn như giải Cánh diều vàng và Bông sen vàng cho hạng mục Phim truyện điện ảnh.

Mùi cỏ cháy (2011)

Mùi cỏ cháy của đạo diễn Hữu Mười là một bộ phim điện ảnh về sự kiện Mùa hè đỏ lửa 1972 với trận chiến tại Thành cổ Quảng Trị.

Những phim kinh điển về giải phóng đất nước nhất định phải xem dịp 30/4 ảnh 7

Tác phẩm xoay quanh bốn nhân vật Hoàng, Thành, Thăng, Long là những sinh viên trường Đại học Tổng hợp được lệnh tổng động viên lên đường nhập ngũ năm 1971. Bốn thanh niên trải qua kì huấn luyện tốc hành trước khi tham gia chiến đấu trong Thành cổ Quảng Trị. Sau này, Hoàng là chiến sĩ duy nhất sống sót trở về.

Điểm đặc biệt, kịch bản phim có một số chi tiết dựa trên quyển nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc.

Mặc dù còn nhiều hạn chế trong việc tạo dựng bối cảnh, bộ phim vẫn được đánh giá cao về tính nhân văn sâu sắc khi truyền tải những khát vọng, tình cảm cũng như tôn vinh sự hy sinh cao cả của lớp thanh niên trẻ trong thời kỳ kháng chiến.

MỚI - NÓNG
Hà Nội thanh kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản công của các tổ chức Hội
Hà Nội thanh kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản công của các tổ chức Hội
TPO - UBND thành phố Hà Nội giao Thanh tra Thành phố thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công của các tổ chức hoạt động theo quy định của pháp luật về hội. Các tổ chức hội có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công tại các hội thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự…