Vận động bầu cử tránh hứa suông

Ông Nguyễn Văn Pha
Ông Nguyễn Văn Pha
TP - Hội nghị hiệp thương bầu đại biểu Quốc hội khóa XIII tại các tỉnh, thành phố sắp bước vào vòng hai. Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Pha - Phó Chủ tịch Ủy Ban Trung ương MTTQVN cho biết, chậm nhất ngày 23-3 sẽ biết số người tự ứng cử.

> Giảm đại biểu khối hành pháp trong Quốc hội

Ông Nguyễn Văn Pha
Ông Nguyễn Văn Pha.

Đến nay, cả nước đã có bao nhiêu người tự ứng cử đại biểu QH khóa XIII, thưa ông?

Chúng tôi chưa nhận được báo cáo của các tỉnh về số lượng người tự ứng cử, nhưng thông tin tôi nắm được, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có một số người tới Ủy ban Bầu cử nhận hồ sơ đăng ký tự ứng cử.

Sau hội nghị hiệp thương lần 2, tức là sau 23-3-2011 sẽ biết được số lượng người tự ứng cử. Sẽ không có sự phân biệt giữa người tự ứng cử với người được giới thiệu ứng cử. Người đủ điều kiện, tiêu chuẩn ứng cử thì đều được xem xét một cách bình đẳng.

Ông có lời khuyên nào với người tự ứng cử và người được giới thiệu ứng cử?

Chương trình vận động bầu cử trước hết phải bám sát với thực tiễn đời sống đất nước, mang hơi thở thực tiễn cuộc sống, gắn với công việc, thế mạnh mà ứng cử viên đó đang làm. Ứng cử viên phải biết lắng nghe tiếng nói cử tri, phải có sáng tạo, và phải hứa với cử tri những gì mà mình có thể làm được, tránh hứa suông để lấy lòng cử tri rồi sau đó lại không làm đúng.

Nhiệm kỳ trước có tình trạng thực hiện không đúng quy định về bầu cử. Một số người tự in ấn tài liệu rồi quảng bá, vận động cho mình một cách không bình thường. Một số người trước khi bầu đã hứa đầu tư công trình, dự án cho địa phương. Nếu hứa chỉ để lấy lòng sẽ có lỗi với cử tri, với nhân dân và tạo ra sự bất bình đẳng trong vận động bầu cử.

Những quy định về cơ cấu có làm giảm cơ hội cho người thực sự tài năng, tâm huyết tham gia QH không, thưa ông?

Đúng là có một chút mâu thuẫn ở đây, thế nhưng mình phải chấp nhận vì nhiều nước khác cũng có cơ cấu đại diện. Đây là cái khó. QH là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho quyền lợi của đông đảo nhân dân, do vậy rất cần có đại diện cho địa phương, ngành, giới, dân tộc, tôn giáo...

Nhiệm vụ nặng nề là vừa phải đảm bảo cơ cấu vừa phải chọn được người nổi trội nhất trong cơ cấu đó. Tránh tình trạng chọn những người mờ nhạt rồi làm lãng phí một suất đại biểu QH.

Kết quả Hội nghị hiệp thương lần 1, Hà Nội đã giảm mạnh cơ cấu sở ngành, tăng đại diện cơ sở, doanh nghiệp. Ông đánh giá thế nào về xu hướng này?

Đây là xu hướng tốt. Hà Nội và TPHCM đã vận dụng nhuần nhuyễn để đảm bảo một tổng thể chung, vừa chọn được cơ cấu có lợi hơn cho địa phương mình.

Ông Nguyễn Văn Pha cho biết, khoá XI có 3 người tự ứng cử trúng cử; khoá XII có 1 người tự ứng cử trúng cử.

Cảm ơn ông.

Minh Tuấn

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG