Đại biểu tham dự hội nghị - các chuyên gia hàng đầu về khoa học giáo dục của đất nước – dễ dàng chia sẻ tâm sự của vị cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bởi chính họ cũng đã và tiếp tục gióng lên tiếng chuông cảnh báo trước những câu chữ hoa mỹ trong dự thảo đề án nhưng hàm lượng thông tin không tương xứng.
Ngay sau đó, GS Nguyễn Minh Thuyết cũng giải thích phần nào: “Chương trình giáo dục nào cũng phải xác định trang bị cho người học những kiến thức gì, hình thành và phát triển ở họ những kĩ năng và thái độ như thế nào.
Liệu kiến thức, kĩ năng và thái độ có phải là những yếu tố cấu thành năng lực và phẩm chất không? Hay năng lực, phẩm chất mà chương trình GD phổ thông mới hướng tới không dựa trên những yếu tố đó? Đề án không giải thích, cho nên khó có thể hình dung tính chất cải cách, đột phá của chương trình giáo dục phổ thông mới như thế nào!”
Đồng cảm với GS Thuyết, các chuyên gia khác cũng đã chỉ ra rằng, rõ ràng tinh thần phát triển năng lực và phẩm chất người học không phải là cái gì mới so với chương trình hiện hành.
Chẳng hạn GS Trần Đình Sử còn cho rằng cách làm mà Bộ GD&ĐT đang tiến hành hiện nay không khác gì so với cách làm của cách đây 14 – 15 năm, khi chúng ta chuẩn bị chương trình, SGK hiện hành. “Nhưng rốt cuộc chúng ta đã bị phê phán rất nhiều. Bây giờ chúng ta lặp lại cách làm y hệt. Vậy cái gì sẽ đảm bảo cách làm hiện nay thành công?”, GS Trần Đình Sử hỏi.
Không chỉ trong hội nghị nói trên mà từ nhiều năm nay, khi bàn thảo về đổi mới chương trình, SGK, các chuyên gia đều nhận thấy chất lượng giáo dục không chỉ do chương trình, SGK! Thậm chí, chính các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục thấp đã kéo lùi sự tiến bộ có sẵn trong chương trình từ khi nó được bắt đầu xây dựng. Vì thế, những nhận xét về chương trình trước đây, như “nặng về lý thuyết”, “hàn lâm”, “thiếu tính thực tiễn”, “thiếu tính liên thông”, “không phân luồng sau THCS”… giờ tiếp tục được sử dụng để nhận xét về chương trình hiện hành.
Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông là một trong những yêu cầu trong nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, nếu đổi mới theo phương thức “xóa đi, làm lại từ đầu”, hoặc vẽ ra một viễn cảnh tích cực, song lại thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn thì quả là ít ai dám tin vào sự thành công của đề án!