Vẫn chờ chốt kinh phí đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa

Giáo sư, Tiến sĩ Đào Trọng Thi
Giáo sư, Tiến sĩ Đào Trọng Thi
TPO - Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông đưa ra hội nghị tham vấn chuyên gia vẫn chưa có con số kinh phí cụ thể. 

Ngày 28/8, trả lời Tiền Phong, Giáo sư, Tiến sĩ Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết như vậy.

Thưa ông, về nguyên tắc, nguồn lực của đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK ) sẽ lấy từ đâu?

“Khi trình Quốc hội phải công khai, rõ ràng nguồn kinh phí cho đề án. Nhưng đây là quá trình chuẩn bị và rút kinh nghiệm không để xã hội phân tâm, có gì đó bức xúc, chúng ta sẽ chuẩn bị, suy nghĩ thật kỹ trước khi thông báo cho xã hội biết”

Giáo sư Đào Trọng Thi nói.

Tinh thần là chúng ta phải chuẩn bị nguồn lực để đảm bảo các điều kiện cho đổi mới chương trình, SGK phổ thông. Mà hai nguồn lực/điều kiện quan trọng nhất là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Phải đầu tư mạnh cho các cơ sở giáo dục sư phạm, chuẩn bị tốt đội ngũ giáo viên, không những đáp ứng yêu cầu triển khai theo chương trình SGK mới mà phải đi trước một bước.

Nếu thay đổi mạnh chương trình, nội dung, rất có thể đội ngũ giáo viên sẽ có thay đổi mạnh về cơ cấu, không còn giáo viên môn học như bây giờ, mà là giáo viên tích hợp các môn. Ít nhất, phải có 4 năm đào tạo trong nhà trường, tích lũy kinh nghiệm mới có thể thực hiện được chương trình mới.

Thứ hai là cơ sở vật chất, theo quy định, địa phương cũng phải chịu trách nhiệm. Trung ương chỉ hỗ trợ nơi khó khăn, chỉ đạo làm theo chuẩn và không chỉ tập trung đề án ở trung ương, mà triển khai đồng loạt đến cơ sở.

Nhiều đại biểu quan tâm đề án tác động đến chất lượng đổi mới giáo dục, tác động đến ngân sách thế nào? Vậy dự trù kinh phí để thực hiện đề án này và tỷ lệ đầu tư từ ngân sách là bao nhiêu?

Trong báo cáo và đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo chuyển cho Ủy ban vẫn chưa ghi rõ con số. Theo chương trình, hôm qua, Chính phủ phải thông qua rồi, nhưng đến bây giờ Bộ vẫn nợ nội dung này. Nhưng như tôi nói, sẽ không có nguồn tiền tập trung nào ở trong đề án mà sẽ là phân bổ theo quy định của ngân sách cho các địa phương, để thực hiện nhiệm vụ này.

Đương nhiên, chúng ta vẫn sẽ phải khái quát một con số, xem đây như định hướng để phân bổ ngân sách thực hiện.

Rất có thể lần này chúng ta sẽ quy định rõ ngân sách trực tiếp cho xây dựng chương trình là bao nhiêu, viết SGK mới bao nhiêu, hỗ trợ xuất bản SGK, ngân sách đào tạo bồi dưỡng giáo viên, hỗ trợ cho địa phương, cơ sở khó khăn là bao nhiêu. Và có thể có thêm quy định cơ chế để địa phương, tư nhân nếu có điều kiện thì hỗ trợ, tăng nguồn lực xã hội hóa. 

Lần này, nhà nước sẽ không đầu tư đồng loạt, bình quân mà tập trung nơi khó khăn. Tức là hỗ trợ tối thiểu để có đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để thực hiện chương trình đổi mới, rút kinh nghiệm lần trước. 

Như vậy vẫn phải đợi cơ quan soạn thảo trình con số cụ thể thì đề án mới có thể đưa ra thẩm tra để trình Quốc hội?

Thực ra cũng đã dự tính con số cụ thể rồi nhưng vẫn chưa thể đưa ra vì phải chờ Chính phủ thông qua. Cần tránh sự bất nhất, gây dư luận khác nhau trong xã hội. Chúng tôi thống nhất với cơ quan soạn đề án là Chính phủ chưa thông qua thì vẫn còn đặt nó (con số kinh phí) trong sự bí mật.

Vừa qua chúng ta cũng thấy cơ quan soạn thảo đưa ra con số (dù chưa chính thức) khoảng 34 nghìn tỷ đồng để thực hiện đề án, theo chủ quan của ông, lần này sẽ tăng/giảm ra sao?

Con số này, chính sau đó Bộ GD-ĐT đã khẳng định là chưa có cơ sở cả pháp lý cơ sở khoa học. Chắc chắn là, theo tinh thần của đề án lần này, con số sẽ không thể tính toán theo kiểu đó. Vì đề án sẽ không có kinh phí tập trung mà phân bổ về các địa phương theo luật ngân sách, hàng năm. Không phải là cho một cục, thực hiện trong thời gian dài.

Ngay tại hội nghị này, một số ý kiến gay gắt cho rằng, cơ sở đề án chưa thực sự chắc chắn, thậm chí những tác động tích cực của đề án (giảm dạy thêm học thêm, quá tải, giảm bệnh thành tích chỉ là tưởng tượng...), vì vậy khó khả thi?

Tôi cũng nghĩ các ý kiến đó đều xác đáng, sâu sắc, cơ quan soạn thảo phải tiếp thu để hoàn thiện đề án. Nếu không đại biểu Quốc hội cũng sẽ thắc mắc như vậy.

Tôi cho rằng, điều kiện thực hiện đề án rất quan trọng. Kết quả giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa qua cũng đi đến nhận định cần có chương trình SGK phù hợp, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất phải đáp ứng yêu cầu.

Ví dụ chương trình nội dung quá cao mà điều kiện vật chất quá thấp, làm cho việc đổi mới những lần trước không thành công. Phải rút kinh nghiệm. Có khả năng đến đầu thì thực hiện đến đó, yêu cầu cao mà khả năng thực hiện thấp thì kết quả cuối cùng sẽ thấp.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nêu ý kiến, nếu đồng thời đổi mới ở cả 3 cấp học thì giống như xây tòa nhà 10 tầng cùng một lúc, không thể làm được, thưa ông?

Đấy là nói về lộ trình thực hiện. Tôi nghĩ những cấp học nào, lớp nào thay đổi không nhiều vẫn giữ được cơ cấu cơ bản hiện tại. Ví như tiểu học đã tốt rồi, sẽ thay đổi không nhiều, chúng ta có thể triển khai đổi mới đồng thời ở các lớp.

Nhưng ở trung học cơ sở, chúng ta sẽ đưa môn học tích hợp vào, hoàn toàn mới, chúng ta không thể làm ở cả cấp mà làm từng lớp đi lên. Phải có thời gian biên soạn SGK, biết chương trình lớp dưới mới làm được cho lớp trên.

Cơ sở vật chất cũng phải chuẩn bị. Khi cho các em học theo các môn tự chọn, cơ cấu lớp, giáo viên sẽ thay đổi theo hướng tăng lên. Những chỗ như vậy phải làm theo kiểu cuốn chiếu cả cấp học, đi từ dưới lên thì mới thành công.

Vậy điều lo ngại nhất của ông đối với đề án này là gì?

Lo ngại nhất là chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Trong trường hợp này, chúng tôi nhấn mạnh đội ngũ giáo viên, vì chúng ta thay đổi rất nhiều nội dung chương trình, sẽ làm thay đổi cơ cấu giáo viên.

Cái khó không phải đào tạo mới mà là đội ngũ giáo viên phải đào tạo lại. Hàng triệu con người phải thay đổi lại cơ cấu môn học, thay đổi chức năng giáo viên, thay đổi kiến thức mới khó. Chương trình hay mà giáo viên không dạy được thì coi như bằng không.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.