Vạn chài khát chữ

Vạn chài khát chữ
TP - 40 gia đình, hơn 200 nhân khẩu vạn chài Đặng Sơn (Đô Lương, Nghệ An) lênh đênh trên sông Lam, không chỉ đói cơm, thiếu gạo, mà còn khát chữ!
Vạn chài khát chữ ảnh 1
Làng chài đìu hiu

Dọc bờ sông, hàng chục chiếc thuyền san sát đậu bên nhau. Mỗi chiếc thuyền là một căn nhà di động, nơi sinh cơ lập nghiệp của cư dân vạn chài. Mọi sinh hoạt của một nửa dân xóm 6 Đặng Sơn diễn ra trên mặt nước.

Để cải thiện bữa ăn, nhiều gia đình có sáng kiến chăn nuôi gia cầm trên thuyền, dọc bờ sông. Những chiếc chuồng gà bé xíu buộc cạnh mạn thuyền, nằm chơ vơ trên cát, quạnh quẽ dưới cơn mưa phùn tháng Chạp.

Ông Ngô Văn Chuyên nhìn mẻ lưới vừa vớt lên từ đáy sông, thở dài. Lại một chiều trắng tay! Cá sông Lam ngày càng khan hiếm, làm quần quật từ sáng đến tối, lượng cá vợ chồng ông đánh bắt mang ra chợ bán chỉ đủ mua vài cân gạo.

“Đành túc tắc kiếm sống vậy thôi, biết mần răng chừ! Rời làng, chẳng biết đi đâu!”, ông Chuyên cúi mặt nhìn dòng nước đang thao thiết chảy. Gió thổi đến từ bờ Đông, se sắt.

Ngô Thị Ước, cô con gái ngồi đầu mũi thuyền chịu không nổi cơn lạnh, chui tót vào chăn. Không tivi, không đài, không xe máy, trong khoang thuyền của ông chẳng có tài sản nào đáng giá.

Sau khi ông Chuyên cưới vợ, cha mẹ cho ông chiếc thuyền làm kế sinh nhai. Vợ chồng vạn chài ra ở riêng trên chiếc thuyền bé nhỏ, chỉ đủ chỗ cho hai người. Hơn 20 năm vật lộn cùng dòng sông, ông Chuyên bà Trường sinh được năm đứa con: Ngô Văn Cầu, Ngô Thị Mận, Ngô Thị Mơ, Ngô Thị Ước, Ngô Thị Mong.

Đàn con đông đúc, chiếc thuyền- quà tặng ngày cưới không đủ chỗ tá túc cho gia đình bảy thành viên, ông Chuyên phải mua thuyền mới.

Vợ ông, bà Chu Thị Trường từng là học sinh giỏi huyện, nhưng phải bỏ học vì nhà nghèo. Ông Chuyên chỉ học đến lớp 7. Thế hệ thứ ba lênh đênh trên sông Lam, các con ông khát chữ hơn cha: Ngô Văn Cầu phải rời ghế nhà trường năm lớp 6, đi làm thuê. Mận, Mơ, Ước, Mong bỏ học năm lớp 3, lớp 4.

Không có chữ, các con ông chẳng biết đi đâu, đành quay về với mẻ lưới trên sông. Từ lớn chí bé, việc nặng nhẹ đều phải nai lưng ra làm. Mờ mịt tương lai, suốt đời họ lênh đênh sông nước...

Khát chữ

“Hôm họp bình bầu hộ nghèo, cán bộ xóm yêu cầu tôi rút ra khỏi diện hộ nghèo. Bây giờ, loại như tôi là cận nghèo!”.

Nhường suất nghèo cho bà con chòm xóm, ông Chuyên cũng chẳng phàn nàn điều chi. Ông chỉ buồn một điều, nghèo thực sự mà không được công nhận là hộ nghèo!.

Tôi hỏi người đàn ông làng chài: “Đặt tên con là Mơ, Ước, Mong, ông mơ ước điều chi?”. Ông Chuyên ngậm ngùi: “Mơ ước các con của tôi được cắp sách đến trường học cái chữ.

Ông Chuyên bảo: “Nhà tôi thế này còn khá, chứ như anh Nguyễn Đình In hàng xóm, thuyền rách nát hết rồi!”.

Cách bờ sông vài chục mét, nhà anh In đang buông neo, tròng trành trên sóng. Muốn đến hộ nghèo nhất xóm vạn chài Đặng Sơn, phải đi bằng thuyền độc mộc. Đó là loại thuyền cơ động ở vùng sông nước.

Quê ở phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, Nguyễn Đình In lên Đặng Sơn lập nghiệp, làm rể làng chài.

Gia đình bảy đứa con, nhưng chỉ có Nguyễn Đình Ngọc (SN 2000) là duy nhất đến trường. Các anh chị của Ngọc, Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Đình Hồng, Nguyễn Đình Dung, Nguyễn Đình Ưng đều phải bỏ học từ năm lớp 1, lớp 3.

Lý do khiến sáu đứa con của anh In không được đến lớp là vì hoàn cảnh quá nghèo, cha mẹ không đủ tiền cho con đóng học phí, tiền xây dựng trường. “Chúng tôi chẳng hề được miễn giảm một đồng nào cả- anh In than- Nuôi một vài đứa đi học đã khó, huống hồ chi gia đình tôi cả đàn con đông đúc”.

Ông Chu Văn Nhuận sinh năm con: Chu Thị Liên, Chu Thị Vân, Chu Văn Hải, Chu Văn Hòa, Chu Văn Hợp. Năm chị em, chỉ có một người đi học (Chu Văn Hợp, lớp 3), những người khác chỉ biết đọc, biết viết.

Ông Nguyễn Văn Quyết nuôi bốn đứa con, ba đứa mù chữ. Nguyễn Thị Hiền, người có học vấn cao nhất trong gia đình ông Quyết học chỉ đến lớp 6. Các em của Hiền, do điều kiện kinh tế khó khăn, chẳng một ngày đến trường. Vợ chồng anh Ngô Văn Vinh và chị Trần Thị Liên sinh bốn con, tất cả đều phải sớm từ giã mái trường, sớm hôm theo cha mẹ đi đánh cá.

Nguyễn Đình Ưng (SN 1993, con trai của anh Nguyễn Đình In) phải bỏ học từ năm lớp một. “Mỗi lần nghe tiếng trống tan trường, nhìn các bạn tung tăng cắp sách trên đường làng, em muốn khóc!”, Ưng nói. Mới 16 tuổi đầu mà nom cậu gân guốc, da sạm đen vì nắng gió.

Mười sáu tuổi, Nguyễn Đình Ưng trở thành lao động chính trong nhà. Suýt đột quỵ sau ca tai biến, đôi chân thương tật vì di chứng, chị Chu Thị Dung (mẹ của Ưng) chẳng làm lụng gì được, sống dựa vào chồng con. Chồng con chị trông chờ vào từng mẻ cá trên sông. Mùa rét, lũ cá sông Lam biến đi đâu mắt tăm. Cơn đói Giêng, Hai vần vũ trên những con thuyền bé nhỏ.

Tôi chèo thuyền trở lại nhà ông Ngô Văn Chuyên. Ông choàng tỉnh sau cơn ngủ vùi, đưa mắt nhìn xuống sông theo phản xạ nghề nghiệp: “Nước trong thế này, lại đói dài”.

Theo kinh nghiệm của dân vạn chài, nước đục mới hy vọng đánh bắt được cá tôm. Nhưng nước đục cũng có cái khổ của mùa nước đục. Thiếu nước sạch, xóm chài phải luân phiên nhau đi bộ sâu vào đất liền, xách từng can về dùng. Sinh sống trên sông, nhưng dân chài lại thường xuyên thiếu nước!

Làng không có ai vào đại học

Vạn chài khát chữ ảnh 2
Trẻ em vạn chài không có chỗ vui chơi

“Từ xa xưa tới giờ, vạn chài Đặng Sơn không có người nào học lên bậc cao, chỉ hết THPT”, Chu Văn Thương, con trai anh Chu Văn Lợi kể. 40 gia đình, hơn 200 nhân khẩu, chỉ có hai người học đến cấp ba. Thương học rướn lên lớp 10, nhưng cuối cùng đứt gánh nửa đường, lại quay về với nghề chài lưới. Cả làng hiện chỉ có Ngô Văn Hoàng đang theo học lớp 12 trường huyện. Số học sinh nhỏ tuổi bỏ học “nhiều không đếm xuể”.

Thanh niên vạn chài lớn lên, người phiêu dạt vào Nam làm thuê cuốc mướn, kẻ lưu lạc ra Bắc. Trở về quê, họ lại lênh đênh cùng nghề sông nước. Đánh cá, làm cửu vạn bốc vác cát sỏi cho các tàu khai thác vật liệu xây dựng trên sông, đám trai làng chẳng từ chối một việc gì dù nặng hay nhẹ, miễn là lao động chính đáng để kiếm thêm mỗi ngày dăm ba chục ngàn đồng đưa về phụ giúp cho gia đình. Một khúc sông vắng gần chân cầu Đô Lương, là nơi định cư của hàng trăm người không nhà, không đất ở, không vườn tược, thuyền là nhà.

“Dân vạn chài chúng tôi dường như chẳng được miễn giảm khoản đóng góp nào - Ông Ngô Văn Chuyên cho biết- Lạ lùng ở chỗ có em không đi học, hàng năm gia đình vẫn phải đóng góp tiền xây dựng trường”.

Một thế hệ cư dân vạn chài đang mòn đi vì khát chữ. Không được đến trường, không được học hành, tương lai của các em sẽ đi về đâu?  

Theo thống kê của Chi cục HTX-PTNT Nghệ An, dọc sông Lam địa phận các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn, có 735 hộ dân gồm 3.371 người sống bằng nghề chài lưới, thuộc diện cần đưa lên bờ định cư. Tổng mức đầu tư của dự án lên tới trên 112 tỷ đồng.

Sau hơn 3 năm, kể từ khi Văn phòng Chính phủ ra Thông báo số 152/TB-VPCP, chủ trương định cư làng chài trên sông Lam dường như vẫn nằm trên…giấy. Hàng tá công văn của Chi cục HTX-PTNT Nghệ An, Sở NN-PTNT địa phương, UBND tỉnh, Bộ KH-ĐT…đi lại như con thoi, nhưng dự án tiến triển với tốc độ rùa bò.

Tại Quyết định số 5800/QĐ-UBND ngày 23/12/2008 của UBND tỉnh Nghệ An (v/v giao chỉ tiêu kế hoạch đầu tư XDCB), chỉ ghi 3,4 tỷ đầu tư cho dự án tại Nam Đàn. Việc định cư làng chài vẫn án binh bất động.

Trước tết Nguyên đán, chúng tôi đề cập đến tình trạng hàng loạt học sinh làng vạn chài Đặng Sơn phải bỏ học vì nhà nghèo, một cán bộ phụ trách khối Văn xã huyện Đô Lương tỏ ra ngạc nhiên: “Làm gì có chuyện đó. Tôi sẽ kiểm tra lại”. Sau tết Kỷ Sửu, tôi trở lại Đặng Sơn, huyện vẫn chưa có động thái gì.

MỚI - NÓNG