'Ván bài lật ngửa' và Chánh Tín: Phim hay nhất, diễn viên tài năng nhất

'Ván bài lật ngửa' và Chánh Tín: Phim hay nhất, diễn viên tài năng nhất
TP - Phim Việt Nam hay nhất từ xưa đến giờ là phim nào? Câu hỏi này nếu trưng cầu bà con một cách rộng rãi thì chưa chắc có chung đáp số nhưng giả sử có cuộc bỏ phiếu đó, thì dễ Ván bài lật ngửa sẽ áp đảo các ứng viên để cuối cùng cũng lên ngôi thôi. Trưng cầu “diễn viên nổi tiếng nhất” có lẽ cũng vậy, khó ai cạnh tranh được Nguyễn Chánh Tín-Nguyễn Thành Luân.

NHẤT VÌ ÐÂU

Một trong những tiêu chí để định giá một bộ phim có lẽ là: ta có xem lại nó được không. Từng là phim hay nhưng có chịu được thử thách của thời gian không?

Ván bài lật ngửa không phải là tác phẩm điện ảnh toàn bích, viên ngọc không vết. Khi bộ phim này lên cơn sốt xình xịch suốt thập kỷ 80 thế kỷ trước, không hề thiếu những eo xèo phản biện, chẳng hạn: phim tình báo gì mà đơn giản thế, so với phim tình báo nước ngoài.

Vài phút dạo đầu phim - chung cho tất cả các tập, Nguyễn Thành Luân bước từ xe hơi xuống với áo măng - tô và mũ phớt thong dong đi dạo trong rừng cao su - hình ảnh này người thì mê nhưng cũng có người bảo bắt chước 17 khoảnh khắc của mùa xuân - phim tình báo dài tập xuất sắc của Liên - xô do diễn viên lừng danh Vyacheslav Tikhonov đóng chính. Diễn xuất của Nguyễn Chánh Tín cũng bị so sánh rất nhiều với Vyacheslav và Stephan Danailov (vai Deyanov, phim Trên từng cây số). Kể cả vẻ đẹp và phong thái vừa trí thức vừa lãng tử của Nguyễn Chánh Tín trong phim cũng bị soi xem có cố tình dập khuôn Alain Delon của Pháp…

Hồi đó kể cả khi đang thích bộ phim này, tôi cũng từng nghĩ khán giả nước ngoài mà xem Ván bài lật ngửa chắc gì đánh giá cao, có khi còn lấy làm khó hiểu. Quá nhiều nhân vật cho 8 tập, và có những nhân vật, những câu chuyện, những tình tiết mà chỉ người quan tâm, am hiểu lịch sử Việt Nam thời kỳ đó mới cảm thụ được một cách trọn vẹn.

Nhưng so với tiêu chí trên kia- có xem lại được không sau bao năm, thì tôi nghĩ Ván bài lật ngửa vẫn khả dĩ nhất trong kho tàng phim Việt. Cho dù kỹ thuật làm phim thời đó nhìn lại thấy lạc hậu chỗ này chỗ nọ chăng nữa, hoặc những hạn chế khác.

Chiều dài 8 tập của Ván bài lật ngửa khiến nó vượt xa mọi phim Việt về độ hoành tráng, lớp lang, sự dày dặn, sự gay cấn, độ phức tạp... Tôi nghĩ giá kéo dài nữa thì phim vẫn đủ sức làm mưa làm gió màn ảnh Việt. Đó là bởi tác giả Nguyễn Trương Thiên Lý tức Trần Bạch Đằng và đạo diễn Lê Hoàng Hoa tức Khôi Nguyên đều là những bậc kỳ tài. Và phim được như thế còn bởi tập hợp được đội ngũ diễn viên tài năng, hấp dẫn, in đậm trong ký ức của khán giả.

Thời đó ai cũng biết và nhắc họ, bàn luận về họ: Từ Nguyễn Thành Luân cho đến Ngô Đình Nhu, Trần Lệ Xuân, Lý Kai, Bảy Cầu Muối, gã đầu bạc…Chính ra, diễn xuất của Thúy An và Thanh Lan (vai Thùy Dung) lại có vẻ nhẹ ký hơn cả, trong so sánh với vô số nhân vật chính diện và phản diện vô cùng ấn tượng của bộ phim.

Tôi nghĩ, 8 tập Ván bài lật ngửa khi ra mắt chắc khiến nhiều diễn viên của miền Bắc phải xem lại cách diễn xuất của mình. Cũng có nghĩa nhiều đạo diễn phải xem lại cách chỉ đạo diễn xuất của mình. Không phải tất cả nhân vật và diễn viên trong Ván bài lật ngửa đều “đỉnh” nhưng đội ngũ trùng điệp gương mặt đáng xuýt xoa đến thế khiến khán giả thấy ngợp.

Cũng chưa bao giờ thấy nhiều diễn viên Việt Nam đẹp đến thế trong một bộ phim. Nhất là quá nhiều nhân vật và diễn viên vừa đẹp vừa nam tính, từ vai chính Nguyễn Thành Luân cho đến vai phụ - thiếu tá Vọng của Thương Tín chẳng hạn, rất phụ như bác sĩ, thủ lĩnh Fulro Y-mơ Ê-ban (Trần Quang đóng), hoặc tướng Tôn Thất Đính… Các vai tướng tá quân đội Sài Gòn đều diễn xuất rất chân thực, đàn ông.

Cho nên dù còn những hạt sạn, dù đôi chỗ ngô nghê, nhưng sau khi cộng trừ thì “Ván bài” dài hơi này vẫn xứng đáng là bộ phim ấn tượng nhất của điện ảnh Việt Nam. Vai chính của phim do Nguyễn Chánh Tín thủ diễn cũng là vai hay nhất của điện ảnh Việt, được thể hiện bởi diễn viên tài năng nhất, không thể có ai hơn.

Một khán giả như tôi hồi đó, nhờ xem phim này mà thấy tiếng Sài Gòn là tuyệt hay, cũng từ đó tôi cho rằng giọng Sài Gòn chuẩn phải là Nguyễn Chánh Tín (luôn lồng cho nhân vật của mình không chỉ phim này).

KHEN CHO CON MẮT TINH ÐỜI

Mấy hôm nay, báo chí viết về Chánh Tín có nói anh không phải là lựa chọn đầu tiên cho vai Nguyễn Thành Luân, nhưng không nói rõ ai là người đầu tiên đó. Hoặc là có vài phương án “đầu tiên”?

Chục năm trước, trong một bài tôi phỏng vấn Trần Quang, người mà trước 1975 từng được ví von là “Marlon Brando Việt Nam”, “Clark Gable Việt Nam”, ông đã xác nhận rằng ông từng được đạo diễn Lê Hoàng Hoa thử thách vài cảnh để thi thố với Chánh Tín, rằng tác giả Trần Bạch Đằng nghĩ Chánh Tín trẻ quá so với nhân vật (Trần Quang hơn Chánh Tín 10 tuổi).

Trần Quang giải thích lý do mình không được chọn: “Hồi đó tôi hư lắm, hay trốn, hay vắng mặt” và “sau khi biết người bạn của mình được chọn thì tôi không bao giờ băn khoăn nữa, nhưng đôi lúc tôi nghĩ nếu được chọn thì tôi cũng sẽ diễn rất tốt”. “Cụ thể ông sẽ diễn thế nào? Phong trần hơn chăng?”. “Có lẽ trầm lắng hơn. Diễn như không diễn. Vì là nhân vật tình báo, cuộc sống hai mặt, không ai biết anh ta nghĩ gì, định làm gì. Con thú tật nguyền, Vết thù năm tháng hay phim khác tôi đóng, nhiều khi chỉ cần một ánh mắt mình dịu đi, ánh mắt mình ánh lên, bàn tay mình để trên bàn xoay nhẹ đã ra nhân vật”.

Thời đó,  đất nước mới thống nhất được ít năm, khán giả miền Bắc có độ tò mò rất lớn về mảnh đất, con người phương Nam, và nghệ thuật của vùng đất này. Một phim như Ván bài lật ngửa  khiến họ phần nào thỏa mãn sự tò mò ấy, với hiệu ứng tích cực, tốt lành.

Dù hâm mộ vẻ đẹp và diễn xuất rất đàn ông của Trần Quang (với Tội lỗi cuối cùng, Ván bài lật ngửa và một số phim của điện ảnh Sài Gòn cũ) nhưng trong cuộc phỏng vấn ấy, tôi cũng nói như trêu Trần Quang rằng Trần Quang dù hàng ria và ánh mắt “dễ sợ” nhưng điệu hút thuốc hoặc sải chân không quyến rũ bằng Chánh Tín đâu”. Ông tỏ ra ngạc nhiên:Thế à?”.

Nói về ngoại hình cũng như diễn xuất, một số khán giả cho rằng Thương Tín nom đàn ông hơn Chánh Tín. Khán giả như nhà văn Hồ Anh Thái cũng nói với tôi khi NSND Thế Anh vừa ra đi: “Phụ nữ mê Chánh Tín nhưng đàn ông như ta thích Thế Anh hơn đấy”. Để củng cố nhận định của mình, anh gửi cho tôi đường dẫn loạt phim cũ của Thế Anh, trong đó có những vai không nhiều người biết như vai tên biệt kích trong phim Không nơi ẩn nấp, để thấy sự đa dạng của Thế Anh.

Thế Anh thì đa dạng rồi. Thương Tín cũng thế, đóng chính diện như Tình khúc 68, Biệt động Sài Gòn hoặc phản diện như Ván bài lật ngửa đều ra vấn đề. Nhiều diễn viên khác cũng đầy tài năng. Nhưng để có một Nguyễn Thành Luân như ta đã thấy thì phi Nguyễn Chánh Tín, không ai làm nổi.

Phải rồi, đó là một thước đo, để phân tài cao thấp: Có vai diễn nào mà ngoài họ ra thì không ai làm nổi không? Nhìn sang điện ảnh Âu - Mỹ, hoặc  điện ảnh xã hội chủ nghĩa ngày xưa, thì dễ lắm. Giả sử tôi cho rằng không ai ngoài Ludmila Savelieva có thể đóng Natasa trong Chiến tranh và hòa bình tuyệt đến thế, quyến rũ đến thế (Audrey Hepburn- huyền thoại điện ảnh Mỹ không thể bằng nhé). Hoặc trường hợp Leonardo Di Caprio vai Jack cũng vậy dù phim Titanic khá sến). Nhiều ví dụ nữa. Nhưng Việt Nam ta chắc khó có ai khiến được người ta nghĩ: “trừ người này không ai kham được vai đó”. Song Chánh Tín với Nguyễn Thành Luân là ngoại lệ!

Nói “tài năng nhất” là vì như thế đó

Hôm qua, tôi ngồi lần hồi xem lại một số thước phim đã khiến người này lên đỉnh cao danh vọng. Thì thấy ngay từ tập 1- Đứa con nuôi vị linh mục, từng ánh mắt cử chỉ, cái nhướn mày, nhất là lúc chuẩn bị lâm vào tình thế hiểm nghèo, đã khác người lắm. Dáng dấp phong lưu của một quý ông đích thực. Đài từ vô cùng đẹp, phân câu nhả chữ vô cùng hợp lý. Thoại phim lại tốt khiến cứ phải giỏng tai lên mà nghe.   

Đoạn cuối của tập 8 - Vòng hoa trước mộ cũng là tập cuối bộ phim, Ngô Đình Nhu yêu cầu Nguyễn Thành Luân đi theo mình xuống hầm và khi biết tình thế bi đát của mình- quân đội đã đảo chính thật rồi,  Nhu nói “Cho đến giờ phút này, tôi gom hết các sự kiện và hiểu rõ anh. Anh đã thắng tôi trong một ván bài mà mọi quân bài đều lật ngửa. Giờ phút này tôi vẫn có thể xóa anh tuy nhiên tôi sẽ không làm điều đó. Tôi không muốn anh chịu chung số phận với anh em tôi. Anh nên ra đi trước khi quá muộn”. Phát giác chân tướng Nguyễn Thành Luân nhưng Nhu vẫn ra lệnh cấp dưới “đưa đại tá Luân ra khỏi hầm, bảo vệ an toàn cho đại tá”.  Ánh mắt, gương mặt Nguyễn Thành Luân lúc này không chê vào đâu được, kể cả có lúc phần nào chột dạ, e ngại (rất con người). Và cuối cùng, trên hết, vẫn là bản lĩnh và sự điềm đạm tuyệt vời: “Cảm ơn anh. Đối với tôi, cái lớn nhất là Tổ quốc và lý tưởng mà tôi đeo đuổi. Tôi mong anh và tổng thống may mắn”.

Trong một cuốn sách tình báo, tôi nhớ người ta viết rằng người làm nghề tình báo nên có vẻ ngoài mờ nhạt để không bị ai để ý. Theo tiêu chí đó thì dường như nhà tình báo Nguyễn Thành Luân lại không đạt yêu cầu, bởi nổi bật quá? Đùa thôi, phim ảnh khác ngoài đời, và dù cho những nhận định của người quen về con người, tính cách Nguyễn Chánh Tín không phải bao giờ cũng trùng khớp, nhưng Nguyễn Thành Luân của anh ở đỉnh vinh quang lâu như vậy là hoàn toàn xứng đáng. Cho nên mới nói, khen cho con mắt tinh đời Trần Bạch Đằng- Lê Hoàng Hoa vì đã phát hiện được “Deyanov Việt Nam”, “Alain Delon Việt Nam” duy nhất.

Chánh Tín đẹp trai thì ai cũng thấy, nhưng người chốt hạ “đẹp trai nhất Việt Nam” chính là nhạc sĩ Phú Quang. Ông nói với tôi như vậy từ năm 1994, và cho đến thời điểm đó, người phụ nữ xinh đẹp nhất Việt Nam theo ông là “nữ hoàng ảnh lịch”  Diễm My. Diễm My thì tôi khoan bàn (vì chưa thẩm định được hình thể) còn Nguyễn Chánh Tín - nhất trí luôn.  Rõ là “Deyanov Việt Nam”, “Alain Delon Việt Nam”, chứ còn ai vào đây nữa. 

'Ván bài lật ngửa' và Chánh Tín: Phim hay nhất, diễn viên tài năng nhất ảnh 1 Chân dung Chánh Tín thuở thiếu thời
'Ván bài lật ngửa' và Chánh Tín: Phim hay nhất, diễn viên tài năng nhất ảnh 2 “Ván bài lật ngửa” từ trang sách đến màn ảnh, trở thành ký ức đẹp của người hâm mộ và đem lại vinh quang cho Nguyễn Chánh Tín
MỚI - NÓNG