Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân:

Ưu tiên hợp nhất, sáp nhập nguyên trạng

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân
TPO - Việc triển khai thực hiện tới đây sẽ ưu tiên sáp nhập, hợp nhất nguyên trạng một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn vào đơn vị hành chính cùng cấp liền kề đã từng được chia tách trước đây.

Ưu tiên hợp nhất nguyên trạng

Bộ Nội vụ đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cầp huyện và cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi thông qua. Trên cơ sở số liệu báo cáo của UBND các tỉnh, thành, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, tính đến 30/4/2018, có đến 588/713 đơn vị hành chính cấp huyện (chiếm 82,47%) và 9.434/11.162 đơn vị hành chính cấp xã (84,52%) chưa đạt một trong hai tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên.

Để cụ thể hóa Nghị quyết số 18 của Hội nghị Trung ương 6, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 37 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cập xã. Bộ Chính trị giao Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, sửa đối, hoàn thiện pháp luật liên quan đến việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Mục tiêu được đặt ra từ nay đến năm 2021 là cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% của cả 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Đồng thời, khuyến khích các địa phương thực hiện sáp nhập huyện, xã còn lại chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định khi bảo đảm các yếu tố thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị và được đa số nhân dân đồng thuận.

Về nguyên tắc, việc hợp nhất phải theo lộ trình tổng thể chung của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong từng giai đoạn; thực hiện đúng quy trình, thủ tục theo quy định, bảo đảm công khai, dân chủ. Trong đó sẽ ưu tiên sáp nhập, hợp nhất nguyên trạng một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn vào đơn vị hành chính cùng cấp liền kề đã từng được chia tách trước đây, hoặc đơn vị hành chính có tương đồng về điều kiện địa lý - tự nhiên, phong tục, tập quán, lối sống cộng đồng dân cư.

Cũng theo Bộ Nội vụ, khi sáp nhập, hợp nhất, điều chỉnh một hoặc một số đơn vị hành chính (nông thôn hoặc đô thị) mà giảm được số lượng đơn vị hành chính thì tại thời điểm sắp xếp không xem xét điều kiện, tiêu chuẩn của đơn vị mới khi được hợp nhất. Sau sắp xếp phải tiến hành điều chỉnh quy hoạch, rà soát chất lượng đô thị đối với đơn vị hành chính đô thị mới, nếu chưa đạt tiêu chuẩn về chất lượng đô thị thì tập trung đầu tư để đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Không tăng số lượng lãnh đạo, công chức

Dự thảo nghị quyết nhấn mạnh, khi sáp nhập cấp huyện, xã chưa đạt 50% cả 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số thì không nhất thiết đơn vị hành chính mới sau sáp nhập phải đạt đủ hai tiêu chuẩn trên, nhưng ít nhất cũng phải đạt một trong các điều kiện: Có một tiêu chuẩn đạt từ 100% trở lên, tiêu chuẩn còn lại phải đạt trên 50% theo quy định; có một tiêu chuẩn đạt từ 200% trở lên, tiêu chuẩn còn lại phải đạt trên 25% theo quy định; có một tiêu chuẩn đạt từ 300% theo quy định trở lên; có từ 3 đơn vị hành chính cùng cấp trở lên sáp nhập, hợp nhất thành một đơn vị hành chính cùng cấp mới.

Đáng lưu ý, trong trường hợp cấp huyện, xã chưa đạt tiêu chuẩn về điện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định, nhưng nếu có một trong các yếu tố đặc thù sau thì không bắt buộc phải sáp nhập: Có điều kiện vị trí địa lý - tự nhiên biệt lập với các đơn vị hành chính khác ở khu vực hải đảo, cù lao; có truyền thống, lịch sử hình thành và giữ ổn định từ trước năm 1945 đến nay; có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh, khu vực biên giới mà nếu sắp xếp, sáp nhập với các đơn vị hành chính khác sẽ gây xáo trộn, tạo bất ổn về quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Đối với các trường hợp nêu trên, nếu bảo đảm các điều kiện thuận lợi thì tùy tình hình thực tế mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Chính phủ xem xét thực hiện việc sắp sếp.

Về bộ máy sau khi sáp nhập, dự thảo quy định rõ, số lượng lãnh đạo (người đứng đầu và cấp phó) và số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, đơn vị mới không vượt quá số lượng hiện có của các cơ quan, đơn vị tiến hành sáp nhập, hợp nhất.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.