Chiều 10/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc điều chỉnh địa giới hành chính 2 xã và thành lập thị trấn Thường Thới Tiền thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp; sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 6 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập thành phố Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, 2 xã của Chí Linh được sáp nhập là Kênh Giang và Văn Đức. Sau sáp nhập được lấy tên là xã Văn Đức.
Còn 6 phường thuộc thị xã Chí Linh được thành lập gồm: Phường Hoàng Tiến trên cơ sở xã Hoàng Tiến; phường An Lạc trên cơ sở xã An Lạc; phường Đồng Lạc trên cơ sở xã Đồng Lạc; phường Tân Dân trên cơ sở xã Tân Dân; phường Cổ Thành trên cơ sở xã Cổ Thành; phường Văn Đức trên cơ sở xã Văn Đức (sau sáp nhập).
Với việc thành lập thành phố Chí Linh được thực hiện trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của thị xã Chí Linh.
Sau khi sáp nhập và thành lập thành phố Chí Linh thì thành phố này có diện tích tự nhiên 282,917 km2 với dân số 220.421 người; có 19 đơn vị hành chính với 14 phường và 5 xã.
Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, việc sáp nhập 2 xã trên là thực hiện theo Nghị quyết 18 của hội nghị T.Ư 6. Việc sáp nhập được thực hiện đối với những đơn vị hành chính không đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định.
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, tại phiên họp của ủy ban này, 100% ý kiến đồng ý với tờ trình của Chính phủ và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết.
Đây là hai xã sáp nhập đầu tiên trong cả nước thực hiện theo Nghị quyết 18 của hội nghị T.Ư 6. Sau khi thảo luận, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất ban hành Nghị quyết sáp nhập 2 xã, thành lập 6 phường và nâng thị xã lên thành phố Chí Linh; thống nhất ban hành Nghị quyết về việc thành lập thị trấn Thường Thới Tiền, thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Cả hai Nghị quyết đều có hiệu lực từ 1/3/2019.