Ưu đãi cho doanh nghiệp: Sính ngoại hơn nội?

Doanh nghiệp ngoại luôn được nhiều ưu đãi hơn doanh nghiệp nội. Ảnh: Như Ý (Ảnh chụp tại Nhà máy lắp ráp xe Piaggio)
Doanh nghiệp ngoại luôn được nhiều ưu đãi hơn doanh nghiệp nội. Ảnh: Như Ý (Ảnh chụp tại Nhà máy lắp ráp xe Piaggio)
TP - So với doanh nghiệp (DN) trong nước, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn nhận được nhiều ưu đãi hơn. Nhờ đó, họ chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, và nhiều năm liên tiếp xuất siêu (nhưng chỉ đóng góp khoảng 14% thu ngân sách).

Loạn ưu đãi

Thống kê của Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho thấy, những năm gần đây, mỗi năm Việt Nam giải ngân khoảng 10 tỷ USD vốn FDI. “Những năm qua, khu vực FDI đóng góp lớn cho phát triển kinh tế xã hội Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh đầu tư ngân sách và đầu tư trong nước gặp nhiều khó khăn”, ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Đầu tư Nước ngoài nói.

Tuy nhiên, để đạt được những con số ấn tượng đó, Việt Nam đã dành rất nhiều chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư FDI. Đặc biệt, tập trung vào ưu đãi tài chính, như miễn giảm thuế (thuế thu nhập DN, thuế xuất nhập khẩu, thuế lợi tức), miễn giảm tiền sử dụng đất, ưu đãi tín dụng, thậm chí hỗ trợ giải phóng mặt bằng… Ưu đãi được tất cả các cấp đưa ra, từ trung ương tới địa phương.

Ông Quang cho rằng, dù chúng ta có nhiều chính sách ưu đãi thu hút FDI, nhưng dường như không thành công trong 3 vấn đề: Đầu tư FDI vào khu vực khó khăn (như vùng Tây Bắc, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên…); thu hút FDI vào công nghệ cao; thu hút FDI vào nông nghiệp.

“Giai đoạn từ năm 2000 - 2005, ưu đãi cho DN FDI luôn nhiều hơn DN trong nước. Thậm chí các tỉnh chạy đua ưu đãi để thu hút FDI, gây bất ổn cho hệ thống đầu tư cả nước.Tuy nhiên, hiện nay các chính sách ưu đãi cho DN trong và ngoài nước đã bình đẳng, chặt chẽ hơn, hạn chế ưu đãi cấp tỉnh”, ông Quang nói.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, ưu đãi FDI không nên để dẫn tới cản trở đầu tư trong nước (phải hỗ trợ DN trong nước). “Nhiều ưu đãi cho DN FDI mà DN trong nước không có được”, ông Doanh nói.

Ông dẫn chứng về ưu đãi đất đai cho các nhà bán lẻ nước ngoài: Được ưu tiên cấp những vị trí đẹp, rộng rãi. Trong khi nhà bán lẻ nội (như Coopmart, Fivimart) dù chạy vạy vẫn không được, phải thuê những vị trí trước đó không phải thiết kế làm siêu thị.

“Cần hướng tới môi trường đầu tư bình đẳng hơn; ưu đãi tất yếu gây méo mó môi trường đầu tư, dẫn tới hậu quả khó kiểm soát”, ông Doanh nói.

Theo chuyên gia này, Việt Nam nên tích cực cải cách, cải thiện kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nhân lực… sẽ thu hút được nhiều vốn FDI hơn, thay vì phải ưu đãi nhiều như hiện nay. Ngoài ra, cần tăng cường giám sát, quản lý, đánh giá hiệu quả ưu đãi.

Cần tính lại cách ưu đãi

Theo kết quả nghiên cứu về “Ưu đãi đầu tư và kết quả hoạt động của DN FDI tại Việt Nam”, do Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) công bố sáng 26/6; so với DN trong nước các DN FDI nhận ưu đãi có hiệu quả hoạt động tốt hơn, tuyển dụng lao động nhiều hơn, lương cao hơn…

Tuy nhiên, những DN này ít tham gia vào thị trường trong nước (chủ yếu xuất khẩu). “Chỉ cần hoạt động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng đủ để DN FDI tạo ra hiệu quả, không cần tới ưu đãi”, báo cáo đánh giá.

Dù nhận nhiều ưu đãi, nhưng theo nhóm nghiên cứu, các DN FDI ít có xu hướng đầu tư trong tương lai so với các DN trong nước. Do đó, ưu đãi vẫn đóng vai trò thu hút FDI trong nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, các ưu đãi tài chính, thuế có xu hướng chỉ đóng vai trò bổ sung, không phải nhân tố quyết định trong tiến trình thu hút đầu tư.

Do đó, UNIDO đưa ra gợi ý, Việt Nam cần xét kỹ hơn việc cấp ưu đãi cho nhà đầu tư. Do đây là chính sách rất tốn kém, tạo biến dạng hệ thống thuế quốc gia và những hạn chế về ngân sách đối với nước sở tại. Đồng thời, các ưu đãi cần được rà soát liên tục nhằm đánh giá sự hiệu quả với DN…

PGS. TS Tạ Lợi, Trưởng Bộ môn Kinh doanh Quốc tế (ĐH Kinh tế Quốc dân) cho rằng, thời gian dài qua, Việt Nam đã quá chú trọng tới ưu đãi thuế, đất, tài chính. Trong khi, các nhà đầu tư FDI kỳ vọng nhiều hơn, đặc biệt là ưu đãi chính sách. Ông dẫn chứng, nếu DN không dùng nguyên liệu Trung Quốc, thay vào đó bằng nguồn cung từ các nước ASEAN sẽ tăng chi phí 8-10% (so với nhập của Trung Quốc). Do đó nhà nước cần có chính sách hỗ trợ DN thay đổi nguồn cung.

Ông Đặng Xuân Quang cho biết, nhà quản lý đang hướng tới giám sát chặt chẽ hơn việc cấp ưu đãi cho DN FDI. Nếu DN được cấp ưu đãi, nhưng khi hoạt động không đạt các tiêu chí đề ra sẽ bị cắt, thậm chí bị phạt.

“Chúng ta hướng tới ưu đãi được xem xét trên từng dự án, thậm chí đàm phán với DN trên cơ sở tiêu chí, mục tiêu cụ thể”, ông Quang nói.

Theo đó, thời gian tới sẽ thay đổi chính sách ưu đãi, sẽ có cả ưu đãi cơ chế.

Hiện đầu tư FDI chiếm 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội (đóng góp 18-19% vào GDP, 14% cho thu ngân sách, tạo ra 2,7 triệu việc làm trực tiếp). Đáng chú ý, khối DN FDI đang chiếm tỷ trọng lớn và ngày càng tăng trong cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2014, khối FDI chiếm 67,5% kim ngạch xuất khẩu, 56,5% kim ngạch nhập khẩu.

MỚI - NÓNG