Tàu thép ước mơ thành hiện thực - Bài cuối

Liên kết vay vốn ưu đãi

Theo anh Mười, ngư dân sẽ liên kết để chủ động vốn đầu tư đóng tàu thép Ảnh: Nguyễn Huy
Theo anh Mười, ngư dân sẽ liên kết để chủ động vốn đầu tư đóng tàu thép Ảnh: Nguyễn Huy
TP - Tàu thép có vốn đầu tư gấp 60-70% so với tàu cá truyền thống. Tuy nhiên, nhiều ngư dân miền Trung đang có nhiều mô hình liên kết, bắt tay hùn hạp, chung vốn đầu tư để đóng mới, hiện đại ngư lưới cụ tàu thép.

Hùn vốn đóng tàu thép

Đang trực tiếp hành nghề câu mực, anh Trần Văn Sơn (49 tuổi, P.Mân Thái, Sơn Trà, Đà Nẵng), máy trưởng tàu ĐNa 90567TS bàn cùng anh Trương Công Chín (quê Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam), thuyền trưởng tàu ĐNa 90567 và thuyền viên Trần Tiến Hùng (Sơn Trà) liên kết chung vốn đóng tàu thép. Anh Sơn nói: ngư dân đóng tàu mới như xây nhà vậy.

Phải an cư mới lạc nghiệp. Tàu vốn đầu tư lớn, một người khó lo xuể nhưng thêm nhiều bạn chung vốn sẽ khả thi. Anh Trần Văn Mười (37 tuổi, P.Mân Thái), chủ tàu ĐNa 90567TS cho hay: ban đầu, tôi định đóng riêng một tàu thép. Nhưng trước nguyện vọng của anh em, tôi vừa quyết định cùng Cty Ứng phó sự cố tràn dầu dịch vụ hàng hải Bảo Duy (Nại Hiên Đông, Sơn Trà) lập dự án đóng mới 2 chiếc tàu thép.

Theo anh Mười, con tàu gỗ ĐNa 90567 công suất 950CV, mỗi chuyến biển cần đến 2 thuyền trưởng, 1 máy trưởng và 45 lao động. Khi tàu đến khu vực khai thác, các thuyền viên thả thúng, trôi vị trí khác nhau để câu mực. Năng suất cao nhưng nhân lực đông, việc “bổ đầu người” lợi nhuận không đáng kể. Với tàu thép, anh Mười chuyển nghề chụp mực.

Ngư dân chỉ cần đứng trên tàu, trong đèn cao áp, mực sẽ bu lại và chụp. Mỗi tàu chỉ cần 12-13 lao động, 1 thuyền trưởng, máy trưởng. Con tàu gỗ ĐNa 90567TS sẽ được cải hoán, chuyển sang tàu chụp mực. Do đó, với đội ngũ lao động sẵn có, biên đội 2 tàu thép, 1 tàu gỗ của anh Mười sẽ không lo thiếu nhân công.

“Cái chính là vốn đầu tư tàu thép, ngư lưới cụ cho nghề chụp mực rất tốn kém. Chỉ tính riêng hệ thống dàn đèn chụp mực 250 bóng, mỗi bóng 2 triệu đồng, 2 máy phát điện đèn chụp, 1 máy phát điện riêng cho khoang hàng cấp đông, máy dò tầm trung “ngốn” hết 3-4 tỉ đồng”, anh Mười nói.

Theo dự toán, vốn ban đầu lớn, nhưng với việc giảm số lượng lao động, tăng năng suất khai thác, việc thu hồi vốn không quá khó khăn. Dự kiến, trong 10 năm, tàu đủ khả năng trả tiền gỗ, lãi, và có thêm thu nhập cho các thuyền viên trên tàu.

Trước đó, anh Phan Bé (Đức Phổ, Quảng Ngãi) hùn vốn với ngư dân Lê Văn Sang (Đà Nẵng) đóng mới tàu thép hành nghề lưới vây rút chì, kiêm hậu cần Sang Fist.

Anh Sang cho biết: với xu hướng tàu thép hiện nay, mô hình ngư dân cùng liên kết vay vốn ưu đãi, chủ động nguồn vốn đối ứng sẽ rất phổ biến. Không chỉ chung tay liên kết vốn, đội ngũ tàu thép sẽ có mô hình liên kết chuyên sâu về kỹ năng đánh bắt, tìm kiếm ngư trường, hỗ trợ đánh bắt hải sản. Tàu Sang Fist đầu tư riêng 1,7 tỷ sắm máy tầm ngư vào loại hiện đại nhất trong các tàu cá của Việt Nam.

Khi đánh bắt trên biển, tàu Sang Fist làm nhiệm vụ tiên phong tìm kiếm ngư trường, kêu gọi các tàu trong tổ đội cùng đánh bắt khi phát hiện các “tọa độ cá”.

Tăng tính trách nhiệm

Tại Quảng Ngãi, ngư dân khá hồ hởi đón chủ trương đóng mới tàu thép. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh lập kênh tiếp nhận hồ sơ đóng tàu cho ngư dân.

Ngoài tàu vỏ thép đầu tiên bàn giao cho ngư dân Mai Thành Văn (Bình Sơn), dự kiến có khoảng 200 tàu vỏ thép được đóng mới trong thời gian tới. Trước mắt huyện đảo Lý Sơn được chọn triển khai thí điểm đóng mới vài chục tàu thép. Khi Chính phủ ban hành chính sách thí điểm hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi đóng tàu vỏ thép (năm 2012), địa phương này phê duyệt 11 hồ sơ đăng ký (9 ngư dân và 2 doanh nghiệp).

“Chúng tôi rà soát, xác định những chủ tàu đủ tiềm lực kinh tế, kinh nghiệm đánh bắt tham gia dự án, đồng thời mở hướng liên kết với các ngư dân, mỗi tàu có vài hộ ngư dân cùng làm chủ, đánh bắt”, ông Phan Huy Hoàng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi nói.

Theo anh Mười, trước đây mỗi tàu mỗi chủ, việc ăn chia sản phẩm có “quy luật” giữa chủ và bạn, giữa năng suất và sản phẩm từng người. Với cách làm này, chủ tàu được chia phần nhiều nhưng hoàn toàn chịu trách nhiệm về tài sản, tính mạng, năng suất đánh bắt. Sản phẩm đánh bắt nhiều, ngư dân hưởng nhiều tiền công.

Nhưng nếu thua lỗ, chủ tàu thường là người gánh chịu lỗ tổn (chi phí chuyến biển vươn khơi). Mô hình liên kết, chung vốn tàu thép, các thành viên sẽ tăng tính trách nhiệm hơn, cùng chia sẻ thuận lợi, khó khăn để đạt mục tiêu đánh bắt hiệu quả nhất. “Gánh nặng vốn đầu tư nhưng xét cho cùng, dự án tàu vỏ thép đang mở ra nhiều triển vọng đánh bắt, cách làm ăn trên biển cho ngư dân. Hiện đại, chuyên nghiệp và liên kết sâu hơn”, anh Lê Văn Sang nói.

Chủ động, hạn chế rủi ro

Theo dự thảo chính sách thí điểm hỗ trợ ngư dân, tàu cá trên 380CV được tham gia gói ưu đãi. Trong đó, tập trung tàu vỏ thép, tàu hậu cần dịch vụ đánh bắt xa bờ. Dự kiến, 2 kênh chính tiếp nhận hồ sơ vốn ưu đãi: từ danh sách phê duyệt của địa phương và trực tiếp các ngân hàng thẩm định, lựa chọn khách hàng.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Đà Nẵng đánh giá, ưu điểm chính sách lần này hướng đến sự đồng bộ, đầy đủ, bao quát nhiều phạm vi và đối tượng hưởng thụ.

Đặc biệt, cơ chế mới tạo chủ động cho tổ chức tín dụng lựa chọn người vay có kinh nghiệm, có năng lực tài chính, có khả năng quản lý tốt nhất để đảm bảo việc sử dụng vốn, khai thác tài sản có hiệu quả, tăng khả năng thu hồi vốn; thay vì chỉ lựa chọn trong danh sách các chủ tàu theo đề nghị của địa phương.

Theo các địa phương, thực tế, chương trình cho vay đánh bắt xa bờ trước đây (năm 1997) cho thấy nhiều hạn chế, tỷ lệ rủi ro trong cho vay cao.

“Chúng tôi rà soát, xác định những chủ tàu đủ tiềm lực kinh tế, kinh nghiệm đánh bắt tham gia dự án, đồng thời mở hướng liên kết với các ngư dân, mỗi tàu có vài hộ ngư dân cùng làm chủ, đánh bắt”.

Ông Phan Huy Hoàng,

Phó giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi

Do ngư dân làm ăn thua lỗ không có khả năng trả nợ; tài sản thế chấp là con tàu nhưng thuộc tài sản di động, hoạt động ngoài vùng biển xa nên dễ xuống cấp, hư hỏng. Trong khi một bộ phận khách hàng vay vốn thiếu trách nhiệm trả nợ dẫn đến việc thu hồi vốn khó khăn trong nhiều năm, tỷ lệ nợ xấu cao; Không có quy trình quy định chặt chẽ, ràng buộc trách nhiệm.

Dự thảo lần này, cũng quy định thế chấp tài sản là chính con tàu vay vốn đóng mới nhưng quy định cơ chế tài chính, cơ chế xử lý rui ro cụ thể: xử lý theo hợp đồng bảo hiểm; nguồn vốn dự phòng, phát mại tài sản…

Vay vốn trong 4 ngày


Theo ông Nguyễn Quang Đông, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng BIDV Bình Định, 2 chi nhánh BIDV Bình Định và Phú Tài (Bình Định) cùng lập các tổ vay vốn lưu động trực tiếp giải quyết hồ sơ vay vốn ưu đãi cho ngư dân. Nguồn vốn vay lưu động ngắn hạn này, được BIDV Bình Định triển khai ngay từ 9/6.

Riêng nguồn vốn vay ưu đãi đóng tàu thép, BIDV Bình Định tiếp nhận hồ sơ từ ngư dân và trực tiếp tìm kiếm nguồn khách hàng. Hiện, có khoảng 40 yêu cầu trực tiếp của các hộ ngư dân tham gia đóng mới tàu thép.

Trong đó, 1 doanh nghiệp đăng ký đóng 13 tàu cá vỏ thép. Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV cho hay: BIDV tiên phong xây dựng chương trình, chính sách cấp tín dụng 3.000 tỷ đồng hỗ trợ khai thác hải sản xa bờ năm 2014. Theo đó, cam kết thủ tục vay vốn đối với khách hàng ngắn gọn, đơn giản, xử lý trong thời gian 4 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ vay vốn.

Bình Định, Quảng Ngãi là 2 địa phương có số lượng tàu đánh bắt lớn nhất tại ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa, được BIDV chọn thí điểm triển khai chương trình tín dụng.

MỚI - NÓNG