Ước mong của cô giáo muốn nói lời xin lỗi học sinh

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Trong 24 năm làm nghề giáo, tôi từng giơ tay tát 1 học sinh. Từ đó đến nay, tôi vẫn luôn ân hận và ao ước giá như được gặp lại em đó để nói lời xin lỗi. Học sinh như những người con nhỏ dại, cần tình yêu thương, uốn nắn mỗi ngày mà nên”, đó là những lời tâm sự ruột gan của cô Nguyễn Thị Huế, giáo viên Trường THPT Vạn Xuân, Hoài Đức (Hà Nội).
Ước mong của cô giáo muốn nói lời xin lỗi học sinh ảnh 1
Cô Nguyễn Thị Huế. Ảnh: Quỳnh Anh

Năm 1998, cô Huế tốt nghiệp trường sư phạm, về dạy Ngữ văn ở trường phổ thông. Trong một lần tan lớp, cô giáo trẻ Nguyễ Thị Huế bị học sinh nam chắn trường trêu chọc. Bất lực, nhưng cũng chỉ để nhằm thể hiện tính uy nghiêm, cô Huế giơ tay tát một học sinh. Cái tát đó đã ám ảnh cô suốt nhiều năm đứng lớp. “Mãi sau này, tôi vẫn cứ nghĩ, nếu lúc đó chín chắn, trưởng thành hơn trong nghề sẽ không ứng xử như thế. Đôi lúc tôi cứ ước, được gặp lại học sinh đó, tôi sẽ nói lời xin lỗi”, cô Huế nói.

Trong 24 năm dạy học, cô đã gắn bó sâu nặng với hàng chục thế hệ học sinh. Với cô Huế, học sinh giỏi dễ để lại dấu ấn nhưng thuyết phục, cảm hoá được học sinh bướng bỉnh, cá tính, quậy phá… thì cô giáo sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều. “Không có 1 biện pháp cho tất cả học sinh, bởi mỗi em một tính cách khác nhau. Có em phải viết bản kiểm điểm nhưng có em lại phải dùng biện pháp mạnh mới hiệu quả”, cô Huế nói.

Đến giờ cô vẫn luôn nhớ một trường hợp nam học sinh rất ngỗ ngược. Năm đó, cô nhận chủ nhiệm lớp 10; ở lớp có bạn cãi tay đôi, gây gổ với tất cả giáo viên bộ môn. Lớp học ở tầng 3, thầy cô và các bạn đi dưới tầng 1 thì học trò này ném cát từ trên cao xuống. Có lúc em này còn dùng que dài chọc thủng hết trần nhà các lớp… “Tôi khuyên nhủ, phạt, rồi lại động viên, cho rất nhiều cơ hội nhưng em vẫn không thay đổi. Năm đó, tôi đã quyết cho học sinh này lưu ban 1 năm. Học sinh sốc nhưng đó cũng chính là bước ngoặt để sau đó em đã thay đổi”, cô nói.

Trưởng thành, cậu học trò lớp 10 cô Huế từng chủ nhiệm đó quay lại cảm ơn cô vì “4 năm ở trường THPT, dù bị cô giáo phạt nhưng cô chưa từng bỏ rơi em”. Giờ đây, khi đã làm quản lý nhà hàng lớn, người học trò của cô Huế vẫn rất hiếu thuận với cha mẹ. Cô cũng vui và tự hào, coi đó là trái ngọt của cuộc đời làm nghề. “Có những thời điểm, có những em học sinh hoàn cảnh éo le, cha mẹ li thân, li hôn, nếu giáo viên không hiểu, chở che lại đẩy em thêm một chút vào thế khó là các em sẽ bỏ học, cuộc đời rẽ sang một hướng khác”, cô Huế chia sẻ.

Cô Huế còn kể về một học sinh rất đặc biệt của mình. Học sinh đó mồ côi mẹ, bố đã đi bước nữa, sau lưng còn một đàn em. Do hoàn cảnh như vậy nên học sinh này rất nghịch ngợm. Học đến lớp 12, học sinh này bị mắc ung thư xương giai đoạn cuối, nằm trên giường bệnh nhưng rất kiên cường chống chọi bệnh tật. Cô vẫn nuôi hy vọng học sinh sẽ khỏe mạnh trở lại nên đi xin thầy hiệu trưởng lùi lịch thi, bảo lưu kết quả học tập.

Cuộc đời trớ trêu, chỉ ít tháng sau khi trò phát bệnh, chính cô giáo cũng bị bác sĩ chẩn đoán mắc ung thư, cô phải điều trị bằng hóa chất. Giữa kỳ điều trị hóa chất, đầu rụng hết tóc, cô đạp xe đến bệnh viện nơi học trò đang điều trị để động viên em cố gắng trước khi em ra đi mãi mãi.

Cô Huế tâm niệm, khi học sinh vi phạm lỗi lớn buộc phải xử lý thì cũng phải cho các em đường quay lại sửa chữa. Lập một hội đồng kỷ luật với nhà trường không khó nhưng giáo dục con người là rất đặc biệt. Có những em rất ngỗ ngược, luôn tỏ ra chống đối thầy cô nhưng ẩn đằng sau đó có thể đứa trẻ thiếu thốn tình cảm, sự quan tâm của cha mẹ, rất cần được yêu thương, dìu dắt.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.