Nguyên mẫu cô giáo trong 'Bài ca người giáo viên nhân dân'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ðã nửa thế kỷ qua, “Bài ca người giáo viên nhân dân” đã trở thành bài hát truyền thống ngành sư phạm. Tôi may mắn từng gặp Nhạc sĩ Hoàng Vân, được nghe ông kể về nguồn cảm hứng sáng tác ca khúc và nghe “nguyên mẫu” thuật lại kỷ niệm khó quên.
Nguyên mẫu cô giáo trong 'Bài ca người giáo viên nhân dân' ảnh 1
Chân dung “nguyên mẫu” Nguyễn Thị Yên (ảnh chụp thời kỳ là Giám đốc Sở GD-ÐT tỉnh Lạng Sơn). Ảnh: Duy Chiến

Vào khoảng đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, tôi có dịp trò chuyện với nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng ở trung ương lên thăm, giao lưu và đi thực tế sáng tác ở xứ Lạng.

Nhạc sĩ Hoàng Vân là người khá kiệm lời, nhưng khi đã chạm đến nỗi niềm thì cảm xúc của ông như vỡ òa. Khoảng tháng 10/1995, ông đến thăm Tạp chí Xứ Lạng thì bắt gặp chúng tôi đang trò chuyện với một số cây bút trẻ ở các trường phổ thông trên địa bàn. Trong lúc cao hứng, nhạc sĩ đã kể lại cho chúng tôi nghe về nguồn gốc ra đời của ca khúc “Bài ca người giáo viên nhân dân”.

Cảm hứng từ cô giáo trẻ

Nhạc sĩ Hoàng Vân kể lại: Khoảng đầu năm 1970, ông có đợt lên miền núi xứ Lạng để sáng tác phục vụ cho cuộc thi viết về đề tài sư phạm. Trường cấp 3 Thất Khê, huyện Tràng Định sơ tán tại Bản Xà, xã Đại Đồng, Tràng Định. Thời kỳ đó, các lớp học nằm rải rác ở các quả đồi, núi có rừng cây bao bọc xanh tốt. Lúc Hoàng Vân đến gặp ngay các em học sinh người dân tộc Tày, Nùng, gương mặt các em thơ ngây, trong trẻo và ông đã cảm mến đất và người nơi đây.

Trong khoảng một tuần thâm nhập thực tế, Hoàng Vân được nhà trường và thầy cô giáo đón tiếp niềm nở, chu đáo. Ông được “3 cùng” với giáo viên, học sinh. Ông cho biết, ngay sau đó, trong ông bừng lên cảm xúc mãnh liệt.

“Thời đó phong trào “3 sẵn sàng” sôi nổi lắm. Đời sống vật chất kham khổ nhưng các thầy cô rất yêu đời, hát ca suốt ngày. Tôi rất khâm phục các thầy, cô giáo nơi đây, vì họ đẹp và sáng ngời lý tưởng. Một hôm, tôi bất ngờ được nghe giáo viên hát về nghề dạy chữ trên rẻo cao, lời hát đi vào lòng người. Lúc đó cái ý, tứ của bài “Người giáo viên nhân dân” đã ùa đến. Mạch nguồn của giai điệu của bài hát đến từ cô giáo tên là Yên”, nhạc sĩ Hoàng Vân kể lại.

Theo Hoàng Vân, ngày đó cô giáo Yên tuổi đời mới ngoài 20, rất xinh đẹp. Ngay sau khi nghe cô Yên hát, đêm về, nhạc sĩ sáng tác ca khúc “Bài ca người giáo viên nhân dân” trong vài giờ tại khu nhà nghỉ ở trại an dưỡng của tỉnh Lạng Sơn thuộc thôn Khuổi Sao, xã Chi Lăng, huyện Tràng Định.

Trái tim rực màu phượng vĩ

Nghe được thông tin, chúng tôi đi tìm, may mắn là không lâu sau, đã tiếp cận được cô Yên, vì cô giáo đã gắn bó và công tác, sinh sống lâu năm ở xứ Lạng và đã là lãnh đạo địa phương.

Đề cập việc này, bà Nguyễn Thị Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn phụ trách khối Văn- xã (năm 1995) không khỏi xúc động, cho biết: “Năm 1970, nhà trường có cử tôi, khi đó là giáo viên Vật lý và thầy giáo Tạ Học Hải, giáo viên Toán đến giao lưu với nhạc sĩ đang thâm nhập thực tế sáng tác. Hôm đó, tôi hát bài “Cô giáo vùng cao” bằng tất cả tấm lòng yêu nghề của mình. Cũng thật bất ngờ, bài hát đó đã trở thành chất xúc tác cho nhạc sĩ Hoàng Vân viết nên ca khúc “Người giáo viên nhân dân”. Cứ mỗi lần nghe lại bài hát đó, tôi lại nhớ về một thuở trồng người trên quê hương xứ Lạng”.

Theo bà Nguyễn Thị Yên, cuối năm 1970, nhà trường nơi tôi dạy nhận được bức thư và bản nhạc viết tay của nhạc sĩ Hoàng Vân, nói rõ ngọn nguồn sáng tác bài hát “Người giáo viên nhân dân”, đồng thời gửi lời cảm ơn ban giám hiệu, các thầy cô giáo và “tổ văn nghệ nhà trường” và mong muốn được trở lại ngôi trường một lần nữa.

“Sau này, tôi cũng đã đến thăm nhạc sĩ Hoàng Vân vài lần ở Hà Nội. Anh em lại cùng ôn lại câu chuyện ra đời của “Bài ca người giáo viên nhân dân”. Nhạc sĩ bảo, dịp đó, nghe tôi kể chuyện có những học sinh Trường cấp 3 Thất Khê tòng quân vào Nam đánh Mỹ. Khi viết thư về cho cô Yên, các em đều hăng hái kể lại chuyện chiến đấu, tiên phong trên tuyến đầu. Nhiều em mãi mãi không trở về. Vậy nên trong ca khúc có đoạn “Người cầm bút, người cầm súng, người đi xa, đều nhớ ghi tên em. Tiếng em nói, nhen nhóm bao mơ ước lý tưởng…”, bà Nguyễn Thị Yên thuật lại.

Bà Vũ Kiều Oanh, nguyên Chuyên viên Văn- xã UBND tỉnh Lạng Sơn, hiện là Phó Giám đốc Đài PT-TH tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: Thời kỳ tôi là Thư ký riêng cho Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Yên, thi thoảng vẫn nghe bà kể về chuyện “nguyên mẫu” bài hát. Quả thật, khi tiếp xúc với chị Nguyễn Thị Yên, nhiều người cảm nhận ở chị có sự đam mê nghề nghiệp, gần gũi, chân tình.

Nguyên mẫu cô giáo trong 'Bài ca người giáo viên nhân dân' ảnh 2
Bà Nguyễn Thị Yên (bìa phải) chụp cùng bà Vũ Kiều Oanh, cựu thư ký UBND tỉnh Lạng Sơn (ảnh chụp tháng 8 năm 2022). Ảnh: Duy Chiến

“Năm 1968, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Nguyễn Thị Yên viết đơn “3 sẵn sàng” tình nguyện lên miền núi dạy học và nơi dạy học đầu tiên là Bản Xà là địa bàn khó khăn bậc nhất của tỉnh Lạng Sơn lúc bấy giờ. Cô Yên được phân công dạy môn Vật lý cả 3 khối học kiêm dạy nữ công và chủ nhiệm một lớp 8.

Vốn là người yêu văn nghệ, cô Yên thường xuyên dạy hát, dạy múa cho các em học sinh người dân tộc thiểu số, thu hút các em tham gia vào các hoạt động tập thể, nhờ thế mà học sinh đã ngày càng mạnh dạn trong giao tiếp, tích cực chủ động hơn trong học tập, lao động.

Do có nhiều thành tích nổi bật, năm 1971, cô Yên được Ty giáo dục Lạng Sơn điều về dạy tại Trường Trung cấp Sư phạm tỉnh. Năm 1986, làm Phó Giám đốc, năm 1991 trở thành Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo Lạng Sơn. Năm 1990, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”.

Từ năm 1995, được bổ nhiệm là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, đến năm 2002 bà được nghỉ hưu và hiện đang sinh sống tại quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh”, bà Vũ Kiều Oanh chia sẻ.

Tháng 8 năm nay, chúng tôi có dịp gặp lại bà Nguyễn Thị Yên tại thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù tuổi cao nhưng nom bà vẫn còn tinh anh với nụ cười tươi tắn trên gương mặt. Dịp kỷ niệm 40 năm Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982- 20/11/2022), chúng tôi lại cùng nhau ôn lại bài ca truyền thống “Bài ca người giáo viên nhân dân”.

“Bài ca người giáo viên nhân dân” khi hát lên, ta thấy rõ nét trong sáng của lời ca. Sau khi ca khúc ra đời, ngay lập tức được yêu thích và trở thành bài hát truyền thống ngành sư phạm Việt Nam”.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Yên

MỚI - NÓNG